Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rủi ro mắc bệnh tiểu đường vì ăn kiêng sai cách

Khi nói đến chế độ ăn kiêng giảm carb, điều quan trọng đến từ chất lượng chứ không phải là số lượng.

Nên chú ý đến chất lượng trong chế độ ăn kiêng. Ảnh: Unplash.

Theo Medicinenet, nghiên cứu mới phát hiện ăn ít carbohydrate từ động vật có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Nguy cơ này thấp hơn với những người ăn ít carb từ thực vật. Nghiên cứu được trình bày ở Chicago (Mỹ) của Hiệp hội Khoa học Tim mạch Mỹ.

“Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trên những người khỏe mạnh chưa từng mắc tiểu đường hay tiền tiểu đường, số lượng carb có thể không quan trọng bằng chất lượng của protein, chất béo. Điều quan trọng là phải chú ý đến chất lượng của thực phẩm”, Yeli Wang, tác giả nghiên cứu ở khoa Dinh dưỡng tại Harvard T.H. Chan School của Public Health, Boston (Mỹ), cho biết.

Không lạm dụng chế độ ăn kiêng để giảm cân

Chế độ ăn kiêng low-carb rất phổ biến vì nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp giảm cân nhanh chóng trong vòng 6-12 tháng, nhưng vẫn chưa rõ hiệu quả thật sự và ảnh hưởng lâu dài của chúng đến sức khỏe như thế nào. Một giả thuyết cho rằng ăn kiêng hạn chế carb làm tăng chất béo và protein dẫn đến cảm giác no, hạn chế sự thèm ăn do đói, bên cạnh đó là tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể và đốt cháy calo.

Có gần 10 chế độ ăn kiêng low-carb phổ biến bao gồm chế độ ăn ketogenic và paleo. Nếu việc hạn chế nghiêm ngặt carbohydrate là chế độ ăn keto, việc chỉ ăn trái cây, rau và thịt nạc được mô phỏng theo các loại thực phẩm có sẵn cho con người trong thời kỳ đồ đá là chế độ ăn paleo.

an kieng dung cach anh 1

Ăn kiêng sai cách làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Unplash.

Vài nghiên cứu cho rằng chế độ ăn ít carb có thể cải thiện lượng đường trong máu ở những người mắc tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, số lượng carb tiêu thụ trong chế độ ăn kiêng này là khác nhau và việc ăn chất béo làm dấy lên mối lo ngại nó ảnh hưởng đến mức cholesterol cũng như sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu mới cho thấy một số chế độ ăn kiêng low-carb có thể tốt hơn những chế độ ăn kiêng khác.

“Không có định nghĩa tiêu chuẩn nào cho chế độ ăn kiêng low-carb, về mặt giá trị, chúng không đáp ứng tốt các khuyến nghị về chế độ ăn uống và điều chúng ta cần là lưu ý đến những gì có trong chế độ ăn kiêng đó", Kristina Petersen, trợ lý giáo sư tại khoa Dinh dưỡng tại Đại học Công nghệ Texas ở Lubbock, cho biết.

Hiểu rõ các chế độ ăn kiêng phù hợp

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa chế độ ăn ít carb và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 được xem là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và đột quỵ. Phân tích đã sử dụng dữ liệu về chế độ ăn uống và y tế cho 203.541 người trưởng thành từ 3 nghiên cứu lớn trên toàn quốc là Nurses' Health Study, Nurses' Health Study II and the Health Professionals Follow-Up Study từ năm 1984 đến 2017.

Những người tham gia không bị bệnh tiểu đường phải thực hiện bảng câu hỏi về các loại thực phẩm đang ăn duy trì sau 4 năm và kết quả sẽ được theo dõi trong tối đa 30 năm.

Đối với nghiên cứu mới, chế độ ăn uống của một người có được coi là ít carb hay không không được xác định chính xác bởi lượng carbohydrate họ ăn mỗi ngày.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một điểm số dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng năng lượng mà mỗi người nhận được từ lượng protein, chất béo và carbohydrate hàng ngày.

Sử dụng điểm số này, những người tham gia được chia thành 5 nhóm bằng nhau với nhóm ăn ít carb nhất trong nghiên cứu nhận được khoảng 40% năng lượng hàng ngày từ carbohydrate. Ngược lại, các hướng dẫn về chế độ ăn uống của Mỹ khuyến nghị carbohydrate chiếm 45-65% lượng năng lượng tiêu thụ.

Để đánh giá chất lượng của chế độ ăn kiêng, các loại thực phẩm được ăn sẽ phân thành 18 nhóm: Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch, các loại đậu, dầu thực vật, trà và cà phê, nước ép trái cây, ngũ cốc tinh chế, khoai tây, đồ uống có đường, đồ ngọt, món tráng miệng, chất béo động vật, sữa, trứng, cá hoặc hải sản, thịt và các loại thực phẩm từ động vật khác.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy những người thuộc nhóm ăn ít carb nhận được nhiều protein và chất béo hơn từ các nguồn thực vật có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 6%. Ngoài ra, khi ăn ít đường và các loại carbohydrate tinh chế khác rủi ro này sẽ giảm đến 15%.

Ngược lại, nhóm ăn ít carb có chế độ ăn kiêng tập trung chủ yếu vào lượng protein và chất béo động vật có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn đến 35% và khi giảm chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt nguy cơ này có thể cao hơn 39%.

Wang cho biết điểm yếu của nghiên cứu là hầu hết người tham gia đều là người da trắng.

“Chúng tôi tự hỏi liệu kết quả này có thể bao quát được cho nhóm người khác hay không, vì vậy cần xem xét thêm điều đó cũng như nhóm người thường xuyên áp dụng chế độ ăn ít carb như chế độ ăn keto”, Wang nhấn mạnh.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên có chế độ ăn uống bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả và các nguồn protein lành mạnh chẳng hạn cá, hải sản, các loại đậu và hạt, sữa ít béo hoặc không béo và thịt nạc.

Chúng ta nên tuân theo các khuyến khích về lựa chọn thực phẩm chế biến tối thiểu thay vì thực phẩm siêu chế biến và hạn chế đường, muối và rượu.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Như Ngọc

Bạn có thể quan tâm