Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rủi ro, chi phí cho một lần thụ tinh ống nghiệm

Theo Chuyên gia tư vấn sản khoa tại Malaysia, thủ thuật lấy trứng ra khỏi cơ thể phụ nữ ẩn chứa rủi ro rất nhỏ. Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tại đây là 66%.

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản được áp dụng trong điều trị vô sinh và mang lại tia hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Các điểm cần lưu ý, rủi ro và cả chi phí thực hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu của cặp đôi hiếm muộn. 

Để làm rõ vấn đề này, Zing.vn đã có buổi trò chuyện với chuyên gia tư vấn sản khoa, sinh lý, sinh sản học Yong Jee Kien. Ông hiện công tác tại trung tâm hỗ trợ sinh sản TMC thuộc bệnh viện Tropicana, Malaysia - nơi đã thực hiện hàng nghìn ca thụ tinh trong ống nghiệm và tỷ lệ thành công là 66% (cao hơn so với 51% - tỉ lệ bình quân của thế giới). 

C

huyên gia tư vấn sản khoa, sinh lý, sinh sản học Yong Jee Kien.

Rủi ro của thủ thuật lấy trứng là rất nhỏ

- Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, vợ hay chồng là người đóng vai trò quan trọng hơn thưa ông?

- Theo tôi, việc người vợ hay chồng đóng vai trò quan trọng hơn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân của vô sinh. Từ những yếu tố rủi ro bệnh, có thể kết luận khoảng 50% đến từ nam giới và 50% đến từ nữ giới, đồng nghĩa với việc, hai giới đóng vai trò như nhau trong việc này.

Về việc dự đoán tỷ lệ thành công của một ca thụ tinh trong ống nghiệm, nếu chỉ thông qua những thông tin cá nhân và y tế cơ bản thì sẽ rất khó. Để có thể tính toán chính xác và đưa ra kết luận, bệnh nhân cần đến trực tiếp bệnh viện. Với sự hỗ trợ của những thiết bị kiểm tra hiện đại, chúng tôi mới có cơ sở cho việc ước tính tỷ lệ thành công.

- Trước khi tìm tới phương pháp này, các cặp vợ chồng hiếm muộn thường sử dụng thuốc để hỗ trợ cho vấn đề sức khỏe sinh sản. Điều này ảnh hưởng như thế nào?

- Chúng tôi sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng tất cả các loại thuốc tương tự trước khi thực hiện 1-2 tháng, để tránh tác động không tốt tới hormone cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

- Để thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ phải trải qua quá trình lấy trứng khỏi cơ thể. Việc này ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ của họ?

- Thủ thuật lấy trứng ra khỏi cơ thể phụ nữ có thể ẩn chứa một vài rủi ro, tuy nhiên là rất nhỏ. Với hầu hết các bệnh nhân, đây không phải là vấn đề lớn khi quyết định thực hiện chu trình thụ tinh nhân tạo này.

Chúng tôi không cho phép bệnh nhân được lấy trứng quá nhiều lần trong một năm dù chưa có giới hạn cụ thể về việc này. Để tối ưu hóa cơ hội thành công của biện pháp, chúng tôi lấy nhiều trứng hơn trong một lần, từ đó có thể tăng số lần thực hiện thụ tinh trong ống nhiệm.

Lưu ý, chúng tôi không thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo với những phụ nữ có tình trạng sức khỏe không đủ để mang thai như mắc bệnh tim…

Phòng phân tích phôi được vô trùng tuyệt đối và luôn ở nhiệt độ 37 độ C, tương đương với nhiệt độ cơ thể.

Phụ nữ nên thực hiện trước 35 tuổi

- Ngoài việc đối mặt với rủi ro của việc lấy trứng khỏi cơ thể, phụ nữ có thể sẽ gặp những nguy hiểm gì nếu việc thụ tinh này thất bại?

- Việc này hầu như không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ, tuy nhiên, sau thất bại trong lần thử đầu tiên, phụ nữ sẽ gặp sức ép và áp lực rất lớn về tâm lý. Thực tế, có những người đã rất tuyệt vọng và việc này dẫn đến những hậu quả về sức khỏe. Do đó, trung tâm chúng tôi cũng có những bác sĩ tâm lý học để có thể tư vấn kỹ càng cho bệnh nhân trước, trong và sau khi thực hiện quy trình này.

- Với những người thất bại trong lần đầu tiên, họ có thể thử lại sau bao lâu?

- Với những người muốn tiếp tục thực hiện, tôi khuyên nên thử lại sau khoảng 2-3 tháng, do họ cần thời gian cho cơ thể hồi phục. Trong khoảng thời gian này, họ cần bổ sung lại lượng dinh dưỡng cũng như vitamin để có đủ thể chất cho lần thử tiếp theo.

- Tỷ lệ thành công của phương pháp này tại bệnh viện Tropicana là bao nhiêu và nhóm tuổi nào mang tỉ lệ thành công cao nhất?

- Số liệu này thay đổi theo mỗi tháng, mỗi năm. Nhưng số liệu của năm 2015 là 66% (so với 51% - tỷ lệ bình quân của thế giới). Với phương pháp này, độ tuổi càng thấp, khả năng thành công sẽ càng cao.

Với những phụ nữ trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công rất thấp, đồng thời với những phụ nữ này, rủi ro mắc dị tật của trẻ cũng cao hơn, ví dụ như hội chứng Down… Vậy nên, tôi luôn khuyến khích phụ nữ thực hiện phương pháp này trước tuổi 35.

Năm 2012, 

trung tâm hỗ trợ sinh sản TMC thuộc bệnh viện Tropicana, Malaysia chào mừng em bé thứ 3.000 được sinh ra nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản. 

Chi phí từ 75 tới 125 triệu đồng

- Các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ phải chi trả bao nhiêu cho một ca thụ tinh nhân tạo tại bệnh viện Tropicana?

- Chi phí của một quá trình thực hiện sẽ khoảng từ 15.000 tới 25.000 RM (tương đương với khoảng từ 75 tới 125 triệu đồng). Chi phí cho lần tiếp theo sẽ tương tự như lần đầu tiên, tuy nhiên với những bệnh nhân vẫn còn lưu trữ trứng từ lần đầu, số tiền sẽ giảm đi một nửa, vào khoảng 7.000 tới 8.000 RM (tương đương với 35-40 triệu đồng).

- Ông có lời khuyên nào cho phụ nữ để về vấn đề sức khỏe sinh sản?

- Phụ nữ nên lập gia đình và có con trước độ tuổi 35. Những người chưa muốn kết hôn nhưng lo lắng về rủi ro sinh sản sau này có thể thực hiện đông lạnh trứng. Phương pháp này đang được thực hiện chủ yếu bởi các bệnh nhân ung thư, do sau khi thực hiện hóa trị/xạ trị, các tế bào trứng của họ sẽ bị tổn thương hoàn toàn.




Tiểu Uyên

Ảnh: TMC Tropicana, Malaysia

Bạn có thể quan tâm