Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Sai lầm tai hại nhiều cha mẹ Việt mắc phải nhưng không nhận ra

Nhiều phụ huynh bị hụt hẫng, trầm cảm khi con bắt đầu tự lập, bớt lệ thuộc vào ba mẹ. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là định kiến "con cái là của để dành của ba mẹ".

Tháng 8/2023, nhà báo Trần Thu Hà (46 tuổi, tác giả nhiều quyển sách về cách nuôi dạy con) tiễn chân hai con gái đi du học ở Đức và Phần Lan. Theo kế hoạch, chị sẽ ở với hai cô con gái một tuần rồi đi du lịch khắp châu Âu trong vòng ba tuần tiếp theo cho “thoả chí tang bồng”.

Tuy nhiên, khi đã đến Phần Lan và đưa con đi nhập học, thay vì ở cùng con 3 ngày, chị Hà ở đến 10 ngày. Và khi đã dứt ra được và bắt đầu đi du lịch cùng bạn bè, chị lại không thể ngăn nỗi nhớ con. Thế là, thay vì bay sang nước khác để tiếp tục chuyến du lịch châu Âu, chị bay 4 tiếng đồng hồ để trở lại trường học của con.

Những tưởng hai mẹ con sẽ đoàn tụ trong hạnh phúc và mừng rỡ vì không phải xa nhau, ngờ đâu con gái chị lại đón mẹ với thái độ không mấy vui vẻ. Hai mẹ con cãi nhau to vì lần hội họp này.

Kể đến đây, chị Hà nghẹn ngào và nấc nhẹ giữa cuộc trò chuyện cùng TS. Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen). Cuộc trò chuyện diễn ra trong sự kiện với chủ đề "Cha mẹ làm gì khi con 'rời tổ'" hồi cuối tuần qua tại TP.HCM.

Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim, là tác giả của 3 cuốn sách bán chạy "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay" và "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc".

con di du hoc anh 1

Nhà báo Trần Thu Hà (trái) và TS. Bùi Trân Phượng tại sự kiện với chủ đề "Cha mẹ làm gì khi con 'rời tổ'" hồi cuối tuần qua tại TP.HCM. Ảnh: Facebook Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy.

"Căn bệnh" chung của những người mẹ Việt

Tâm sự cùng TS. Phượng và những người tham gia buổi trò chuyện, chị Thu Hà chia sẻ chị và các con đã phải đi một chặng đường rất dài để hai con gái có thể đi du học.

“Thời gian trước khi hai con đi du học, mình như có một tỷ thứ phải lo, nào là xin visa, học tiếng Anh rồi chuyện học trên trường, lúc đó chỉ ước gì mọi thứ xong thật nhanh để mình nhẹ gánh. Bỗng đến ngày con đi du học thật, mình lại choáng vì… không còn gì để làm”, chị Hà chia sẻ.

Theo chị kể, bạn bè của chị - những người cũng có con đi du học - có người khóc mấy ngày liền vì nhớ con, có người còn phải vào viện truyền nước biển vì suy nhược tinh thần. Những bà mẹ - vốn đã dành cả đời vì con - cảm thấy mình mất đi giá trị và lẽ sống khi con “rời tổ”.

con di du hoc anh 2

Theo chị Thu Hà, có người bạn của chị còn muốn con gọi video với mình mọi lúc để cảm thấy con đang ở bên mình. Ảnh minh họa: Freepik.

“Có người bạn của Hà còn bảo con mình gọi video 24/24 để họ nhìn thấy con. Và thậm chí không thấy cũng được, chỉ cần để máy ở đó, nghe tiếng con sinh hoạt ở nhà bếp hay ngắm con ngủ là cũng thỏa mãn. Và thú thật, Hà cũng muốn làm điều đó lắm nhưng không dám làm”, người mẹ 46 tuổi tâm sự.

Theo TS. Phượng, những “triệu chứng” mà chị Thu Hà vừa mô tả phản ánh rất đúng “căn bệnh” của nhiều bà mẹ Việt Nam. Bà còn bình luận “cái muốn” của chị Hà và những người bạn là một “cái muốn kỳ cục”.

“Nuôi con là để con được an toàn và lớn lên khỏe mạnh, để con được sống cuộc đời của nó. Và khi nào nó mất an toàn thì nó mới cần đến ba mẹ. Khi con đủ lớn và đi du học, ta chỉ nên tính toán kỹ lưỡng, cung cấp cho con những điều cần thiết chứ không nên để ‘những cơn muốn kỳ cục’ lấn át lý trí, ngăn con cái sống cuộc đời của chúng.

Nhiều bậc phụ huynh có con đã lớn đại rồi vẫn thích đưa con đi học. Tôi hay hỏi họ là họ đưa con như vậy là vì con hay vì bản thân họ thích như vậy? Các con sẽ thích hơn khi được tự đi xe đến trường chứ!”, bà Phượng phân tích thêm việc ba mẹ lo cho con khi con không cần cũng đang hạn chế sự phát triển của con cái.

con di du hoc anh 3

Theo TS. Bùi Trân Phượng, sống hạnh phúc một cách độc lập mới là sống vì con. Ảnh minh họa: Unplash.

