Sách Tiếng Việt lớp 1 'quên' quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập hai của NXB Giáo dục (tái bản lần thứ 11) có bức ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta.
Sách Tiếng Việt tập hai do bà Đặng Thị Lan Anh chủ biên, chịu trách nhiệm xuất bản là Tổng giám đốc NXB giáo dục Ngô Trần Ái, Tổng biên tập Nguyễn Quý Thao.
Tại trang 78 có bài tập 2: “Điền vần iêt hay uyêt?”. Dưới đề bài là bức ảnh minh họa bản đồ Việt Nam, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện rõ.
Bản đồ Việt Nam không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại trang 78 sách tiếng Việt lớp 1, tập 2. |
Trả lời phóng viên về vấn đề này, TS. Lê Hữu Tỉnh, Phó TBT NXB Giáo dục cho biết: Diện tích của bản đồ Việt Nam in trong SGK rất nhỏ (3cm x 5cm). Người vẽ bản đồ có ý thức thể hiện quần đảo Hoàng Sa (cụm chấm đen bên tay phải dưới đảo Hải Nam Trung Quốc tương ứng với Đà Nẵng đi ra) và Trường Sa (màu vàng) rất rõ ràng. Vì diện tích của bản đồ quá nhỏ nên không thể hiện, chú thích rõ hơn được.
Tuy nhiên, đối chiếu lời ông Lê Hữu Tỉnh với bản đồ in tại trang 78 thấy rằng: Có hình minh họa điểm vàng cho Trường Sa, tuy nhiên nếu xét theo tỷ lệ thì hình minh họa này được đặt tại vị trí chưa chính xác. Bên cạnh đó, không hề có điểm minh họa (cụm chấm đen) cho Hoàng Sa như lời ông Lê Hữu Tỉnh nói.
Vị trí chính xác của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Cũng theo ông Lê Hữu Tỉnh: Đây chỉ là hình minh họa cho ngữ liệu cho học sinh điền vần về khái niệm bản đồ Việt Nam, chứ không phải là một bản đồ hành chính thật tường minh để dạy môn địa lý. Vì vậy, với diện tích 3cm x 5cm người vẽ không có “đất” để chú thích rõ ràng cho quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi được hỏi, tại sao trong bản đồ, các vùng miền Việt Nam được tô màu, có chú thích, góc bên trái của bản đồ cũng có bảng chú giải thì tại sao quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại không được thể hiện như vậy, ông Lê Hữu Tỉnh cho biết, phần chú giải góc bên trái của bản đồ cũng chỉ là tượng trưng bằng... những hình chấm chấm chứ không phải chữ. Đây là hình vẽ minh họa chứ không phải là một bản đồ thu nhỏ. Ông Lê Hữu Tỉnh khẳng định, sự thể hiện bản đồ như thế là có thể chấp nhận được.
Nói như ông Tỉnh thì có thể hiểu rằng: Vậy một hình minh họa nhỏ thì được phép có sai sót lớn?
Tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của đất nước, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ là vấn đề thời sự cấp bách hiện nay mà còn là vấn đề lâu dài, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà là cho mãi mai sau, đặc biệt là với thế hệ tương lai. Với các em nhỏ, hình thức quảng bá, giáo dục bằng hình ảnh trực quan là hiệu quả nhất. Thế nhưng, những hình ảnh trực quan ban đầu ấy còn không rõ ràng, tường minh thì làm sao có thể cho các em một nhận thức đúng đắn?
Theo Giáo Dục Việt Nam