Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đưa ra quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết.
Mã chứng khoán là SAB. Giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu. Theo quyết định, Sabeco hiện có vốn điều lệ là 6.412 tỷ đồng và khối lượng niêm yết trên sàn HOSE là hơn 641 triệu cổ phiếu.
Chưa lên sàn đã nóng
Mặc dù giá chào sàn đã lên tới 110.000 đồng/cổ phiếu nhưng thực tế, trên sàn giao dịch OTC giá cổ phiếu của Sabeco được các nhà đầu tư sẵn sàng chào mua với giá 170.000 đồng, tức cao gấp rưỡi giá tham chiếu trên HOSE. Điều này đã cho thấy sức “nóng” của cổ phiếu của doanh nghiệp chiếm lĩnh 40% thị phần bia tại Việt Nam.
Với giá cổ phiếu trên sàn OTC hiện tại, khối lượng vốn hoá của Sabeco lên tới gần 110.000 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD, vượt xa con số ước tính ban đầu là 70.000 tỷ đồng sau khi niêm yết trên sàn giao dịch HOSE.
Với quy mô vốn hoá lên tới gần 5 tỷ USD, doanh nghiệp này thậm chí còn sánh ngang với Vingroup về khối lượng vốn hoá trên sàn giao dịch chứng khoán.
Càng gần ngày lên sàn, cổ phiếu này càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mới khoảng tháng 10/2016, giá cổ phiếu này trên sàn OTC được chào mua với giá 110.000 đồng/cổ phiếu thì hiện nay đã tăng gấp rưỡi và vẫn hút nhà đầu tư.
"Ông lớn" ngành bia, thống lĩnh 40% tổng sản lượng
Mặc dù ngày càng nhiều doanh nghiệp bia lớn từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường bia Việt bằng nhiều cách khác nhau, từ mua cổ phần cho đến sáp nhập nhưng Sabeco vẫn duy trì được thị phần tiêu thụ bia dẫn đầu (40% tổng sản lượng tiêu thụ bia năm 2015 của Việt Nam). Mức tiêu thụ bia tại thị trường Việt Nam năm 2015 lên tới 3,4 tỷ lít. Trong đó, riêng Sabeco chiếm tới 1,38 tỷ lít.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Việt Nam là nước có mức sản lượng tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới. Mức tiêu thụ bia của Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, ước tính đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành là hơn 4 tỷ lít, năm.
Trong khi sản lượng tiêu thụ bia tại thị trường Việt ngày càng tăng thì Sabeco cũng là doanh nghiệp bia nội duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng dương về sản lượng tiêu thụ trong năm 2016. 9 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco đạt tới 1,2 tỷ lít, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và Sabeco còn là mục tiêu săn đón của nhiều đại gia bia tới từ nước ngoài như Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan… Với việc đang là cổ đông sở hữu 5% cổ phần tại Sabeco, Heineken sẽ nắm lợi thế lớn trong việc trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này sau khi niêm yết.
Kết quả kinh doanh của Sabeco liên tục tăng trưởng trong các năm qua. Đồ hoạ: Quang Thắng.
|
Tình hình kinh doanh của Sabeco những năm gần đây cũng luôn tăng trưởng đều đặn. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sabeco đạt 3.278 tỷ đồng, trong đó hơn 2.524 tỷ đồng là từ công ty mẹ thì sang đến năm 2014, con số lợi nhuận hợp nhất đã lên tới 3.595 tỷ đồng, tăng gần 10%. Bước sang năm 2015, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tiếp tục tăng hơn 14% đạt 4.470 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 cho biết doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco lên tới 21.822 tỷ đồng, và thu về 4.510 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 21% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ - Sabeco đã đạt tới 3.862 tỷ đồng, tăng 25%.
"Vinamilk thứ hai" của Việt Nam?
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính Cao Sĩ Kiêm đánh giá hiện nay, thị trường bia tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh và Sabeco là một cái tên rất đáng chú ý với sản lượng tiêu thụ bia ngày càng tăng. Doanh nghiệp này cũng có truyền thống kinh doanh về bia rất lãi. Vì vậy, theo ông Kiêm, cổ phiếu Sabeco hấp dẫn nhà đầu tư là chuyện bình thường.
“Các nhà đầu tư hiện nay muốn tìm kiếm những kênh đầu tư hiệu quả nhất để đặt niềm tin và Sabeco là một địa chỉ như vậy. Bản thân doanh nghiệp luôn có lãi, tăng trưởng đều đặn, có cơ sở tốt, thương hiệu tốt, thị trường tốt nên đầu tư vào Sabeco sẽ an toàn hơn những kênh đầu tư khác”, ông Kiêm cho biết. Theo ông, nếu so với những kênh đầu tư khác như nông nghiệp, thuỷ sản, thép - khoáng sản… thì đầu tư vào thị trường bia thông qua Sabeco sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, về kỳ vọng cổ phiếu Sabeco sau khi niêm yết sẽ trở thành "Vinamilk thứ hai" thì ông Kiêm lại cho rằng khó có thể xảy ra. Vì Vinamilk và Sabeco là hai doanh nghiệp có thương hiệu khác nhau, và thị trường sữa cũng ít biến động hơn so với thị trrường bia. "Cổ phiếu Sabeco sẽ tăng nhưng sẽ không có tốc độ tăng như của Vinamilk', ông bình luận.