PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng giao động ở ngưỡng 38-39 độ C, việc dùng điều hòa cần hết sức chú ý. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới nhiệt độ của phòng và tránh sự chênh lệch quá mức giữa trong phòng và ngoài trời.
Theo PGS Dũng, nhiều trường hợp vừa đi ngoài trời nắng, lập tức tắm nước lạnh hoặc tắm xong vào phòng có điều hòa quá lạnh đã bị đột quỵ. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân ở Hưng Yên, sau khi tắm, người này bật điều hòa 18 độ C, bị đột quỵ, bất tỉnh cho đến khi người nhà phát hiện.
Bật điều hòa quá lạnh dễ gây bệnh cho cơ thể. Ảnh: CBC. |
Bật điều hòa quá lạnh
Cơ thể tiếp xúc với môi trường có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ sẽ khiến mồ hôi không thoát ra ngoài gây ảnh hưởng đến trung khu thần kinh.
"Cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi”, PGS Dũng cho hay.
Do đó, bác sĩ này nhấn mạnh, sai lầm lớn của nhiều người là dùng điều hòa với nhiệt độ thấp nhất ngay sau khi tiếp xúc với nhiệt độ nắng nóng ngoài trời. Nhiệt độ thích hợp trong phòng điều hòa không cách biệt quá 5 độ C đối với ngoài trời.
Đặt chậu nước trong phòng điều hòa
Bên cạnh đó, nhiều người thường có thói quen đặt chậu nước trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vì hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.
Theo bác sĩ Dũng, để không khí trong phòng được lưu thông, các gia đình khi lắp điều hòa, nên có thêm quạt thông gió và thường xuyên mở cửa sổ.
Khi dùng điều hòa cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý tới nhiệt độ phòng. Vì vậy, bạn nên sử dụng nhiệt kế thay vì chú ý đến mức nhiệt độ trên điều hòa. Vì nhiệt độ điều hòa và phòng có sự chênh lệch do phụ thuộc vào chất lượng máy, diện tích, tường vách.
Bộ Y tế khuyến nghị người dân chủ động phòng bệnh
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.
Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do virus, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…
Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...