PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Đặc biệt, sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Bệnh gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Do đó, ở miền Nam và miền Trung sốt xuất huyết thường xuất hiện quanh năm, còn ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4-11. Bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 7-10.
Biến chứng nặng của bệnh
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, người mắc bệnh đang khỏe mạnh sẽ đột ngột phát sốt, có thể lên 39-40 độ C, kèm theo phát ban, xuất huyết toàn thân hoặc chỉ ở tay, chân. Bệnh nhân còn có các biểu hiện như đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau hốc mắt, mỏi cơ xương khớp, tiêu chảy.
Ở thể nhẹ, bệnh diễn biến tự nhiên khoảng một tuần sẽ tự hết, không cần điều trị. Tuy nhiên, ông Dũng cảnh báo bệnh có thể biến chứng thành hai tình trạng nặng.
“Nếu bị chảy máu nội tạng một cách ồ ạt, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tụt huyết áp, mất máu. Nếu xuất huyết ở những nơi quan trọng như não, tim, bệnh nhân sẽ bị sốc, hôn mê rất nhanh.
Bên cạnh đó, người bị nặng có thể bị sốc trụy tim mạch với các biểu hiện như mạch nhanh, đổ mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, bồn chồn lo lắng, tụt huyết áp. Ở giai đoàn này bệnh nhân không bị chảy máu bên ngoài nên rất khó phát hiện, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ gây tử vong”, ông Dũng cho biết.
Theo vị chuyên gia này, tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh nhưng diễn biến bệnh ở mỗi lứa tuổi rất khác nhau. Trẻ em thường có các triệu chứng như mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chi lạnh, bứt rứt… Còn người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều và có biểu biện như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chỗ tiêm có vết bầm, nôn ra máu...
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách hoặc muộn có thể gặp phải biến chứng tràn dịch màng phổi, rối loạn nguyên tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa... Nhiều ca sốt xuất huyết dẫn tới những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng và có thể để lại những hậu quả nặng nề sau này hoặc dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Điều trị bệnh như thế nào?
PGS. TS Dũng cho hay, người bị sốt xuất huyết nếu ở trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, cho uống nhiều nước, dung dịch oresol, nước trái cây. Cần lưu ý, người bệnh nên ăn các món có nước và mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và hạ sốt bằng Paracetamol, lau mát khi sốt cao. Gia đình cần theo dõi người bệnh nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết hoặc diễn biến nặng (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa đến bệnh viện ngay.
Bác sĩ này cũng khuyến cáo ngoài Paracetamol, không cho bệnh nhân uống các loại thuốc khác hoặc cạo gió theo phương pháp dân gian gây biến chứng khó lường. Đặc biệt, hành động cạo gió sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân vì có thể gây xuất huyết trầm trọng.
Hiện nay, ngành y chưa có vắc xin đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết, việc duy nhất có thể làm để bảo vệ gia đình là diệt muỗi vằn, trung gian truyền bệnh.
Muỗi phát triển từ chính những vật dụng sinh hoạt trong các gia đình, đặc biệt ở những nơi ẩm thấp, nhiều nước đọng. Do đó, người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, tránh lây lan thành dịch. Chúng ta có thể thả cá vào các bể chứa nước lớn để diệt bọ gậy, loăng quăng, thau rửa thường xuyên những nơi chứa nước..
Đặc biệt, muỗi có thể sản sinh tại những nơi ít ngờ nhất như thùng chứa nước sau tủ lạnh, bình cắm hoa, chậu cảnh. Vì vậy, bác sĩ Dũng khuyến cáo, hàng tuần, người dân cần loại bỏ nước tại các điểm này ngăn không cho muỗi đẻ trứng.
“Ngoài những biện pháp trên, một điều rất quan trọng để phòng bệnh là chúng ta cần ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt. Mỗi gia đình có thể phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, bạn cần chọn những hóa chất đảm bảo cho sức khỏe”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuyết tại 38 tỉnh thành, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng thời kỳ năm 2014, số mắc tăng 27%, tử vong tăng 2 ca.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu so với cùng kỳ năm 2014 dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Riêng TP HCM, từ đầu năm 2015 đến nay, thành phố có 3.895 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng 42% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng từ 25-40% và đang có chiều hướng tiếp tục phát triển. Đáng kể là Cà Mau, tỉnh đã có khoảng 120 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai cho hay, chưa ghi nhận trường hợp nào sốt xuất huyết song cũng như năm 2014, bệnh có nguy cơ bùng phát vào cao điểm mùa mưa, từ tháng 4-10.