Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rút hơn 5.000 tỷ trong ngân hàng, chủ tài khoản không biết?

Không có chữ ký của chủ tài khoản, thế nhưng dưới sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, số tiền 5.490 tỷ được rút ra bất chấp các quy định của pháp luật.

Chiều 22/7, HĐXX tiếp tục phiên xét xử Phạm Công Danh và đồng bọn gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng (VNCB).

Trong đại án kinh tế này, có đến 5.190 tỷ được rút ra khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) mà không có chữ ký của chủ tài khoản. Đồng thời, số tiền 300 tỷ đồng của 3 cá nhân trong nhóm bà Bích cũng được chuyển về tập đoàn Thiên Thanh (Phạm Công Danh làm Tổng giám đốc) nhưng không có chữ ký của các chủ tài khoản.

Từ ngày 21/8/2013 - 26/8/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp chuyển số tiền 5.190 tỷ đồng sang khoản của mình tại VNCB. Số tiền 300 tỷ đồng còn lại được 3 người trong nhóm bà Bích thế chấp 6 sổ tiết kiệm để vay.

Tuy nhiên, tại tòa, nhóm bà Bích không thừa nhận cho Phạm Công Danh vay tiền. Đến thời điểm diễn ra phiên tòa vẫn chưa có căn cứ pháp lý nhóm bà Bích đồng thuận, giúp sức cho Danh và đồng bọn rút trái phép 5.490 tỷ đồng.

Những bị cáo liên quan đến phi vụ rút tiền “khủng” này là Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và Mai Hữu Khương (Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) được xét hỏi.

dai an 9000 ty ngan hang xay dung anh 1
Phạm Công Danh đứng sau chỉ đạo Phan Thành Mai (trái) và Mai Hữu Khương (phải) trực tiếp rút số tiền 5490 tỷ trong tài khoản bà Bích dù chưa có chữ ký xác nhận. của chủ tài khoản. Ảnh H.Đ.

 HĐXX đặt câu hỏi chuyển 5.190 tỷ đồng của bà Bích qua tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh có được được sự đồng ý của chủ tài khoản không? Mai cho biết, thời điểm chuyển tiền không có chữ ký hợp lệ của chủ tài khoản là nhóm bà Bích.

Còn Khương khai nhận, mình là người trực tiếp ký quyết định cho vay 5.190 tỷ. Song việc ký quyết định cho vay này chỉ nhằm hợp thức hóa giấy tờ vì tiền đã được giải ngân từ trước.

Khương cho rằng, dù chưa có hồ sơ vay nhưng nhóm bà Bích đã đưa cho mình 6 sổ tiết kiệm. Đồng thời được Danh chỉ đạo nên Khương mới giải ngân 300 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển cho tập đoàn Thiên Thanh.

Bị cáo Khương cũng thừa nhận, việc chuyển tiền mà chưa có xác nhận của chủ tài khoản là trái quy định, vi phạm pháp luật.

Trong phần xét hỏi, để làm rõ những lời khai của các bị cáo, HĐXX mời nhóm bà Trần Ngọc Bích trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, chỉ có người đại diện nhóm này là Nguyễn Thị Thanh Thảo có mặt. Phiên tòa sau đó tạm nghỉ, HĐXX yêu cầu nhóm bà Bích phải trực tiếp có mặt tại phiên tòa ngày 25/7.

Giữa tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.

Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.

Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.

Theo cáo trạng hơn 220 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Hồ Đông

Bạn có thể quan tâm