Bản thân Ryan cũng ngạc nhiên về bước ngoặt này của mình khi bốn năm trước anh chưa từng có một bức ảnh chụp phong cảnh trong hang nào cả, thậm chí gần như chưa bao giờ vào hang...
Một tác phẩm của Ryan chụp hang Sơn Đoòng từ hố sụt thứ nhất. |
Vậy mà giờ đây Sơn Đoòng là nơi anh đến nhiều nhất, những bức ảnh và đặc biệt clip 6 phút quay bằng flycam từ hang Sơn Đoòng do anh thực hiện đã giúp cả thế giới biết thêm nhiều về hang động nổi tiếng này.
"Ngồi nhìn những vệt nắng vàng rực đổ thẳng xuống hố sụt, đến giờ tôi vẫn thấy đó là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi có được trong suốt thời gian chụp ảnh trong hang Sơn Đoòng, thậm chí đó chính là những khoảnh khắc đẹp nhất mà tôi từng thấy trong suốt cuộc đời mình". |
RYAN DEBOODT |
Ảnh tràn ngập trên các tạp chí nổi tiếng
Cũng chính những cảnh quay bằng flycam được anh thực hiện trong lần thứ ba vào Sơn Đoòng đã khiến nhóm làm chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của kênh truyền hình ABC (Mỹ) phải thay đổi toàn bộ kế hoạch thực hiện chương trình mà gần như đã hoàn tất trước đó.
Maria Stefanopoulos - trưởng phòng sản xuất, thành viên của đoàn làm chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” - thừa nhận cô đã phải hủy bỏ dự án quay chương trình tại hang Marble Cathedral (Chile) sau khi xem clip của Ryan thực hiện: “Vì nó đẹp và tuyệt vời quá!”.
Các tay máy của chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” dù đã hai lần vào Sơn Đoòng quay phim nhưng buộc phải dùng đoạn time lapse (phim tua nhanh) có vệt nắng rất đẹp mà Ryan chụp ở hố sụt thứ nhất vì họ không thể nào quay được nó.
Lần đầu vào hang Sơn Đoòng, Ryan không nhìn thấy được vệt nắng tuyệt đẹp này. Anh mang vào hang một máy chụp ảnh, đang ngỡ ngàng quan sát, mò mẫm bước đi trong bóng tối, cố nghiên cứu góc chụp nào khác và hiệu quả thì chiếc máy “treo” cứng.
“Người tôi ướt sũng mồ hôi, trong hang cũng đầy hơi nước, hơi nước làm máy ảnh duy nhất của tôi bỗng dưng ngưng hoạt động... trong suốt ba tiếng đồng hồ. Tôi cũng muốn chết theo nó luôn, bật tắt máy liên tục cũng không có tác dụng gì.
Đó là quãng thời gian kinh khủng nhất mà tôi trải qua. Sau lần này tôi phải mang theo hai máy và ít nhất ba ống kính (14 mm, 16-35 mm, 24-70 mm) để đề phòng hỏng hóc” - Ryan kể lại.
Đi thêm vài lần, anh biết mỗi ngày có khoảng một tiếng đồng hồ (11h45 -12h45) quý giá khi đó ánh nắng mặt trời sẽ quét qua hố sụt thứ nhất tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp.
Lần vào hang thứ ba, Ryan tính toán, xếp đặt mọi thứ rồi lòn xuống dưới hố sụt thứ nhất chờ đợi trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi đó với hi vọng sẽ săn được ánh sáng tỏa xuống. “Từ điểm cuối của hố sụt thứ nhất tôi ôm máy, lặng người ngồi nhìn lên. Tôi chỉ biết chờ đợi và hi vọng sẽ may mắn bắt được khoảnh khắc tuyệt đẹp kia...” - Ryan tự hào chia sẻ.
Time lapse nổi tiếng mà nhiều người được nhìn thấy chính là khoảng thời gian này. “Ngồi nhìn những vệt nắng vàng rực đổ thẳng xuống hố sụt, đến giờ tôi vẫn thấy đó là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi có được trong suốt thời gian chụp ảnh trong hang Sơn Đoòng, thậm chí đó chính là những khoảnh khắc đẹp nhất mà tôi đã từng thấy trong suốt cuộc đời mình” - Ryan nói.
Tất nhiên đến giờ Ryan đã bán và thu về khá nhiều tiền từ những hình ảnh chụp trong hang Sơn Đoòng. Ảnh của anh đã xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng dù rằng trước đó chính họ đã có rất nhiều góc ảnh đẹp chụp từ đây, như National Geographic, National Geographic Traveller, Smithsonian, các tạp chí trên máy bay của các hãng hàng không Lufthansa, Vietnam Airlines, Hongkong Airlines, vài tạp chí ở Đức, News.com.au, The Guardian, The Telegraph…
Bỏ tuần trăng mật đi chụp hang
Hai vợ chồng Ryan Deboodt đến VN từ cuối năm 2011 vì Kelli, vợ anh, có công việc ở TP HCM. Anh đến Quảng Bình tham quan động Phong Nha rồi tình cờ gặp Nguyễn Châu Á, người sáng lập Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis (chuyên tổ chức tour du lịch vào hang Én, hang Tú Làn, Sơn Đoòng).
Ryan Deboodt và vợ tại TP HCM. Ảnh: Lê Nam. |
Vài tháng sau, Ryan nhận được cú điện thoại của Châu Á rủ anh vào hang Tú Làn chụp ảnh khi anh còn mấy ngày cuối cùng của tuần trăng mật với vợ ở Hội An.
Anh đồng ý và chia tay vợ sớm hơn kế hoạch để đi vào hang. Sau lần đó anh đi chụp ảnh hàng loạt các hang Kem, hang Én, hang Vòm, hang Va… rồi mới đến Sơn Đoòng.
