Những đứa trẻ chừng 6 tuổi đau đớn khi phải chịu đựng từng nhát khứa dài, sâu lên mặt. Nhưng đối với những người trong bộ lạc ở Tây Phi, họ tự hào coi đó là biểu tượng của cái đẹp.
|
Tại nhiều bộ lạc ở Tây Phi, việc rạch mặt hay cơ thể để tạo sẹo là hình thức đánh dấu tuổi trưởng thành cũng như là nghi thức công nhận thành viên của bộ lạc. Từ nhiều thế kỷ qua, những bộ lạc này cho rằng các vết sẹo trên cơ thể giúp họ liên kết với tổ tiên. Sẹo được tạo thành từ những vật sắc nhọn như đá, dao hay thủy tinh. Mỗi bộ lạc có những vết sẹo với hình thù khác nhau. Như người dân quốc Papua New Guinea, họ khắc lên da những hình xăm giống vảy cá sấu. |
|
Dân tộc Houeda, một bộ lạc ở Bénin, Tây Phi tin rằng những đứa trẻ có sẹo trên khuôn mặt sẽ kết nối được với tổ tiên của chúng. Sau buổi lễ rạch cơ thể, những đứa trẻ được đặt tên mới, tóc bị cạo đi và được đưa đến tu viện để thực hành nghi lễ giao tiếp với tổ tiên. Tuy nhiên, ngày nay tập tục này đang lụi tàn dần bởi tại các thành phố lớn ở Bénin, người dân thường kỳ thị những ai có sẹo trên mặt. |
|
Hiện, một số quốc gia Tây Phi đã cấm hủ tục này, bởi hành động rạch lên mặt hay lên cơ thể trẻ em được coi là man rợ, vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong tâm thức của những người dân ở vài bộ lạc, họ cho rằng những vết sẹo trên mặt là niềm tự hào khi được công nhận thành viên của bộ lạc, những vết cắt trên lưng hay trên bụng thể hiện lòng can đảm. |
|
Tuy nhiên, có không ít những người đã từ chối truyền thống của tổ tiên bởi họ nhận thức được những bệnh nguy hiểm có thể gây ra bởi những vết sẹo như HIV, uốn ván hay nhiễm trùng. Họ nghĩ rằng để bảo tồn di sản, văn hóa truyền thống, thay vì rạch mặt có thể giữ gìn trang phục, ngôn ngữ, các lễ hội hay tôn giáo. |
|
Hầu hết dụng cụ xăm mình đều thô sơ và không được khử trùng. Các nhân viên y tế đã cảnh báo, tuyên truyền rằng dụng cụ tạo sẹo phải được sát khuẩn kỹ càng nhưng nhiều thủ lĩnh bộ lạc đã bỏ ngoài ta những lời khuyên đó. |
|
Theo phong tục của bộ lạc Betamarribe ở Bénin, những người lớn tuổi, được gọi là Somba hoặc Tammari, nói rằng một đứa trẻ không có sẹo không phải là con người. Nếu đứa trẻ chết trước khi xăm mình sẽ không được chôn cất trong nghĩa trang của làng vì chúng không phải là người Betamarribe trong mắt tổ tiên. |
|
Các vết sẹo của mỗi bộ lạc đều khác nhau. Nhiều người vẫn tuân thủ nghi lễ rạch mặt như hình thức bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Các bộ lạc còn coi đó là vẻ đẹp và dấu hiệu nhận biết người trong làng, bộ lạc hoặc thị tộc. Những vết thường đều không có sự can thiệp của y học hiện đại, tất cả đều tự lành lại. |
|
Một người phụ nữ đến từ quốc gia Burkina Faso chia sẻ với Joana Choumali - nhiếp ảnh gia của Nationnal Geographic: 'Khi tôi 10 tuổi, tôi đã yêu cầu bộ lạc thực hiện nghi lễ xăm hình cho mình. Tôi muốn được như anh chị em của mình và để chứng tỏ rằng tôi can đảm". |
|
Nhiếp ảnh gia Jean-Michel Clajot (Mỹ) đã thực hiện bộ ảnh đen trắng này tại một số quốc gia Tây Phi, để qua đó ghi lại hủ tục man rợ mà nhiều bộ lạc quan niệm là tập quán lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong ý thức văn hóa và xây dựng cộng đồng. |
|
Các thành viên lớn tuổi trong bộ lạc được tôn kính vì những vết sẹo chằng chịt trên mặt, trên cơ thể, nhưng tại các thành phố lớn ở Tây Phi, nhiều người có sẹo sẽ cảm thấy xấu hổ khi bị kỳ thị. |
Bích Phương
Theo Daily Mail
Hủ tục rạch mặt trẻ em
Châu Phi
hủ tục xăm mình
Tây Phi