Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Trương Nghệ Mưu được mệnh danh là “bậc thầy về màu sắc”. Trong phim của ông, hình ảnh và nội dung được thể hiện dưới góc nhìn đa chiều nhưng vẫn hòa quyện, nhịp nhàng.
Những con người bình dị mà vĩ đại, những câu chuyện tình yêu đẹp nhưng buồn, những số phận bế tắc, bất hạnh… được tái hiện chân thật lên màn ảnh rộng thông qua màu sắc nghệ thuật đầy ám ảnh.
Mỗi bộ phim là một thế giới sắc màu khác nhau, tạo nên những nét riêng biệt, không trộn lẫn, khiến khán giả chỉ cần xem một lần là đủ, để nhớ mãi không quên.
Đèn lồng đỏ treo cao - màu đỏ của bi kịch
Xuân Mai (Củng Lợi) mới chỉ 19 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô bị ép phải trở thành thiếp cho lão gia Trần Tả Thiên, làm bà Tư của Trần Phủ giàu có.
Tại đây, cô phải đối mặt với những cuộc tranh giành quyền lực, sự sủng ái, đầy khắc nghiệt. Những bi kịch đấu tranh với bi kịch, chỉ để nhằm khẳng định bản thân, tranh giành tình cảm, phơi bày sự thật tàn nhẫn của chế độ phong kiến, đa thê - nơi phụ nữ bị xem thường.
Màu đỏ mang màu sắc bi đát, tang thương trong Đèn lồng đỏ treo cao. |
Màu đỏ của chiếc đèn lồng, chiếc khăn trải bàn, chiếc rèm cửa, trang phục cưới và cả máu của người phụ nữ trong những ngày trăng tròn… tạo nên một không khí nóng bức, ngột ngạt, ám ảnh, như muốn bùng cháy dữ dội.
Đó là gam màu tượng trưng cho những bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ- ở đó tước đoạt đi những khao khát và mong muốn bình thường nhất của họ.
Khi chiếc đèn lồng được treo cao, thời khắc mỗi người phụ nữ đeo vào cho mình lớp mặt nạ bắt đầu. Họ cần phải diễn tròn vai để làm vừa lòng vị lão gia quyền thế. Người được lựa chọn phải cười trong vui vẻ vì may mắn được sủng ái, người không được lựa chọn cũng phải cười vì mong muốn dĩ hòa vi quý, chiếm được thiện cảm và lòng tin của người khác để thực hiện những ý đồ đen tối sau này.
Những phút giây ân ái khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt, những khao khát ẩn giấu bên trong của người phụ nữ yếu đuối luôn muốn được che chở và thương yêu. Thời khắc cuối khi Xuân Mai phát điên và đốt hết tất cả những chiếc đèn lồng, màu đỏ của ngọn lửa là màu đỏ của lòng căm phẫn đã kìm nén bấy lâu. Những chiếc đèn thắp sáng vừa để an ủi linh hồn Tam phu nhân, vừa để thiêu rụi những sự thật dối trá của Trần gia.
Thập diện mai phục - bức tranh tứ bình Xuân, Hạ, Thu, Đông
Thập diện mai phục là một tuyệt tác của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ra mắt vào năm 2004. Tác phẩm điện ảnh tràn ngập màu sắc của thiên nhiên với những màn biến hóa nội tâm sâu sắc của Tiểu Muội (Chương Tử Di) cùng hai chàng trai là Tùy Phong (Kim Thành Vũ) và Lưu bộ đầu (Lưu Đức Hoa).
Thập diện mai phục với gam màu đa dạng tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. |
Những sắc màu đan xen đưa người xem đi qua hàng loạt các cung bậc cảm xúc, khám phá khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, giao thoa giữa văn hóa, tình yêu và cuộc sống. Đó là sắc xuân xanh ngắt của rừng trúc, sắc vàng rực rỡ ở đồng hoa bát ngát, rừng phong nhuộm đỏ ly biệt của mùa thu và mùa đông tuyết trắng lạnh lẽo, vỡ vụn.