Ryan vào hang Sơn Đoòng khi hình ảnh của hang động nổi tiếng này đã công bố trên hàng loạt tạp chí danh tiếng. Anh phải nói chuyện rất nhiều với vợ chồng chuyên gia Howard Limbert và những thành viên Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh để biết có góc nào có thể chụp được những bức ảnh khác biệt với những gì mọi người đã biết về Sơn Đoòng.
Đến lần vào hang thứ ba anh quyết định dùng flycam Phantom 2 kèm theo máy quay Gopro Hero4 để có thể mang đến cho người xem một phần vẻ đẹp như trong truyện cổ tích bên trong hang ra ngoài.
Đến thời điểm đó anh là người thứ ba dùng flycam quay trong hang này nhưng “cảnh quay của Ryan ấn tượng và được nhiều người xem nhất”, chuyên gia Howard Limbert đúc kết.
“Tôi phải thử chụp, chụp đi chụp lại nhiều lần ở nhiều góc, tất nhiên sai lầm cũng không ít tí nào nhưng vẫn phải tiếp tục. Khó nhất là tính toán sắp đặt ánh sáng trong hang để có những bức hình đẹp. Đó là cả một quá trình sai rồi sửa sai rất tốn kém”.
Tính đến giờ Ryan đã có tổng cộng 30 ngày ở trong hang Sơn Đoòng với 5 lần vào, trong đó lần ở lâu nhất là lần thứ 3 kéo dài 9 ngày cũng chính là chuyến đi thành công nhất khi chụp được khá nhiều ảnh đẹp và quay được các cảnh phim.
Lần nào vào hang cũng là hố sụt thứ nhất đến hố sụt thứ hai rồi quay lại rồi ra cửa hang, mỗi nơi chỉ ngủ lại một đêm, duy chỉ có vị trí hố sụt 1 là ở nhiều nhất, có lần vài đêm để chờ ánh sáng vàng rực trên trời tỏa xuống…
Để chụp hình trong hang, Ryan dùng flash bulb (đèn nháy: chỉ sáng lóe lên một lần), mỗi lần vào hang anh mang theo 45 bóng (giá ngoài thị trường là 15 USD một cái) rồi tự mày mò tìm chỗ đặt đèn, loay hoay tự mình kéo dây ngòi nổ một cách tỉ mỉ vì “đã mang vào hang nếu thiếu cũng không thể quay ra để lấy thêm thiết bị nên phải tính toán cẩn thận”.
Ryan trong lần thứ hai vào hang Sơn Đoòng. Ảnh: David Lloyd. |
Một tấm ảnh anh chụp mất ít nhất 30 phút, cũng có khi mất 3 tiếng đồng hồ cùng với 4-5 người chuẩn bị các thiết bị chiếu sáng và tìm vị trí đứng để làm nổi bật lên tỉ lệ con người trong hang.
Có ngày anh chẳng chụp được tấm nào cho ra hồn nhưng cũng có ngày anh làm luôn được 10 tấm, trong đó có mấy tấm phải tốn đến vài trăm USD vì làm nổ quá nhiều đèn flash bulb.
“Sơn Đoòng là cô gái bí mật của tôi”!
Ryan là một người rất “liều” khi dám bỏ chuyến du lịch với vợ để đi Sơn Đoòng. Đó là chuyến vào hang hôm 18-6 vừa rồi.
Lẽ ra đó là ngày anh và Kelli cùng nhau sang Đức đi du lịch như đã lên kế hoạch từ rất lâu, nhưng vì muốn vào hang chụp “bức tường VN” nên Kelli sang Đức còn Ryan vào Sơn Đoòng.
Tôi hỏi “Sao ông gan dữ vậy?”, “Tôi biết điều đó tệ thật nhưng tôi chẳng biết sao nữa, tôi thích Sơn Đoòng quá, nơi này giống như một cô gái bí mật của tôi!” - Ryan cười khà giải thích rồi quay sang nhìn Kelli.
Tuy vậy anh vẫn khéo léo đưa vợ cùng vào cửa sau của hang để cô có thể trải nghiệm phần nào sự gian khổ và chia sẻ niềm đam mê của chồng.
“Tôi không hiểu nổi vì sao anh ấy mê hang đến thế! - Kelli hỏi nhưng dường như cô đã có câu trả lời - Anh ấy đi chụp ảnh về hang để chuyển cho mọi người cùng thưởng thức. tôi biết mỗi lần vào hang là một lần làm việc gian khổ chứ không đơn thuần là đi chơi”.
Sinh ra ở Nebraska (Mỹ), học nghề viết phần mềm nhưng bây giờ lại được mọi người biết đến như một nhiếp ảnh gia chuyên chụp hang động, Ryan nói: “Hang Sơn Đoòng giống như một hành tinh tuyệt vời ngoài Trái đất, và tôi may mắn cảm nhận được nó để thể hiện qua những bức ảnh.
Tôi may mắn có được những bức ảnh đẹp nhưng phải thừa nhận rằng nếu thiếu các chuyên gia hang động của Hội Hang động hoàng gia Anh, các hướng dẫn viên, porter, tôi không thể thực hiện được các tác phẩm này. Tôi biết ơn họ”.
Ryan kể về Phong Nha như ngôi nhà thứ hai của anh, dù giờ đây anh phải ở Bắc Kinh cùng vợ (đã chuyển sang Trung Quốc làm việc hơn một năm nay) nhưng bất cứ khi nào có cơ hội anh đều bay về Quảng Bình để tìm đến “cô gái bí mật” của mình và khám phá vẻ đẹp mới của “cô ấy”.
“Quảng Bình còn nhiều hang lắm, tôi còn nhiều việc để làm ở đó” - Ryan nói như reo.