Sau clip mang thức ăn cho người nghèo nhưng lại có thái độ miệt thị, phát ngôn gây sốc, nam TikToker Nờ Ô Nô đang đối diện với vô số lời kêu gọi tẩy chay từ cộng đồng mạng.
"Mình từ chối mua, sử dụng dịch vụ của bất kì thương hiệu, quán ăn nào bạn Nờ Ô NÔ review cho đến khi bạn thực sự thay đổi tư duy, thu hút rẻ tiền... Nếu vẫn giữ những nội dung như vậy, bạn suy đồi đạo đức trầm trọng”, người mẫu Lê Thúy thể hiện quan điểm.
Động thái "quay lưng" với cả những bên làm việc với Nờ Ô NÔ phản ánh những rủi ro khi nhãn hàng làm việc với các KOL, TikToker chuyên sử dụng nội dung bẩn để câu lượt xem, kéo follower.
Việc không có tính toán kỹ, dẫn đến chọn sai người đại diện quảng cáo chắc chắn khiến hình ảnh, danh tiếng của thương hiệu chịu tổn thất.
TikToker Nờ Ô NÔ, hay Tuấn Brice, bị nhiều người lên án sau khi đăng tải clip miệt thị người nghèo. |
"Quyền lực ảo" của các KOL mạng
Bên cạnh các nền tảng như Facebook, YouTube hay Instagram, ứng dụng quay video ngắn TikTok nổi lên như một kênh kiếm tiền hấp dẫn dành cho giới sáng tạo nội dung, nhờ sự bứt phá cả về số lượng người dùng lẫn tương tác.
Sức hút của TikTok yêu cầu nhãn hàng phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Một tỷ lệ lớn người sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, với lượng follower có thể từ vài trăm nghìn lên đến hàng triệu lượt.
Các thương hiệu từ đó tìm đến, hợp tác với họ để quảng bá sản phẩm, công ty của mình.
Theo nghiên cứu của Ad Week vào 2021, 49% người dùng TikTok đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ của một công ty sau khi xem quảng cáo, khuyến mãi hoặc đánh giá trên ứng dụng.
Thu nhập của các TikToker trên ứng dụng cũng chủ yếu đến từ hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng. Theo tạp chí Forbes, 7 ngôi sao được trả lương cao nhất của TikTok đã kiếm được tổng cộng 55,5 triệu USD từ công việc trong và ngoài nền tảng vào năm 2021.
Như trong trường hợp của Nờ Ô NÔ, trước khi clip miệt thị người nghèo xuất hiện, người này đã gây tranh cãi khi chuyên làm các clip đập phá với lời lẽ quát mắng nhân viên khi đến quán ăn, shop thời trang nhưng thực chất là đang quảng cáo, giới thiệu dịch vụ.
Hai ngôi sao TikTok ở Thái gây phản cảm với video đóng giả người khuyết tật. |
Rủi ro với chiêu trò content bẩn
Tuy vậy, danh tiếng của một thương hiệu có thể mất nhiều năm để xây dựng nhưng chỉ một sự cố nhỏ cũng đủ sức phá hủy nó. Theo Legacy Marketing, việc thuê người có ảnh hưởng quảng cáo cũng như "con dao hai lưỡi".
Việc chọn hợp tác với người có ảnh hưởng mà không tính toán, tìm hiểu rõ về phong cách sáng tạo nội dung cũng như lý lịch của họ là một nước đi mạo hiểm.
Các nhà tiếp thị có thể hạn chế rủi ro bằng cách đưa điều khoản đạo đức vào hợp đồng, cho phép họ dễ dàng cắt đứt quan hệ nếu người ảnh hưởng có hành động đi ngược lại giá trị thương hiệu.
Song, trên hết, phía thương hiệu phải nhận thức được họ đang đầu tư vào ai, hoặc chấp nhận rủi ro khi bất chấp mời sao mạng chuyên làm content bẩn về quảng cáo.
Khi nội dung và cách một công ty "rao bán" hình ảnh của mình không phù hợp, khách hàng tiếp cận dễ nhầm lẫn và gây ra hậu quả nghiêm trọng: hạ thấp giá trị công ty, "chặt đứt" niềm tin của cộng đồng với doanh nghiệp.
Hồi tháng 5, hashtag #BanLazada (tẩy chay Lazada) trở thành xu hướng hàng đầu trên Twitter Thái Lan, sau khi nền tảng thương mại điện tử này mời hai sao mạng quảng bá cho chiến dịch bán hàng trên TikTok.
Trường hợp của Logan Paul từng được đem ra mổ xẻ về chuyện hành vi của sao mạng có thể làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của thương hiệu. |
Theo Thai PBS, trong video, hai TikToker là Nara Aniwat và Thidaporn “Nurat” Chaokuwiang đóng vai hai mẹ con. Thidaporn vào vai người con gái ngồi trên xe lăn, trong khi Nara đứng cạnh và liên tục cáo buộc Thidaporn đã ăn cắp quần áo của mẹ.
Phần đông người xem chỉ trích video có nội dung chế nhạo người khuyết tật, gây phản cảm. Sau 2 ngày, hashtag #BanLazada bằng tiếng Thái có hơn 102.000 lượt nhắc tới. Nhiều người dùng đăng thông tin chia sẻ cách hủy tài khoản mua hàng và xóa ứng dụng khỏi điện thoại.
Thương hiệu phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, gọi những gì xảy ra là “sai lầm không thể chấp nhận”. Intersect Design Factory, công ty trung gian đứng ra thuê hai TikToker cũng đăng lời xin lỗi công khai. Video quảng cáo sau đó đã bị xóa.
Trước khi TikTok trở thành "con gà đẻ trứng vàng", "thời hoàng kim" của YouTube cũng từng chứng kiến các YouTuber dễ dàng kiếm tiền theo cách thức tương tự.
Cái tên Logan Paul gắn liền với tai tiếng, với những video vô bổ, chủ yếu là chiêu trò. Song, nhờ lượng theo dõi lên tới 15 triệu (vào năm 2017), Logan vẫn "đút túi" số tiền khổng lồ nhờ các hợp đồng quảng cáo, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Nike, Walmart, Pepsi, Verizon và HBO.
Song, sau vụ việc Logan vào trong khu rừng tự sát nổi tiếng ở Nhật Bản và cười đùa bên thi thể người đã khuất, nhiều thương hiệu vội vàng tìm cách chấm dứt hợp đồng với nam YouTuber này bởi không muốn tên công ty mình xuất hiện, đính kèm trong clip gây phẫn nộ.
Harvey Schwartz, chủ tịch của Whosay, công ty chuyên làm việc với nhóm người có ảnh hưởng, nhấn mạnh: “Không có lý do gì để các thương hiệu chấp nhận rủi ro lớn như vậy khi làm việc với các ngôi sao có sẵn điều tiếng về đạo đức, dù lượng khán giả và độ phủ sóng của họ lớn đến đâu".
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.