Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách giáo khoa tích hợp liên môn - nhiều thách thức

Thay đổi lớn nhất trong chương trình, SGK lớp 6 mới là tích hợp kiến thức liên môn. Giáo viên phải truyền đạt cho học sinh kiến thức những môn mình chưa được đào tạo chuyên sâu.

Theo ban soạn thảo chương trình, định hướng dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo 3 hướng: Tích hợp giữa các mảng kiến thức với nhau; kiến thức các môn học có liên quan nhau; tích hợp một số chủ đề quan trọng.

Sach giao khoa tich hop lien mon anh 1

Hiệu trưởng nhiều trường THCS lo dạy học tích hợp SGK mới sẽ gặp khó khăn. Ảnh: Tiền Phong.

3 hướng tích hợp

Ở bậc THCS, tích hợp lớn nhất là tích hợp môn học Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung; môn Lịch sử và Địa lý sẽ có 2 phân môn Lịch sử và Địa lý. Nội dung của mỗi phân môn vừa có tính độc lập vừa soi sáng, hỗ trợ và tích hợp cao.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie-Curie (Hà Nội), cho rằng năm học tới, SGK mới sẽ được áp dụng cuốn chiếu đến lớp 2, lớp 6. Trong đó, SGK lớp 6 sẽ rất khó hình dung, vì kiến thức các môn học của bậc THCS bắt đầu có phần chuyên sâu, nhưng khi đổi mới, các bài học được thiết kế tích hợp liên môn.

“Vấn đề tích hợp này trên chương trình đã lúng túng, vì thế tôi băn khoăn không biết các tác giả thể hiện trên SGK sẽ ra sao. Nếu làm không tốt, không có thực nghiệm kỹ, khó tránh khỏi ý kiến phản biện”, ông Khang nói.

Theo ông Khang, khoảng tháng 1/2021, SGK được phê duyệt, các bản mẫu được đưa lên mạng để giáo viên tiếp cận là muộn. Trong bối cảnh thực hiện theo hình thức cuốn chiếu như hiện nay, khi phê duyệt được cuốn nào, Bộ GD&ĐT nên công bố luôn để đông đảo giáo viên cùng đọc, góp ý.

Kể cả khi đã phê chuẩn, bản mẫu SGK vẫn có thể đưa lên mạng để lấy ý kiến trước khi vào dạy học chính thức, tránh những lỗi sai sót không đáng có. Phía nhà trường, khi có sách, phải khẩn trương, nghiêm túc đọc sách và tìm phương pháp dạy học phù hợp.

Lo nhất đội ngũ giáo viên

Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), ông Đặng Quốc Thống, nói trước khi có chương trình, SGK mới, trường đã tự tích hợp kiến thức các bài học không cần thiết để dành thời lượng học các môn học, hoạt động trải nghiệm khác như tiếng Anh, kỹ năng sống…

Để làm được điều này, giáo viên phải nỗ lực rất nhiều, nhưng họ có thời gian để làm quen. Vì thế, khi đổi mới sẽ không gặp nhiều khó khăn như giáo viên ở trường công.

Ông Thống cho rằng nên có SGK sớm để giáo viên nghiên cứu, sau đó các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, cùng bàn về dạy học tích hợp ra sao cho hiệu quả. “Chuẩn bị kỹ càng sẽ tốt hơn nước đến chân mới nhảy, tránh được việc đẩy thế khó cho các trường”, ông nói.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội), nói rằng để chuẩn bị cho việc dạy học chương trình, SGK mới từ lớp 6, hiệu trưởng đã được tập huấn chương trình lãnh đạo từ năm ngoái. Hiện nay, trường cử 3 giáo viên cốt cán đi tập huấn theo chương trình của sở GD&ĐT. Tuy nhiên, bà Hà lo ngại rằng áp dụng chương trình mới ở một trường hơn 3.000 học sinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trường có ít học sinh.

Bà Hà cho rằng giáo viên các bộ môn trước đây dạy học riêng rẽ, nay kiến thức tích hợp thì chính họ phải ngồi lại với nhau để thảo luận từng bài. Ví dụ, ở khối Khoa học tự nhiên có bài học tích hợp cả kiến thức Vật lý, Sinh học thì cả 2 giáo viên bộ môn đều phải soạn bài và phải hỗ trợ để bồi đắp cho nhau.

“Nếu biết con đường đi đến đích thật sớm, mình sẽ có con đường đi ngắn nhất. Còn chưa có thì điều quan trọng thời điểm này chính là bồi dưỡng, tập huấn phương pháp cho giáo viên, điều này ví như làm đường chờ khi có SGK mới là phương tiện để chạy về đích”, bà nói.

Hiệu trưởng một trường THCS khác ở Hà Nội nhận định đổi mới SGK ở bậc THCS tích hợp các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý với nhau là đổi mới rất lớn, rất khó, vì đội ngũ giáo viên trước đây chỉ dạy 1 bộ môn nay phải dạy kiến thức liên môn, trong khi thời điểm này vẫn chưa có SGK, và tập huấn giáo viên mới bắt đầu từ đội ngũ cốt cán, chưa tập huấn trên diện rộng.

“Từ nay đến khi thực hiện chỉ còn 9 tháng, là khoảng thời gian rất gấp gáp. Khi có SGK, giáo viên sẽ phải vừa nghiên cứu sách, vừa tập huấn vừa dạy học không khác vừa chạy vừa xếp hàng”, vị hiệu trưởng này ví von.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, nói khi tích hợp kiến thức liên môn, giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm, tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.

Về đào tạo, các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cũng như chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này.

Cô Hà Ánh Phượng nhận bằng khen của Thủ tướng

Một ngày sau khi biết tin mình lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu năm 2020, cô Hà Ánh Phượng nhận bằng khen của Thủ tướng vì đã nỗ lực, đóng góp cho ngành giáo dục.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-tich-hop-lien-mon-nhieu-thach-thuc-1749766.tpo

Hà Linh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm