Bắt cóc bé trai 1 ngày tuổi ngay tại Bệnh viện Hùng Vương
Vụ chiếm đoạt trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương (số 128, đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5) xảy ra đêm 17/3. Bà Lê Thị Kim Dung (SN 1963, ngụ tỉnh Trà Vinh, tạm trú huyện Củ Chi, TP.HCM) là mẹ của sản phụ T. (SN 1984) cho biết, chiều 15/3 bà đưa chị T. vào Bệnh viện Hùng Vương để chờ sinh. Đến chiều hôm sau, chị T. sinh được bé trai nặng hơn 2,4 kg. Rạng sáng 17/3, mẹ con chị T. được chuyển xuống nằm ở giường bệnh tại hành lang D2 của Khoa hậu sản và bà Dung là người trực tiếp chăm sóc con, cháu.
Trưa 17/3, có một phụ nữ lạ đến cạnh giường chị T. và khen cháu bé dễ thương, hỏi han về hoàn cảnh gia đình của mẹ con chị T. Khi nghe chuyện bà Dung kể là chị T. từ nhỏ bị bệnh, gần đây bị xâm hại và mang thai, thì người phụ nữ lạ bảo bà Dung “cho đứa cháu đi, để khỏi khổ thân già”.
Chị T. vừa sinh con đã bị bắt cóc tại bệnh viện Hùng Vương. |
Dù bà Dung nói rằng bà đảm bảo nuôi cháu được, song người phụ nữ vẫn cố thuyết phục và đề nghị thẳng mua cháu bé với giá hàng chục triệu đồng. Bà Dung từ chối. Khoảng 19h30 ngày 17/3, khi mẹ con chị T. ngủ, bà Dung ra cổng bệnh viện mua cháo. Khi quay lại bà phát hiện cháu bé đã biến mất. Hỏi chị T. (do thiểu năng) thì người phụ nữ này cho biết con đã được người ta mượn đi. Hiện Công an quận 5 đang triển khai thụ lý vụ việc.
Từ trước đến nay, mỗi khi trẻ sơ sinh được bế ra viện sẽ được kiểm tra các giấy tờ như giấy xuất viện, giấy chứng sinh và bấm lỗ. Sau sinh, sản phụ được lưu tại Khoa sinh khoảng 6 giờ, và việc thăm nuôi của người nhà được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Sau khi được chuyển đến Khoa hậu sản, trẻ sơ sinh sẽ được sản phụ và gia đình chăm sóc. Để thuận tiện cho công tác quản lý, mỗi sản phụ chỉ có 1 người nhà chăm sóc và phải đeo thẻ. Tuy nhiên, vào giờ được phép thăm bệnh (sau 17 giờ), có rất nhiều người ra vào bệnh viện và khoa phòng. Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc mất trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương.
Từ nhiều năm nay, Bệnh viện phối hợp với Công ty dịch vụ bảo vệ Long Hải để kiểm tra các cổng ra vào. Quy trình kiểm tra xuất viện của bệnh viện tưởng là chặt chẽ, nhưng hóa ra vẫn có thiếu sót nên trẻ sơ sinh đã bị mang ra khỏi bệnh viện trái phép. Bệnh viện đang cải thiện lại quy trình kiểm tra xuất viện để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự. Bệnh viện có Quy chế về việc phối hợp giữa Bệnh viện Hùng Vương và Công an quận 5, và được sự hỗ trợ kịp thời trong các vấn đề về an ninh trật tự.
Phá đường dây buôn bán trẻ em cực lớnTrước vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương, Đội Phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn xã hội và mua bán người (Công an TP.HCM) phối hợp công an quận 7, đã phá vụ án buôn bán trẻ sơ sinh với quy mô cực lớn, mà từ trước đến nay chưa có đường dây nào thực hiện trót lọt nhiều “phi vụ” bán trẻ em ra nước ngoài lớn như vậy.
Sau thời gian dài theo dõi, Ban chuyên án đã “cất mẻ lưới” lớn, bắt giữ 7 người gồm: Ngô Thị Lan (SN 1970, thường gọi là Hồng, ngụ quận 1), Trần Ngọc Quỳ (SN 1970, biệt danh là Pắng, ngụ quận Tân Phú), Võ Văn Viễn (SN 1970, thường gọi là Sáu, ngụ quận Gò Vấp), Võ Thị Kiều Trang (SN 1988, ngụ tỉnh Quảng Ngãi), Tưởng Đình Thương (SN 1970, ngụ TP.Hải Phòng), Phạm Tuấn Phương (SN 1962, ngụ tỉnh Đắc Nông) và Trần Thiện Nhân (SN 1970, thường gọi là Dũng, ngụ quận 1). Băng nhóm này do Lan và Thương cầm đầu.
