Thạc sĩ, dược sĩ cao cấp Trương Minh Đạt, Viện phó Viện Nghiên cứu Y Dược, tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi (28 tháng tuổi) mắc chứng táo bón mạn tính chức năng kéo dài 12 tháng. Bệnh nhi có biểu hiện da khô, không nhanh nhẹn, mặt quắt, bụng chướng.
Qua lời kể của mẹ, bé không được quan tâm nhiều từ cha mẹ, ông bà nội đảm nhận toàn bộ việc chăm sóc. Con thường xuyên không hợp tác trong sinh hoạt, làm nũng khi nhận thấy ông bà không nghiêm khắc, chiều chuộng.
Khi bé có dấu hiệu táo bón, hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, dẫn đến chướng bụng, đầy hơi, biếng ăn, ông bà dùng đủ mọi biện pháp ép ăn. Hậu quả, bé sợ ăn, chống đối, khóc thét mỗi khi đến giờ cơm.
Ngoài ra, mẹ bé cho biết thêm một trong những sai lầm dẫn đến tình trạng này là cách hướng dẫn bé ngồi bô hoặc bồn cầu không đúng cách. Theo dược sĩ Minh Đạt, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng táo bón nặng.
Táo bón có thể cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài vài tuần, vài tháng, tái phát nhiều đợt. Ảnh: Stories.swns. |
Trẻ nhịn đại tiện làm phân ứ ở trực tràng, lâu ngày bị hút nước, trở nên rắn và khô. Bé đại tiện đứng, người co rúm làm co cơ hậu môn, không tạo được áp lực đẩy phân xuống. Chất thải ứ trong trực tràng làm chúng khô hơn và bé sẽ có phản xạ nhịn đi cầu. Phân sẽ ngày càng khô trong trực tràng (đoạn ruột cuối, nối với hậu môn), tích tụ to hơn và đến khi bé “chịu hết nổi” sẽ gặp khó khăn, gây đau nhiều hơn. Bé có ác cảm nặng nề hơn với chuyện đi tiểu, lại càng nín nhịn. Vòng luẩn quẩn này gây khó khăn rất lớn trong việc điều trị táo bón cho trẻ em.
Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần được gọi là táo bón mạn tính và cần sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, sinh hoạt, trấn an tâm lý và sử dụng thuốc. Táo bón kéo dài có thể dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng, phình trực tràng - nguyên nhân gây bệnh trĩ và ung thư trực tràng.
Phương pháp điều trị
Để điều trị táo bón mạn tính cho trẻ, cha mẹ cần áp dụng những nguyên tắc sau:
- Phụ huynh nên kiên nhẫn và cố gắng. Đây là nguyên tắc sống còn, thiếu kiên trì chắc chắn điều trị sẽ thất bại.
Táo bón thường xảy ra ở 3 thời điểm: khi trẻ chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc, suốt thời gian tập ngồi bô và sau khi bắt đầu đi nhà trẻ. Ảnh: Psycholekar. |
- Cha mẹ cần giúp con đẩy hết chất thải trong trực tràng bằng cách thụt rửa. Trong thời gian đầu, bé cần làm việc này 4-5 lần/tuần. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho bé uống thêm thuốc làm phân mềm hơn. Việc này giúp đi vệ sinh ổn định và không tổn thương hậu môn.
- Bạn nên cho bé tập đi cầu ngồi bô hoặc bồn cầu đúng cách. Mẹ có thể "xi" bé vào khoảng thời gian nhất định trong ngày để tạo thói quen và phản xạ.
- Tư thế ngồi bô hoặc bồn cầu rất quan trọng. Lựa chọn tốt nhất là ngồi bô vì đầu gối bé nhô lên ngang ngực, hậu môn thấp sẽ tạo áp lực từ ổ bụng xuống đẩy chất thải dễ dàng hơn. Nếu trẻ không chịu ngồi bô, bé có thể ngồi bồn cầu nhưng lưu ý chân và đùi luôn vuông góc với nhau, bàn chân chạm đất. Nếu chân không tới đất, mẹ có thể kê ghế ở chân. Nếu hai cách trên bé đều không chịu, cha mẹ cần kiên nhẫn bế bé và "xi" cầu.
- Thức ăn cho bé cần lượng chất xơ lớn bằng cách ăn rau, hoa quả như xoài, đu đủ, cam, quýt … uống đủ nước giúp bé đi vệ sinh tốt hơn.
- Những bé có hoạt động thể chất nhiều sẽ tăng vận động đường tiêu hóa, giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn. Nếu bé còn nhỏ, chưa tự đi được, mẹ có thể xoa bụng hoặc cho bé tập động tác đạp xe.
- Phụ huynh chú ý bổ sung men vi sinh để đào thải độc tố do phân tích tụ, thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đảm bảo nhu động ruột của bé hoạt động tốt hơn, hấp thụ chuyển hóa dinh dưỡng, tăng tổng hợp vitamin nhóm B. Mặt khác, khi hệ vi sinh đường ruột cân bằng ổn định sẽ tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
Thấu hiểu nỗi lo của hàng ngàn bà mẹ đang và sẽ mang thai, Zing.vn ra mắt ứng dụng tra cứu Lần đầu làm mẹ, giúp 9 tháng 10 ngày mang thai của mẹ khỏe mạnh và trọn vẹn hạnh phúc.
Ứng dụng được xây dựng dựa trên 40 tuần thai kỳ. Sau khi nhập ngày dự sinh, các bà mẹ sẽ được cung cấp thông tin chi tiết về sự phát triển của em bé, quá trình thay đổi trên cơ thể mẹ theo từng tuần. Điều đó giúp cho các thai phụ và có được kiến thức cơ bản về hành trình mang thai.
Lần đầu làm mẹ không chỉ dừng lại ở việc tra cứu thông tin mà còn hỗ trợ giải đáp một số thắc mắc cơ bản của các sản phụ khi mang thai về chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, xét nghiệm cần làm, nhắc bạn lịch tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Trải nghiệm ứng dụng tra cứu Lần đầu làm mẹ tại đây.