Tại Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng”, các nhà nghiên cứu cho biết suy dinh dưỡng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi 24,9%, thể gầy còm 6,8% và thừa cân béo phì 4,8%. Đặc biệt, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao. GS.TS Đỗ Văn Hàm (Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên) thông tin tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em người Sán Dìu vẫn còn cao (22,7%).
Chuyên gia này cho rằng một trong những lý do chính khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao là trẻ thường bị cai sữa sớm và ăn bổ sung sớm. Đây dường như là sai lầm phổ biến nhất của cha mẹ. Nhiều bé mới 4-5 tháng, mẹ đã cho con ăn dặm vì cho rằng bổ sung tinh bột sẽ mau lớn, dễ lên cân.
Việc cho con ăn dặm khi bé chưa sẵn sàng cũng có thể khiến con bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Ravishly. |
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo về độ tuổi ăn dặm của trẻ là tròn 6 tháng sau khi chào đời. Hệ tiêu hóa của trẻ trong những tháng đầu đời còn non kém, ăn dặm quá sớm khiến bé không thể tiêu hóa được thức ăn dẫn đến những tác hại như nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm tăng cân.
Giai đoạn đầu mẹ có thể thấy bé hứng khởi, nhưng hệ lụy về sau là càng chán ăn. Điều kiện đủ là mẹ xem xét bé đã có thể ăn dặm là biết ngồi thẳng lưng và giữ được cổ của mình không “gật gù”.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện chậm chạp, đó là dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém. Sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh không lây nhiễm. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe của cộng đồng, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng người dân cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn hàng ngày. Cụ thể là thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc thực phẩm.