Là người nhiều năm tham gia vào các công đoạn biên soạn chương trình, viết sách giáo khoa, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn phổ thông, cho biết để có được một bộ sách giáo khoa, trước hết phải có chương trình. Nói cách khác, sách giáo khoa là sự cụ thể hóa chương trình.
Chương trình có trước
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chương trình hiện hành được xây dựng từ năm 2000, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 40 yêu cầu đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Một hội đồng biên soạn chương trình sẽ được Bộ GD&ĐT thành lập với nhiều giáo sư, tiến sĩ ở những lĩnh vực khác nhau chia ra thành nhiều tiểu ban phụ trách việc biên soạn chương trình.
Mỗi tiểu ban sẽ chịu trách nhiệm viết chương trình cho một môn học cụ thể. Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được biên soạn xong phải trải qua thẩm định của hội đồng Thẩm định quốc gia với nhiều thành phần khác nhau.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC. |
Các thành viên trong hội đồng biên soạn chương trình sẽ không có mặt trong hội đồng thẩm định để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Sau khi chương trình được thông qua, Bộ GD&ĐT sẽ chọn tổng chủ biên, nhóm chủ biên. Từ sự giới thiệu của các cơ quan liên quan, nhóm tổng chủ biên và chủ biên sẽ lựa chọn tác giả và phân công việc biên soạn sách giáo khoa từng cấp cho từng nhóm tác giả.
Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sách giáo khoa, sẽ có một hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thông qua và đưa sách đi dạy thử nghiệm.
Công tác thử nghiệm sách giáo khoa mới sẽ diễn ra trong 2 năm ở một số vùng miền khác nhau. Giáo viên dạy thử sách giáo khoa mới, góp ý sửa đổi bổ sung qua từng năm. Kết thúc quá trình trên, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai đại trà trên cả nước.
Cùng với quyết định triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có quyết định yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục - đơn vị chuyên trách in ấn, phát hành sách giáo khoa - dựa trên bản thảo Bộ GD&ĐT đã thông qua để thực hiện việc in ấn và phát hành.
GS Đỗ Ngọc Thống cho biết quy trình trên đã có từ lần cải cách giáo dục năm 1980 với cấp tiểu học, từ 1985 với THCS và từ năm 1989 đối với cấp trung học phổ thông.
Chống độc quyền sách giáo khoa
Năm 2019, dự kiến học sinh cả nước sẽ được học bộ sách giáo khoa mới bắt đầu với lớp 1. Tuy nhiên, lần này đổi mới này sẽ có một chương trình nhưng với nhiều bộ sách giáo khoa.
GS Đỗ Ngọc Thống cho rằng đây là một cách xóa bỏ cơ chế độc quyền trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên đi cùng với đó là những lo ngại vì đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Dự kiến năm 2019, học sinh cả nước sẽ được học sách giáo khoa mới. |
Theo đó, cuối tháng 8 năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thông qua. Sau đó các cá nhân, đơn vị có nhu cầu sẽ đăng ký tham gia viết sách dựa trên chương trình đã có.
Điểm mới của lần này là công tác thí điểm sách giáo khoa sẽ được thực hiện song song cùng với giai đoạn viết sách. Nghĩa là vừa viết sách giáo khoa, vừa thử nghiệm để chỉnh sửa, bổ sung, khi hoàn thành sẽ triển khai đại trà.
Nói về việc thiếu sách giáo khoa đầu cấp ở thời điểm sắp khai giảng năm học mới, ông Thống cho rằng đây chỉ là hiện tượng cục bộ và dễ dàng khắc phục.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6 ở một số tỉnh thành. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hiện tượng cục bộ ở một vài địa phương và Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã có phương pháp khắc phục", ông Thống nói.