Ban đầu, Quang Minh đã từ chối chia sẻ về câu chuyện của mình với lý do: “Tôi nghĩ VN có nhiều tấm gương trẻ tiêu biểu, xứng đáng được vinh danh hơn”. Minh chỉ bắt đầu “mở lòng” khi được thuyết phục rằng những sẻ chia của bản thân sẽ phần nào trở thành “kim chỉ nam”, hun đúc nghị lực cho nhiều bạn trẻ khác.
Thử thách dồn dập
Từng đoạt giải nhì quốc gia môn sinh khi học lớp 11 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), Minh nắm chắc một suất tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP HCM.
Đoàn Xuân Quang Minh (phải) chụp hình lưu niệm cùng vợ - mối tình 13 năm - trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại ĐH Debrecen (Hungary) vào tháng 6/2015. |
"Nhưng tình cờ tham dự một hội thảo du học và thấy ấn tượng khi tìm hiểu về môi trường, cách thức đào tạo ngành y (hệ tiếng Anh) tại Hungary, tôi suy nghĩ nhiều lắm vì học phí hơn 8.000 USD/năm nên bố mẹ chắc chắn sẽ rất vất vả để gồng gánh, chưa kể gia đình chẳng ai đi theo ngành này nên không thể cho tôi lời khuyên. Dẫu vậy cuối cùng tôi vẫn quyết định lên đường” - Minh chia sẻ.
Tự nhận xét về bản thân “đã đặt mục tiêu thì sẽ dồn hết sức để làm bằng được” nhưng Minh thừa nhận những tháng ngày đầu tại giảng đường ĐH Debrecen (Hungary) “đầy sóng gió”.
Chương trình học nặng với muôn vàn thuật ngữ y khoa khô khan, phải học cùng lúc tiếng Anh, Latin và tiếng Hungary, chưa biết cách sắp xếp thời gian hợp lý... khiến Minh thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, áp lực.
“Tôi tham gia nghiên cứu khoa học từ cuối năm thứ nhất ĐH. Vì không biết phân bổ thời gian nên điểm số năm hai tuột dốc không phanh, tôi luôn là người đến lớp muộn nhất, mẹ ở nhà bị tai nạn giao thông nhưng mình không thể ở kề bên để chăm sóc, chuyện tình cảm rạn nứt vì yêu xa...” - Minh nhớ lại.
Một mình nơi xứ người, lại ở ngưỡng đôi mươi - độ tuổi non nớt trải nghiệm sống - Minh kiệt sức trước những xáo trộn trên. Nhưng khi nhớ về khoản chi phí mà gia đình phải xoay xở cho mình, Minh vực dậy ý chí và nỗ lực nâng dần kết quả học tập. Minh sau đó được mời giảng dạy nhiều phân môn cho sinh viên năm đầu, song song đó bạn đảm nhận vị trí chủ tịch Hội Sinh viên VN tại thành phố Debrecen...
Một công trình có thể nhận bốn bằng tiến sĩ
Trong quá trình học, Minh tham gia công trình nghiên cứu “Phát triển phương pháp tự động phân tích hình ảnh tế bào giàu nội dung”. Nghiên cứu khi được công bố đã được đánh giá cao.
“Trước đó đã có một số kỹ thuật gần giống nhưng độ chính xác chưa cao hoặc chỉ bó hẹp trong một loại tế bào nhất định. Phương pháp của tôi phát triển từ việc tổng hợp các kỹ thuật đó thành một quy trình duy nhất, chính xác hơn, xử lý đa dạng nhiều chủng loại tế bào hơn, đặc biệt là xử lý được những tế bào khó định hình như tế bào mỡ, những tổn thương ADN siêu nhỏ, từ đó phát hiện ra những đặc tính quan trọng mới mà các phương pháp trước giờ bỏ sót” - Minh giải thích.