Thập diện mai phục giống như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng của Trương Nghệ Mưu trong việc sử dụng hình ảnh. Một bộ phim võ thuật nhưng mang nặng yếu tố tình cảm bởi câu chuyện tình tay ba tuy lãng mạn nhưng cũng thật éo le, oan trái. Những gam màu trong phim dù đủ cả 4 mùa nhưng không màu sắc nào thực sự mang đến những điều vui tươi, hứa hẹn mà ngược lại đều có phần gay gắt, kích thích, tiềm ẩn những nguy cơ xấu xa, đen tối.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu chú trọng vào việc khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, khiến câu chuyện đa chiều, hình ảnh đa màu sắc với những ngụ ý bên trong không dễ đoán. Câu hỏi về sự thật giả được chính các nhân vật đặt ra nhiều lần. Thập diện mai phục được nhận xét là một “bộ phim rực rỡ sắc màu, leng keng tiếng nhạc và âm mưu trùng điệp” của Trương Nghệ Mưu.
Hoàng kim giáp - màu vàng của tiền tài và quyền lực
Hoàng kim giáp được xếp vào hàng bom tấn cổ trang của điện ảnh Trung Hoa năm 2006 với sự tham gia của dàn diễn viên đình đám như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát, Châu Kiệt Luân. Phim đưa khán giả đến một vương triều mục nát và suy đồi cùng những âm mưu đen tối ẩn giấu bên trong mà chẳng ai có thể đoán trước.
Hoàng kim giáp lại tràn ngập một màu vàng vương giả, xa hoa nhưng giả tạo |
Suốt cả bộ phim khán giả sẽ không khỏi choáng ngợp bởi tông màu vàng chói lóa, in đậm dấu ấn về một vương triều bóng bẩy, xa hoa, đôi khi choáng ngợp. Màu vàng vương giả nhưng lại phảng phất những nỗi buồn khó nói, sự cô độc và thiếu thốn về mặt tình cảm dù cuộc sống dư dả về vật chất.
Màu vàng trên tấm áo của bậc đế vương là màu vàng của tham vọng, quyền lực, những mưu mô tính toán cùng lòng tham không đáy. Hòa chung với màu vàng trên áo giáp của hàng ngàn thiên binh vạn tướng đã đấu tranh và hi sinh vô nghĩa vì cuộc chiến quyền lực. Thảm hoa cúc vàng thì xơ xác, héo úa, thấm trong dòng máu đỏ của nỗi tang thương, chết chóc.
Giữa chốn sơn son thiếp vàng, những mưu mô nham hiểm nhất đã vượt qua cả tình cảm gia đình, ruột thịt, nảy sinh những mối quan hệ loạn luân. Lòng tham và dục vọng quá lớn khiến con người trở nên điên loạn trong suy nghĩ của chính mình, là nền tảng cho tội ác khủng khiếp.
Ảnh - màu trắng và đen của âm dương hòa hợp
Tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu - Ảnh - được coi là kiệt tác cổ trang đánh dấu sự trở lại thành công của vị đạo diễn tài hoa sau phim thương mại Tử chiến trường thành không được đánh giá cao.
Ảnh là một trò chơi với âm mưu và quyền lực đặt trong bối cảnh thủy mặc giang sơn. Phim sử dụng tông màu đen-trắng quen thuộc trong văn hóa Trung Hoa làm chủ đạo.
Ảnh là kiệt tác hình ảnh mới của Trương Nghệ Mưu |
Mang màu sắc siêu thực, đậm nét văn hóa phương Đông với triết lý về âm dương, bát quái. Từng thước phim hiện lên như những nét bút thư pháp đầy ngẫu hứng, rồng bay phượng múa, khiến người xem không thể rời mắt.
Sử dụng màu sắc tinh giản nhưng gợi được lên cảm giác mơ hồ, như hư như thực, thể hiện được sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa âm và dương, giữa hai phe vương triều tranh giành vùng đất Cảnh Châu, và đối lập ngay cả trong cùng một bản thể của con người. Những hình mẫu trái ngược ấy giúp làm nổi bật lên cá tính của nhau, hòa quyện và tương trợ lẫn nhau để tạo ra những chuyển biến liên tục cho mạch phim.
Mỗi khung hình của phim giống như một bức tranh thủy mặc tĩnh tại. Đó không phải là màu phim trắng đen hoàn toàn mà là sự phối hợp của nhiều tông màu tối sáng tương phản, tạo nên bầu không khí ma mị bao trùm từ đầu tới cuối.
Đặc biệt những động tác múa võ của các nhân vật phiêu dạt trong nền phông đen trắng khiến bộ phim có những cảnh quay duy mĩ về mặt hình ảnh, như một bức tranh sơn thủy tráng lệ đến nao lòng.