Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sai lầm của sinh viên khi nghỉ Tết quá đà

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày khiến nhiều sinh viên sa vào vui chơi quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập.

Đối với sinh viên, Tết Nguyên đán là dịp lý tưởng để nghỉ xả hơi vì thời gian nghỉ dài, thời tiết dễ chịu, lại dễ gặp gỡ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, chính những kỳ nghỉ dài hơi như vậy lại khiến sinh viên dễ gặp những tình huống khó kiểm soát, nhất là sinh viên năm nhất - những người chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý bản thân.

Dưới đây là 4 câu chuyện của 4 sinh viên từng gặp sự cố trước, trong và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Bạn có thể tham khảo để rút kinh nghiệm cho kỳ nghỉ Tết Quý Mão sắp tới.

..........................................................................................................................................................................................

Nhập viện vì ăn nhậu
Nhật Nam (21 tuổi) - sinh viên tại Đà Nẵng

sinh vien nghi Tet anh 1

Ăn nhậu liên tục khiến Nhật Nam phải nhập viện vì đau dạ dày. Ảnh minh hoạ: cottonbro studio/Pexels.

Tết Nguyên Đán năm 2020, tôi vẫn là sinh viên năm nhất. Lần đầu tiên được nghỉ Tết dài ngày, tôi trở về nhà sau nhiều tháng học ở TP Đà Nẵng. Tâm trạng háo hức, phấn khởi, tôi nhiệt tình tham gia mọi cuộc vui cùng bạn bè. Đó cũng là năm đầu tiên tôi bắt đầu uống rượu vì đã đủ tuổi.

Ngoại trừ sáng mồng 1 Tết đi chơi cùng gia đình, từ chiều mồng 1 đến hết ngày mồng 5, tôi gần như không ở nhà vì mải đi ăn nhậu cùng bạn bè. Từ họp lớp cấp 3, lớp cấp 2, cho đến những bữa nhậu cùng nhóm bạn thân, tôi đều không từ chối.

Năm ngày nhậu nhẹt ngày liên tục cộng thêm ăn uống không cẩn thận, tôi bắt đầu phải trả giá. Những cơn đau dạ dày kéo đến. Lúc đầu, bụng chỉ hơi đau, tôi vẫn chủ quan, nghĩ không có vấn đề gì, còn mua thuốc tiêu hóa uống.

Nhưng cơn đau ngày càng dữ dội, tôi nôn thốc nôn tháo, không thể rời khỏi chiếc giường. Ngay trong đêm mùng 5, bố mẹ tức tốc đưa tôi vào viện.

Một ngày sau, tôi ra viện, kỳ nghỉ Tết coi như kết thúc, tôi nằm nghỉ ngơi ở nhà, chờ đến ngày quay trở lại trường. Bạn bè, người thân nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, tôi xấu hổ không muốn nhắc lại.

Sau lần đó, tôi "sợ đến già", không dám ham vui, ăn nhậu quá đà, nhất là trong những dịp Tết. Thay vì tham gia tiệc tùng, tôi ở nhà tự nấu ăn để có thêm thời gian cùng gia đình, lại đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

..........................................................................................................................................................................................

Trượt dài sau nghỉ Tết
Minh Khang (21 tuổi) - sinh viên năm 4, Đại học Xây dựng Hà Nội

sinh vien nghi Tet anh 2

Minh Khang tự đặt giới hạn cho bản thân trong kỳ nghỉ Tết 2023. Ảnh: NVCC.

Như nhiều sinh viên khác, tôi cũng coi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm bận rộn. Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết năm ngoái của tôi đặc biệt hơn, bởi tôi tự động kéo dài kỳ nghỉ lễ lên tới hơn một tháng.

Giáp Tết, tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa Tết phụ bố mẹ. Cũng không có gì nhiều, vì vậy, tôi có khá nhiều thời gian rảnh. Bạn bè cũng về quê, mấy đứa con trai chúng tôi bắt đầu tụ tập, chơi game giết thời gian từ 27 tháng chạp cho đến hết kỳ nghỉ lễ. Mùng 1, mùng 2, tôi nháo nhào đi chúc Tết, nhanh nhanh chóng chóng để về chơi game với đám bạn.

Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ là chơi vui vẻ ngày Tết, nhưng cuối cùng, sau một tuần quay trở lại trường, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Nội, tôi lại khăn gói về quê học online.

Đương nhiên, dư âm kỳ nghỉ Tết vẫn còn, đà mải chơi khiến tôi trượt dài. Thời gian đó, tôi chỉ học online buổi sáng, buổi chiều, tôi ở nhà phụ công việc gia đình. Nhưng cơm tối xong, tôi "sủi tăm", qua nhà bạn chơi tới đêm mới về. Tôi không học lại bài trên lớp, thậm chí có hôm học online buổi sáng, tôi bật máy và chùm chăn ngủ vì đêm hôm trước về muộn.