Mặt khác, TS. Phượng xác định một trong những nguyên nhân khiến các phụ huynh bị hụt hẫng khi con “rời tổ” là do tư duy “Con cái là tài sản quý giá nhất của ba mẹ”. Theo bà, đây là một hiện tượng ba mẹ đang “vật hóa” (objectification) con cái, xem con cái như là một món đồ thuộc về mình. Do đó, khi con rời đi, ba mẹ sẽ cảm thấy hụt hẫng và như bị “mất của”. Đây là một tư duy “tuyệt đối sai” và làm ba mẹ lẫn con cái không phát triển được cuộc đời tự do của riêng mình.

“Có một ý tưởng tuyệt đối sai trong di sản tinh thần mà chúng ta được thừa hưởng từ Nho giáo Trung Hoa là ý tưởng ‘Tích cốc phòng cơ / Đãi nhi dưỡng lão’, nghĩa là giữ lương thực để phòng lúc đói và nuôi con để phòng lúc già. Như vậy, họ đang xem con là công cụ để sử dụng khi già.

Chúng ta, dù là ai, cũng không có quyền đó. Ta đã sinh ra con thì phải có trách nhiệm nuôi con cho đến khi con tự lập. Và khi con đã tự lập thì ta không có quyền cản trở, cắt lông cắt cánh của con”, bà Phượng khẳng định.

“Ba mẹ không nên sống vì con cái”

“Trước khi chia tay con về nước thì Hà cũng hào hứng lắm. Con của Hà còn giúp Hà cài Tinder để kiếm người yêu nữa. Hà thì dõng dạc tuyên bố với con là các con đi du học một tháng sau là mẹ có bồ ngay”, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ thêm.

Dù vậy, sau khi hai con gái đi du học nửa năm, số lần ra ngoài cùng bạn bè của chị Thu Hà còn ít hơn một bàn tay.

Trước đó, chị vừa phải chăm lo hai cô con gái vừa phải săn sóc ba mẹ đang bệnh ở quê. Có những khi quá bận, chị bay từ TP.HCM - nơi ba mẹ con đang sinh sống, học tập và làm việc - ra bệnh viện phía Bắc để chăm sóc ba mẹ đang bệnh. Sau 10-15 ngày, chị bay thẳng từ bệnh viện về lại TP.HCM chứ không có thời gian về thăm quê.

Lúc này, trong suy nghĩ của chị Hà đầy những dự định bản thân mong muốn thực hiện sau khi hai con đi du học. Chị sẽ về quê sống cùng ba mẹ và chỉ về TP.HCM vài tháng/lần.

con di du hoc anh 4

Những khi ba mẹ bệnh nặng, chị Thu Hà phải bay từ TP.HCM vào thẳng bệnh viện để săn sóc rồi từ bệnh viện về thẳng TP.HCM để chăm con. Ảnh: Duy Hiệu.

Thế rồi, ba mẹ của chị Hà qua đời vì tuổi già còn hai con thì đi du học ở Đức và Phần Lan. “Trước khi con đi du học thì mình có nhiều kế hoạch lắm. Nào là sẽ tham gia dự án A, kế hoạch B, chương trình C. Thế rồi khi con đi thật, người mình lúc nào cũng rũ ra. Có cái gì đó ở bên trong của mình không ổn lắm, mình cảm thấy mình thật vô nghĩa khi không các con không cần mình. Dường như là triệu chứng của bệnh trầm cảm”, chị tâm sự.

Đồng cảm với chị Thu Hà, TS. Phượng nói: “Chị Hà có một biểu hiện là: Rảnh một chút là sẽ dành thời gian cho ba mẹ. Câu hỏi tôi đặt ra ở đây là: Tại sao phải dành thời gian cho ba mẹ? Ba mẹ có yêu cầu chị Hà phải dành thời gian cho họ đâu. Cuộc sống của mình là của mình, mình có trách nhiệm tự lấp đầy cuộc sống của mình. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người”.

Theo bà Phượng, mỗi con người đều có một cuộc sống riêng và ta chỉ nên dành thời gian, công sức cho ai đó khi họ cần, xứng đáng và thật sự yêu thương người đó. Còn nếu họ không cần thì… thôi.

“Căn bệnh của chị Hà cũng là căn bệnh chung của đa số bậc phụ huynh ở Việt Nam. Có người tự hào vì cả đời hy sinh cho con mình, đến khi nhìn lại thì không nhớ bản thân thích gì, muốn gì. Đó là khi họ nhận ra con người cá nhân của họ chưa phát triển một cách độc lập mà còn phải dựa vào người khác.

Và hiện giờ, dù đã muộn, họ vẫn có thể bắt đầu sống cho bản thân một cách độc lập. Nếu chưa biết mình thích gì thì cứ thử những gì mình không ghét, phải bắt đầu rồi mới có kết quả. Và việc sống hạnh phúc một cách độc lập như vậy mới là sống vì con”, bà Phượng phân tích.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm