Mực nước trên các sông rạch TP.HCM đạt đỉnh ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3, khả năng thủy triều cao kết hợp với mưa to do ảnh hưởng bão số 9 gây ngập trên diện rộng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, trong đêm nay và ngày mai, TP.HCM mưa to đến rất to với vũ lượng từ 200-250 mm, có thể kèm dông, lốc xoáy.
Hiện mực nước trên các sông rạch TP.HCM ở mức cao. Đỉnh triều đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,52-1,62 m, trên báo động 3 từ 0,05-0,12 m, và còn tiếp tục lên. Theo dự báo, mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao nhiều khả năng gây ngập lụt cho Sài Gòn.
Một số tuyến đường ở TP.HCM có khả năng ngập lụt do mưa lớn. Ảnh: An Huy.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22h khuya 24/11, vị trí tâm bão cách Vũng Tàu khoảng 110 km, cách Bến Tre 160 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 13.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150 km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50 km tính từ tâm bão, tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 10h sáng 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8-9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km.
Ở huyện Cần Giờ, TP.HCM đã sơ tán 4.100 người dân tránh bão. Ảnh: Lê Trai.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 9, hơn 4.000 hộ dân ở huyện đảo Cần Giờ đã được di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, học sinh, sinh viên của nhiều trường trên địa bàn TP.HCM được nghỉ học để tránh bão.