Đây là nội dung đáng chú ý trong văn bản giải trình về một số vấn đề cử tri quan tâm trước kỳ họp Quốc hội tới của Bộ GD&ĐT về chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới.
Mỗi môn học có một số SGK
Thời gian tới, cả nước sẽ "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học" theo nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK này sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.
Học sinh trải nghiệm SGK điện tử. Ảnh: THCS Nguyễn Trãi. |
Trước đó, nhiều ý kiến phản ánh cách sử dụng SGK hiện nay rất lãng phí. Bộ GD&ĐT thừa nhận việc tái sử dụng SGK hiện nay chưa nhiều, các trường học, phụ huynh không tạo được thói quen giữ gìn sách cho học sinh, gây tốn kém.
Trong đó, một phần nguyên nhân là giáo viên tổ chức dạy học chưa đúng theo phương pháp tích cực như hướng dẫn, để học sinh điền số liệu và làm các bài tập trực tiếp vào SGK, gây lãng phí vì sách chỉ sử dụng được một lần.
Ngoài ra, việc này cũng có nguyên nhân do giá SGK hiện nay so với nhiều mặt hàng khác rẻ, trong khi nhiều phụ huynh (đặc biệt là ở các thành phố lớn) có điều kiện về kinh tế nên muốn cho con em mình được học SGK mới hàng năm và chủ động hướng dẫn học sinh viết vào sách cho nhanh và thuận lợi trong quá trình học tập.
Do đó, việc triển khai phiên bản sách điện tử của bộ SGK sẽ giảm thiểu tình trạng lãng phí, đồng thời tránh được tình trạng độc quyền sản xuất, phát hành SGK.
Có phương án về giá đối với sách do đơn vị khác biên soạn
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, bộ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá sách.
Khi biên soạn SGK mới, các nhà xuất bản tham gia viết sách và sở GD&ĐT sẽ được hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản, đảm bảo SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Mặt khác, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh.
Thông tư sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.
Câu chuyện SGK độc quyền và lãng phí làm "nóng" dư luận và diễn đàn Quốc hội thời gian qua. Một số đại biểu Quốc hội dẫn số liệu cho biết SGK chỉ dùng một lần dẫn đến lãng phí khoảng 1.000 tỷ đồng/năm
Sau khi khẳng định SGK có thể sử dụng nhiều lần, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thừa nhận sách gây lãng phí và sẽ điều chỉnh. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa lâu dài, học sinh không viết, vẽ vào SGK.
Trong cuộc họp Chính phủ sáng 1/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ trưởng có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK. Việc in ấn, xuất bản phải được minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, trách độc quyền, lợi ích nhóm. Khâu biên soạn cũng nên xem xét lại, không để việc viết, vẽ vào SGK.