BS cao cấp Hoàng Đình Lân, nguyên Trưởng khoa Ngoại bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa:
- Người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống như sức ép công việc, xã hội và cuộc sống hàng ngày.
- Lối sống tương đối thoải mái, khiến người trẻ có xu hướng sử dụng nhiều rượu bia, ăn uống thất thường, nhưng lại ít tập luyện thể dục, thể thao.
- Nhiều loại thực phẩm hiện nay không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều người bị viêm đại tràng và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng, phải điều trị kháng sinh.
Chế độ sinh hoạt thoải mái khiến người trẻ dễ mắc trĩ. Ảnh: ShutterStock. |
Bệnh trĩ nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng như xuất huyết và có thể gây sốc hoặc thiếu máu mạn tính. Người bệnh có thể bị sa búi trĩ, nghẹt lại gây hoại tử. Đây là trường hợp phải tiến hành cấp cứu khẩn. Bệnh trĩ còn gây ra áp xe hậu môn, viêm tắc, thậm chí cục máu đông đó có thể chảy theo hệ thống tuần hoàn gây tình trạng áp xe gan, mật, phổi.
Đặc biệt, nếu không điều trị tốt, bệnh có thể gây tình trạng viêm quanh hậu môn, dẫn đến áp xe. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
Bệnh trĩ không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể phòng tránh và hạn chế tái phát bằng chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày, điều chỉnh thói quen ăn uống, tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau quả, vận động thể lực đều đặn…
Đối với những bệnh nhân đã mắc trĩ, chuyên gia khuyến cáo nên vệ sinh tại chỗ bằng phương pháp ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút. Đây là phương pháp rất hiệu quả, giúp người bệnh làm dịu cơm đau, giảm nhiễm trùng, phù nề.
Nếu bệnh ở thể nhẹ, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng phương pháp uống thuốc thông thường. Ở thể nặng hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thủ thuật như chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, phẫu thuật cắt trĩ…