Cả một tháng sau Tết như vậy, mẹ tôi bắt đầu phàn nàn về việc tôi mải chơi, bỏ bê học tập. Tôi cũng bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc lại, tôi đã mất thời gian, sức khỏe, thậm chí cả tiền bạc cho việc nghỉ ngơi này. Tôi cũng sợ bản thân phải học lại, ảnh hưởng đến năm học sau, chưa kể học phí trường tôi khá cao.

Tôi tỉnh táo lại, dừng mọi cuộc vui với bạn bè, tập trung vào học tập, lấy lại kiến thức đã mất. Cũng may mắn, tôi không bỏ bê quá lâu, nên học kỳ đó, kết quả học tập vẫn ở mức ổn.

Kỳ nghỉ Tết năm nay sắp đến, nhìn lại, tôi cũng phải tự nhắc bản thân nghỉ ngơi có hạn, tránh "trượt dài" trong những cuộc vui.

..........................................................................................................................................................................................

Vui chơi quên nhiệm vụ
Phương Linh (19 tuổi) - sinh viên năm 2, ĐH FPT

sinh vien nghi Tet anh 3

Phương Linh quên không hoàn thành bài tập trong kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NVCC.

Năm ngoái, tôi có một bài kiểm tra cuối kỳ cần phải hoàn thành và nộp bài trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Trước kỳ nghỉ cả tuần, tôi đã lên ý tưởng, định ninh việc hoàn thiện sẽ nhanh thôi, chắc chắn xong trước ngày 30 Tết.

Tôi cất bài vở vào một góc. 26 tháng chạp, bắt đầu nghỉ Tết, tôi đi du lịch liền 2 ngày, sau đó mới về quê.

Tôi mất thêm 2 ngày cuối năm dọn dẹp và bắt đầu năm mới bằng chuỗi ngày đi chơi, đi chúc Tết, đi về quê... Phải đến mùng 6, tôi mới tá hỏa mình còn bài tập chưa làm xong. Thật sự, trong suốt kỳ nghỉ, tôi không nhớ là mình chưa hoàn thiện.

Vậy là cả ngày mùng 6, tôi phải ngồi vào bàn học, lên nội dung và thực hiện quay video. Thậm chí, tôi thức nguyên đêm đó để làm bài bởi sáng mùng 7 tôi đã hết hạn nộp.

Kỳ nghỉ Tết năm đầu tiên là sinh viên của tôi trải qua như vậy. May mắn, chưa ưng ý hoàn toàn nhưng kết quả bài thi của tôi khá ổn, tôi cũng rút ra được bài học cho bản thân.

..........................................................................................................................................................................................

Đi tàu 33 giờ về quê chỉ vì tiếc tiền mua vé máy bay
Linh Chi (22 tuổi) - sinh viên tại TP.HCM

sinh vien nghi Tet anh 4

Linh Chi từng tiếc tiền vé máy bay mà gặp sự cố trên đường về quê nghỉ Tết. Ảnh minh họa: Pexels.

Đối với những sinh viên Nghệ An vào TP.HCM học đại học như tôi, việc mua vé về quê ăn Tết là một cuộc chiến vì phải biết cách “săn” mới mua được vé máy bay rẻ. Nhớ lại năm đầu tiên về nhà ăn Tết, thấy giá vé máy bay 2,5 triệu đồng/chiều, tôi hoảng quá, không dám đặt mua vì thấy đắt.

Thay vì bỏ 2,5 triệu mua vé máy bay, để tiết kiệm, tôi quyết định mua vé tàu đi từ TP.HCM về Vinh với giá 1,8 triệu đồng. Nhưng, đó lại là quyết định sai lầm nhất cuộc đời tôi.

Năm đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam gặp sự cố vì tàu hỏa bị trật bánh, lật nghiêng trên địa phận tỉnh Bình Thuận. Thông thường, tàu đi từ TP.HCM về Vinh chỉ mất khoảng 27 giờ, nhưng do sự cố, tôi phải nằm trên tàu suốt 33 giờ mới về đến nhà. Thời gian chờ đợi lâu, xung quanh lại ồn ào, tôi mệt mỏi, bực bội, chỉ ước tàu chạy thật nhanh để được về nhà nghỉ ngơi.

Điều duy nhất an ủi tôi trên chuyến tàu năm đó là tôi được dịp đi qua những tỉnh, thành dọc tuyến tàu chạy, được ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ - điều từ trước đến nay tôi chưa được trải nghiệm.

Các năm sau này, tôi "khôn" hơn, để ý lịch thông báo nghỉ Tết của trường được đưa ra từ đầu năm học để chủ động "săn" vé rẻ về quê. Thông thường, tôi sẽ mua vé từ tháng 10 dương lịch - ngay thời điểm các hãng mở bán vé tết.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm