Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu bổ sung nước trong cơ thể tăng cao. Ảnh: Pexels. |
Nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da, qua phổi. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những loại thức uống quen thuộc giúp giải toả trạng thái khát nước, làm mát cơ thể.
Nạp nhiều nước chưa hẳn tốt
Nước là thành phần rất quan trọng của cơ thể, khi chiếm đến 60-70% trọng lượng cơ thể.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cơ thể mất nước làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu. Cơ thể mất nước làm giảm đi những chất điện giải quan trọng.
Khi trời nắng nóng, mồ hôi thoát ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao, nhất là với những người làm việc nặng hoặc làm việc ngoài trời. Lúc này, cơ thể cần nước để cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Bác sĩ Vũ nhấn mạnh việc uống nước tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Mỗi ngày, người trưởng thành cần 35 g nước cho 1 kg thể trọng.
Nhu cầu nước của trẻ em cao gấp 3-4 lần. Như vậy, trung bình mỗi người trưởng thành cần 6-8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống.
Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể còn tùy theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý... Người càng cao tuổi lượng nước trong cơ thể càng ít. Ở trẻ sơ sinh, lượng nước chiếm 75-80% cân nặng, nhưng người 60-70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng.
"Việc nạp quá nhiều nước dẫn đến tình trạng thừa nước trong cơ thể, gây nguy hiểm", bác sĩ Vũ nói.
Người lao động ngoài trời có nhu cầu uống nước nhiều hơn bình thường. Ảnh: Shutterstock. |
Lượng nước nạp vào nhiều hơn khả năng mà thận có thể thải qua đường nước tiểu, dẫn đến nước tích tụ trong cơ thể. Khi đó, cơ thể dễ bị buồn nôn, có cảm giác no và đầy bụng, đau đầu, cảm thấy các cơ yếu dần đi, có thể bị chuột rút hoặc đau nhức, co giật, bất tỉnh, hôn mê.
Những loại nước tốt nhất để giải nhiệt
Bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học TP.HCM, cho hay mùa hè nóng bức, sự gia tăng nhiệt độ gây cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu gắt và thiếu tập trung.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, một số loại thức uống quen thuộc với người Việt có giúp giải nhiệt trong mùa nóng bức, có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khoẻ.
Trà xanh
Điều kỳ diệu nằm trong những chiếc lá trà xanh chính là hàm lượng Epigallocatechin Gallate (EGCG), là chất chống oxy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao cũng như làm mát da, lọc bỏ độc tố trên da, làm sáng, mịn da.
Mỗi ngày uống 4-5 tách trà khoảng (800-1.000 ml) là có thể giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch... Nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều; không uống vào buổi tối để khỏi trở ngại đến giấc ngủ.
Nước dừa
Nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên cũng rất tốt cho sức khỏe.
Nước cam, chanh
Cam, chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt. Một ly nước cam, chanh ép trong những ngày nắng nóng sẽ giúp cơ thể dịu lại.
Nước chanh là loại nước quen thuộc được nhiều người ưa chuộng để giải khát trong mùa nắng nóng. Ảnh: Shutterstock. |
Nước vỏ dưa hấu, bí đao
Theo Đông y, vỏ dưa hấu có thể làm tiêu tan cái nóng và giải khát, thanh nhiệt giải độc. Vỏ quả bí đao có tác dụng tiêu sưng, viêm, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Nước vỏ dưa hấu, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, rất tốt cho những người khó tiểu tiện hay cần phải bù nước.
Nước râu ngô
Râu ngô (bắp) có vị ngọt thanh mát, có công năng lợi tiểu, kết hợp với mía lau hay lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hàng ngày, rất tốt cho cơ thể.
Sắn dây với quất
Đồ uống sắn dây với quất giúp thanh nhiệt, giải độc và làm ra mồ hôi. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp, nên cũng là thức uống phòng cao huyết áp.
Rau má
Rau má có tính hàn, khi ăn ở dạng tươi như một loại rau, người ta cho rằng nó giúp cho việc duy trì sự trẻ trung. Nước ép từ lá rau má được coi là có tác dụng hạ huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Dưa hấu
Dưa hấu có vị vừa ngọt vừa nhạt, tính hàn không độc, trị cảm nắng, tê mỏi đau, tiểu tiện lắt nhắt.
Cuốn sách "Câu chuyện nơ hồng" được viết dựa trên những nhân vật có thật - những người đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú trong thời gian dài. Ở đây, độc giả có thể cảm nhận được thách thức, khó khăn của những người bệnh ung thư nhưng họ vẫn vượt qua nghịch cảnh để sống vui vẻ, viết lên câu chuyện nơ hồng cho chính họ và cuộc đời của họ.