Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Rùng mình nghe tiếng chó sủa trong phòng nâng mũi

Cô gái 24 tuổi không quên được cảm giác nằm trên giường mổ, đã tiêm thuốc tê và bất chợt nghe tiếng chó sủa, chạy loanh quanh phòng phẫu thuật.

Dù truyền thông liên tiếp đưa tin, các ca tai biến thẩm mỹ vẫn diễn ra nhan nhản hàng ngày. Ảnh minh họa: Pexels.

"Trong phòng phẫu thuật nhỏ và bề bộn, tôi vẫn nghe được tiếng chó sủa, chạy loanh quanh giỡn với người. Nhưng lúc đó đã nằm trên bàn mổ, không thể nhảy xuống được nữa".

T.T.T.N. (24 tuổi, Lâm Đồng) bàng hoàng kể lại câu chuyện đi phẫu thuật nâng mũi. Kết cục có lẽ không khó đoán. Với 25 triệu đồng, cô gái nhận lại chiếc mũi hỏng, thủng lỗ ở giữa và chảy đầy dịch mủ.

Cấu trúc mũi tan nát

Câu chuyện được TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP.HCM), kể lại với Tri thức - Znews.

Trước đó, N. làm mũi tại một spa do người quen giới thiệu ở quê nhà với giá 25 triệu đồng.

Dù được quảng cáo làm mũi theo phương pháp "tối tân có thể giữ được trọn đời", 4 ngày sau mổ, mũi N. bắt đầu đau nhức liên tục, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch đỏ. Sau 3 lần bảo hành, cô gái 24 tuổi đau đớn với đầu mũi thủng, chảy dịch, chi chít đường mổ và lợn cợn các mảnh sụn tai đã tiêu hủy.

"Chắc chắn là người thực hiện hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn, khiến cấu trúc mũi tan nát từ trong ra ngoài”, TS Tú Dung lắc đầu.

phau thuat tham my anh 1

Chiếc mũi hư hại nghiêm trọng của cô gái. Ảnh: BSCC.

Chia sẻ với bác sĩ, N. không thể nào quên được cảm giác đau đớn của từng nhát dao cứa vào thịt dù đã được gây mê. Trong một lần bảo hành, thậm chí nhân viên spa còn tiêm kháng sinh vào mông cô và nói rằng cách này giúp giảm viêm ở mũi.

Bác sĩ Tú Dung cho hay dù đã nghe qua rất nhiều kiểu sửa lỗi ngớ ngẩn từ các spa không có tay nghề, ông vẫn cảm thấy rất lạ lùng với lời giải thích "tiêm thuốc vào mông để sửa mũi".

Cô gái sau đó phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật để xử lý ổ dịch ở mũi và đầu mũi. Để tái tạo lại mũi, N. phải chờ thêm 6 tháng nữa.

Những biến chứng thẩm mỹ như N. không hiếm gặp.

Gần đây nhất, TikToker Việt Phương Thoa cũng đã có 2 video kể về việc bị một spa "tiêm nhầm" silicone. Sáu năm trước, cô gái được spa tài trợ tiêm filler miễn phí, gần đây mới tá hỏa khi biết thực chất là silicone.

"Nếu biết người ta tiêm silicone, không đời nào mình đồng ý vì biết rõ đó là chất cấm", Việt Phương Thoa chia sẻ sau khi trải qua ca tai biến thẩm mỹ nhớ đời.

Điều đáng nói, silicone là chất cấm tiêm vào cơ thể, có thể gây ra nhiều biến chứng kinh hoàng. Việc xử lý người bị biến chứng do tiêm silicone cũng rất phức tạp.

Một số người phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mới có thể xử lý hết. Thậm chí, đối với một số ca tiêm vào các vị trí nhạy cảm, bác sĩ không thể lấy hết toàn bộ silicone đã tiêm vào.

phau thuat tham my anh 2

Bác sĩ Tú Dung trong một ca phẫu thuật xử lý các ca tai biến thẩm mỹ. Ảnh: BSCC.

Cảnh giác với "thợ thẩm mỹ" và bệnh viện cho thuê

Trước những sự việc đau lòng vì biến chứng thẩm mỹ, ngành y tế TP.HCM đã nhiều lần có những hình phạt mạnh tay đối với các cơ sở làm thẩm mỹ chui. Tuy nhiên, tai biến thẩm mỹ vẫn diễn ra hàng ngày.

Theo chia sẻ của bác sĩ Tú Dung, trung bình mỗi tháng, đơn vị ông tiếp nhận khoảng 60 ca biến chứng thẩm mỹ đủ thể loại. Nhiều người trong số đó gặp biến chứng do tin vào các "thợ thẩm mỹ", phẫu thuật tại những nơi không đảm bảo.

"Tiếp nhận những trường hợp này, tôi vừa giận vừa thương. Thương vì họ phải đau đớn do các bộ phận bị hủy hoại đến mức đáng sợ. Nhưng giận nhiều hơn vì truyền thông đã nói rất nhiều, nhưng họ vẫn cả tin vào các cơ sở thẩm mỹ, thợ thẩm mỹ dạo", ông bày tỏ.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội), nhu cầu làm đẹp hiện nay rất lớn.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn cần tới bệnh viện uy tín hoặc các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép để thực hiện các thủ thuật có xâm nhập như tiêm filler, tiêm botox, căng chỉ da mặt... tránh các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Các bác sĩ thẩm mỹ đồng tình rằng nhu cầu làm đẹp là chính đáng, nhưng mọi người vẫn không nên vì tiếc tiền hay tiện lợi để đánh cược ngoại hình, sức khỏe và cả tính mạng của mình.

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Bàn tay ám ảnh của bệnh nhân uốn ván ở TP.HCM

Mỗi năm, khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tiếp nhận khoảng từ 200-300 bệnh, trong đó 70-75% là bệnh nặng.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm