Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho biết đang rối bời vì chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thay sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh tiểu học. Trường không biết giải thích với phụ huynh thế nào nên tạm thời chưa sử dụng bộ sách này và trong dịp hè sẽ khảo sát nhu cầu của phụ huynh.
Giá quá đắt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù Sở GD&ĐT TP HCM cho biết bộ sách Family and Friends Special Edition không thay thế hoàn toàn bộ sách cũ là Family and Friends nhưng trên thực tế, bộ sách này đã được làm mới hoàn toàn về hình thức, với giá ít nhất là 500.000 đồng/bộ.
Đơn cử, ở bộ SGK tiếng Anh lớp 1, gồm các cuốn như: Family and Friends Special Edition (sách học sinh) kèm 2 đĩa CD, giá 105.000 đồng/cuốn. Sách bài tập Family and Friends Special Edition, 70.000 đồng/ cuốn; Flashcards và poster lớp 1 giá 130.000 đồng.
Đi kèm SGK là sách bổ trợ: luyện viết tiếng Anh lớp 1, giá 25.000 đồng; đề kiểm tra tham khảo môn tiếng Anh, giá 39.000 đồng; Get it up 1, giá 36.000 đồng; My First Diary, giá 40.000 đồng; Amazing Science 1, giá 39.000 đồng; Math in My World, giá 24.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng bộ SGK tiếng Anh lớp 1, gồm 3 cuốn SGK và 6 cuốn sách bổ trợ, giá đã lên tới 508.000 đồng/bộ.
Từ năm học 2016-2017, học sinh tiểu học tại TP HCM sẽ dùng bộ sách tiếng Anh do Sở GD-ĐT biên soạn. |
Hiệu trưởng một trường tiểu học tính toán so với bộ SGK tiếng Anh cũ là Family and Friends gồm một cuốn bài học và một cuốn bài tập kèm 2 CD với giá chưa đến 200.000 đồng/bộ thì bộ sách mới quá đắt. Chưa tính đến nội dung, hiệu quả có những gì khác biệt so với sách cũ nhưng với giá như thế sẽ khó lòng thuyết phục phụ huynh mua.
Thế nhưng, rối nhất lúc này là tính liên thông của chương trình. Khi năm học mới, những học sinh năm nay lên lớp 3, 4, 5 sẽ học theo giáo trình nào khi lớp 1, 2 đang học theo bộ sách cũ.
Thiếu thuyết phục
Một chuyên gia về tiếng Anh nhận xét khi so sánh 2 bộ sách Family and Friends và Family and Friends Special Edition thì chỉ có một số nội dung, hình ảnh được biên soạn lại. Chẳng hạn, với những bài học như giới thiệu tên, quê quán, thay vì những cái tên, địa danh ở nước ngoài thì bằng tên Việt Nam, địa phương ở Việt Nam, trường, lớp học cũng được thiết kế lại cho gần gũi với thực tế.
“Ở sách bài tập, có nhiều câu hỏi hơn để học sinh thực hành. Ngoài ra, điểm khác duy nhất của bộ mới so với bộ cũ là… nhiều sách hơn” - vị này nói.
Vị này cũng cho rằng trước đây, khi thay thế bộ Let’s go bằng giáo trình Family and Friends, Sở GD-ĐT cho rằng bộ Family and Friends được đánh giá là phù hợp với chuẩn quốc tế vì giáo trình này được thiết kế các dạng bài học, bài tập, cấu trúc phù hợp với chuẩn Cambridge, chuẩn TOEFL. Giờ đây, sở lại lấy lý do bộ mới phù hợp với văn hóa người Việt để thay thế hoàn toàn bộ Family and Friends, trong khi bộ mới lại đắt hơn nhiều.
“Nếu chỉ với một số nội dung thay đổi như so sánh ở trên thì chỉ cần thêm một phụ trương hướng dẫn hoặc trong quá trình tập huấn giảng dạy, bộ phận chuyên môn lưu ý giáo viên những bài học cần lựa chọn tình huống phù hợp với người Việt là đủ” - chuyên gia này nói.
Ở góc độ trực tiếp giảng dạy, một giáo viên tiếng Anh tại quận 1 cho hay ở bộ sách mới, giáo viên nhàn hơn vì các bài học được thiết kế giãn ra, không tích hợp nhiều nội dung như bộ cũ. Sau mỗi bài học có nhiều câu hỏi gợi ý sẵn để giáo viên hỏi học sinh. Tuy nhiên, cũng vì được thiết kế chi tiết, cụ thể hơn, nhiều hình ảnh hơn nên nhiều cuốn trong bộ SGK mới không cần dùng đến.
Đi ngược nguyên tắc đào tạo
Nguyên hiệu trưởng một trường phổ thông quốc tế cho rằng việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông lâu nay không hiệu quả bởi phương pháp đào tạo chỉ chú trọng đến ngữ pháp, đọc hiểu mà bỏ qua phương pháp giao tiếp.
Với tiếng Anh, trên thế giới người ta không cần nhiều sách, càng không nên có nhiều sách vì họ đề cao giao tiếp, học sinh học xong sẽ nghe được, nói được. Vì thế, chỉ cần một chương trình khung cơ bản, một bộ sách cơ bản để giáo viên và học sinh có thời gian thực hành, giao tiếp.