“Ông trùm” Thương sa lưới. |
Chiều 13/3, Cơ quan CSĐT đã tống đạt quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố 7 bị can nêu trên về hành vi “mua bán trẻ em”, riêng bị can Trang được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.
Suốt quá trình theo dõi đường dây này, lực lượng cảnh sát phục kích bắt quả tang Lan, Quỳ, Viễn và Trang đang thực hiện “phi vụ” mua bán 1 bé gái sơ sinh 3 ngày tuổi trước khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 1, quận 10. Tại Cơ quan điều tra, Trang và Viễn khai nhận, không có nghề nghiệp.
Ngày 24/2, Trang đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ sinh bé gái nặng 3,1kg (con của Trang và Viễn). Sau đó, thông qua Quỳ (hành nghề cắt móng chân, móng tay dạo tại Bệnh viện Từ Dũ), Viễn và Trang đồng ý bán cháu bé cho Lan với giá 7 triệu đồng. Khi họ đang mua bán thì bị công an bắt quả tang. Ngay sau đó, 3 người có liên quan là Thương, Phương và Nhân cũng sa lưới.
Hàng chục cháu bé đã bị bán sang Trung Quốc
Theo điều tra, Quỳ và Phương là những người hành nghề xe ôm ở Bệnh viện Từ Dũ; Thương và Nhân đều không có nghề nghiệp, nên được 2 “trùm” đường dây giao nhiệm vụ chuyên môi giới bán trẻ sơ sinh cho Lan. Số người này chuyên lang thang ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - là bệnh viện phụ sản lớn nhất TP.HCM hiện nay, để tiếp cận với các bà mẹ trẻ do hoàn cảnh, hay sống thử có con ngoài ý muốn, hoặc những cặp vợ chồng nghèo khó để dụ dỗ họ cho hoặc bán con.
Trong hàng loạt vụ buôn bán trẻ sơ sinh trót lọt, lần gần đây nhất là vào tháng 2/2014, Quỳ và Phương môi giới cho Lan mua bé trai sơ sinh vừa chào đời tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận Bình Thạnh với giá 14,5 triệu đồng. Sau đó thông qua Thương giới thiệu, Lan đã bán cháu bé cho một phụ nữ ngụ tỉnh Tây Ninh (chưa rõ lai lịch) với giá 35 triệu đồng. Vụ này, các đối tượng hưởng tiền công của 2 bên là 18 triệu đồng và chia nhau tiêu xài.
Lan khai nhận, thời điểm tháng 8/2013, Lan cùng lúc bán 2 bé sơ sinh cho đối tượng Nguyễn Thanh Hằng (SN 1986, ngụ huyện Hóc Môn) với số tiền lớn. Sau đó Hằng đưa 2 bé sơ sinh sang Trung Quốc bán thì bị bắt giữ tại địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Dù biết Hằng đã bị bắt, nhưng Lan vẫn tiếp tục cùng đồng bọn hoạt động mua bán trẻ em và trót lọt nhiều vụ. Riêng việc mua bán trẻ sơ sinh với Quỳ, Thương và Phương, Lan thừa nhận đã thực hiện 4 vụ trót lọt. Còn Quỳ khai nhận đã 3 lần môi giới bán 3 trẻ sơ sinh cho Lan. Mỗi lần Lan trả công cho Quỳ 1 triệu đồng/cháu bé.
Còn Thương khai, từ tháng 6/2013 đến nay đã môi giới bán 20 cháu bé sơ sinh cho nhiều đầu mối khác nhau, mỗi vụ Thương thu lợi bất chính từ 2-7 triệu đồng/cháu bé. Thương khai nhận là người trực tiếp tìm mối bán các cháu bé hoặc bán qua tay cho Lan để Lan bán cho các đường dây khác mang qua Trung Quốc. Trong số các cháu bé bị buôn bán qua đường dây này, có một số cháu bé bán cho các gia đình hiếm muộn trong nước, nhưng phần lớn là bán sang Trung Quốc.