Phương pháp của Minh thậm chí có thể cùng lúc ứng dụng thành công cho cả bốn đề tài lớn: định tính và định lượng tổn thương ADN trong nghiên cứu ung thư, monitor quá trình phân hóa của tế bào mỡ trong nghiên cứu chữa bệnh béo phì, đo khoảng cách tương tác giữa các phân tử protein - protein, phân tích hình thái của tế bào máu trong bệnh tự miễn dịch... nên có người đồng nghiệp của Minh khi ấy đã đùa rằng công trình này của Minh có thể nhận được bốn bằng tiến sĩ cùng lúc.
Với thành quả trên, Minh được nhận vào thẳng chương trình tiến sĩ y khoa cũng tại ĐH Debrecen và tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với điểm số tuyệt đối (5.0/5.0) vào tháng 2-2015 (luận án: Những kỹ thuật mới trong đo lường tế bào bằng phương pháp phân tích hình ảnh giàu nội dung). Minh nhận được lời mời làm việc tại Viện Pasteur (trụ sở chính ở Paris) vào đầu năm 2015, trước khi nhận bằng tiến sĩ.
Tham vọng trước tuổi 30
“Vô cùng áp lực bởi nơi đây tập trung rất nhiều tinh hoa của giới khoa học, tôi luôn thấy mình quá nhỏ bé trước họ nên chỉ biết cố gắng và cố gắng hết sức” - Minh nói về cảm xúc khi làm việc tại Viện Pasteur và CNRS. Dẫu thu nhập và chế độ an sinh xã hội của người làm khoa học tại Pháp rất tốt nhưng có nhiều nhà nghiên cứu phải chấp nhận rời bỏ “thánh đường”.
“Do Viện Pasteur luôn là nơi tiên phong vào các “ổ bệnh” nên người nghiên cứu ở đây bị áp lực từng ngày, từng tháng để không đầu hàng trong cuộc đua với dịch bệnh, hoặc đơn giản là cảm giác tụt lại so với đồng nghiệp” - Minh chia sẻ.
Có tiếc nuối khi đã du học xa nhà từ quá sớm? Minh cười và cho rằng bản thân không hối hận với con đường đầy chông gai đã đi qua. “Nếu bền bỉ với đam mê thì chắc chắn thử thách nào cũng sẽ có hướng giải quyết” - Minh khẳng định.
Chuyện tình năm nào đã được hàn gắn và kết thúc bằng một đám cưới ấm cúng vào năm 2014. “Vợ của tôi sau đó cũng qua Hungary để học tiếp lên cao và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ y khoa tại Thụy Sĩ với học bổng toàn phần. Gia đình chúng tôi sắp chào đón một thành viên mới” - Minh nói đầy tự hào.
Hạnh phúc với gia đình nhỏ nhưng Minh luôn tâm niệm không được quên những “đứa con tinh thần khác”. Thời gian qua, Minh đã có tám đề tài được chọn đăng trên các tạp chí, chuyên san khoa học quốc tế uy tín như Cell Death and Disease, Scientific Reports, Cytometry...
Tại Viện Pasteur, Minh hiện tham gia nhóm nghiên cứu về “nhiễm khuẩn Chlamydia” nhằm tìm ra văcxin phòng ngừa cho loại bệnh tác động đến cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới này. Nói về kỳ vọng trước tuổi 30, Minh mong muốn sẽ thực hiện thành công nghiên cứu trên cũng như tiếp tục phát triển công trình “high-content analysis” vì tin rằng kỹ thuật này có tiềm năng rất lớn trong nhiều nhánh nghiên cứu tế bào học khác.
Một nhân cách đẹp, một công trình xuất chúng
Tôi thích nhất ở Minh là việc anh luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, Minh cũng rất chân thực và nhanh nhạy, rất lý trí trong công việc. Với những tính cách này, tôi tin Minh không chỉ thành công trong khoa học mà trong cả những khía cạnh khác của cuộc sống.
Về công trình “high-content analysis” mà Minh và các cộng sự đang nghiên cứu, nếu họ phát triển thành công sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn trong việc điều trị ung thư. Và tôi tin rằng công trình sẽ gây tiếng vang lớn bởi đây là một trong những thử thách lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt.
PGS.TS.BS Bacsó Zsolt (khoa lý sinh - tế bào học ĐH Debrecen)