Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sa thải cô giáo nhốt học sinh vào tủ là cần thiết nhưng chưa đủ'

Phụ huynh L.M.L. tố cáo nhà trường thờ ơ và vô trách nhiệm sau sự việc giáo viên nhốt trẻ vào tủ. Luật sư Đặng Văn Cường thông tin sa thải giáo viên là cần thiết nhưng chưa đủ.

Sự việc trẻ 3 tuổi thuộc trường Mầm non Maple Bear Westlake Point (24 Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhốt trẻ vào tủ khiến dư luận quan tâm. 

Chia sẻ về hành động của giáo viên trong môi trường sư phạm, TS Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) - cho hay việc nhốt trẻ vào tủ liên quan trực tiếp trách nhiệm của giáo viên đứng lớp, đồng thời liên đới hiệu trưởng và toàn bộ nhà trường.

Bạo hành trẻ em

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, hành động nhốt trẻ vào tủ kín là bạo hành tinh thần. Trong bóng tối, trẻ sẽ bị hoảng loạn và sang chấn tâm lý.

“Mỗi lớp học mầm non có ít nhất hai giáo viên. Vậy giáo viên kia có tham gia vào sự việc không, đã ứng xử ra sao khi đồng nghiệp cư xử với con trẻ như vậy, tại sao lại không báo cho ban giám hiệu nhà trường?”, nữ hiệu trưởng băn khoăn đặt câu hỏi.

truong mam non nhot tre vao tu anh 1
Hoạt động của trường Mầm non Maple Bear. Ảnh: Website nhà trường. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, tình huống học sinh không nghe lời xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trẻ có thể hồn nhiên, ngây thơ, nghịch ngợm, chưa nghe lời giáo viên ngay lập tức. Trường hợp khác, giáo viên nói nhưng trẻ chưa hiểu. Các tác động bên ngoài như thời tiết khó chịu, mệt hỏi, thời gian học tập dài cũng khiến trẻ căng thẳng. Nếu giáo viên muốn trẻ nghe lời cần tìm hiểu nguyên nhân, sau đó phân tích, cùng đưa ra giải pháp để được trẻ chấp thuận.

Trẻ em không phải người lớn bảo gì nghe đấy. Thậm chí, có những điều, gia đình nói đúng nhưng giáo viên bảo sai thì trẻ không biết nghe lời ai. Vì vậy, cha mẹ và thầy cô cùng trao đổi, rút ra những điều thích hợp, đúng đắn.

Phân tích về trường hợp này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - cho hay hành vi của giáo viên là phản giáo dục. Việc làm tùy tiện này sẽ gây tổn thương nặng nề đến tâm lý của trẻ.

Luật sư Cường cho rằng nhà trường xin lỗi, sa thải cô giáo này là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả đối với hành vi mà cô giáo này gây ra.

Đặc biệt, hành vi của giáo viên là vi phạm pháp luật vì đã bạo hành trẻ em, có thể gây tổn thương nặng nề, sang chấn tâm lý của trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Học phí 20 triệu đồng/tháng nhưng giáo viên thiếu trách nhiệm

Theo thông tin tố cáo, hình ảnh từ camera cho thấy cô giáo nhốt trẻ. Cơ sở giáo dục này khá đắt tiền với học phí 20 triệu đồng/tháng.

Đại diện gia đình cho biết sau khi nắm được thông tin, gia đình rất sốc và đã có phản ứng ngay với nhà trường. Hiện tại, gia đình muốn có cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường.

Tối 16/6, hai cô giáo trực tiếp đứng lớp có đến nhà giải thích về sự việc nhưng cũng không nhận lỗi. Tối 18/8, sau khi báo chí biết sự việc, liên lạc làm việc, đại diện nhà trường mới gọi điện mong gia đình bỏ qua và hoàn toàn không hỏi xem tình trạng của con ra sao.

Được biết, trẻ bị cô giáo nhốt vào tủ học lớp Panda Bears. Theo giới thiệu của nhà trường lớp có tối đa 20 học sinh và 3 giáo viên. 

Theo luật sư Đặng Văn Cường, gia đình cần đưa trẻ đi thăm khám để xác định hậu quả và có giải pháp ổn định tâm lý, sức khỏe của trẻ. Toàn bộ những chi phí thăm khám, cứu chữa và những thiệt hại về tổn thất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của cô giáo gây ra, nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình học sinh.

Nếu nhà trường hoặc gia đình trình báo sự việc này với cơ quan công an, hành vi của cô giáo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, do xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé bị hành hạ nhiều lần, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý đến mức độ nguy hiểm cho xã hội thì có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc làm rõ hồ sơ pháp lý của trường này, làm rõ xem điều kiện giảng dạy, tuyển dụng, sử dụng giáo viên có đúng quy định pháp luật hay không. Nếu nhà trường có hành vi vi phạm thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra...

Trước câu hỏi về hàng loạt sự việc gây mất an toàn, giáo viên vi phạm đạo đức xảy ra trong trường mầm non gần đây, nhất là hệ thống tư thục, thu học phí cao, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT - cho hay phía phòng GD&ĐT phải mời đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập và nhóm lớp độc lập đến tham dự các khóa tập huấn về hướng dẫn giáo viên xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Phòng GD&ĐT phải có trách nhiệm triển khai các khóa tập huấn ở địa phương. Trong đó cách tốt nhất để giảm áp lực, sai sót là nâng cao năng lực của giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô có chế độ làm việc ổn định, thoải mái.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có những chương trình hỗ trợ riêng cho đội ngũ giáo viên, quản lý trường tư thục như đề án 404 của Thủ tướng về hỗ trợ, phát triển nhóm lớp độc lập, tư chục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.

Cơ sở mầm non Maple Bear Westlake Point nhốt trẻ vào tủ đựng đồ

Kiểm tra camera, phụ huynh phát hiện con liên tục khóc, giãy giụa mỗi khi cô vung tay chỉ trỏ, phạt. Thậm chí, có bạn bị cô nhốt vào tủ quần áo.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm