Sáng 28/8, nhóm cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTEX (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) hầu tòa về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
4 bị cáo cùng mặc áo sơ mi đứng trước bục khai báo. Trong số này, ông Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, cựu Chủ tịch PVTEX) xuất hiện với mái tóc bạc trắng.
Tạm ứng 20 tỷ nhưng gây thất thoát 19 tỷ
Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC) khai trong quá trình thành lập đơn vị này, nhiều công ty và cá nhân khác cùng góp vốn.
Trần Trung Chí Hiếu (thứ 2 bên phải) và 3 bị cáo tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trong đó, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch, góp vốn 5% nhưng góp bằng thương hiệu. Về mối quan hệ với Trịnh Xuân Thanh (người đang mang bản 2 án chung thân), ông Hồng khai bản thân biết Chủ tịch PVC thông qua thuộc cấp của Thanh.
Năm 2009, Trần Trung Chí Hiếu chỉ định PVC thi công dự án nhà ở cho công nhân PVTEX. Sau đó, theo chủ trương của Tập đoàn Dầu khí, PVC đề nghị PVTEX cho đơn vị của Đỗ Văn Hồng thực hiện dự án này.
Việc thi công dự án nhà ở gồm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, hợp đồng đầu tiên có giá trị 101 tỷ đồng. Theo lời khai của bị cáo Hồng, khi ký hợp đồng này, đơn vị được tạm ứng 20 tỷ.
“Khi tạm ứng, bị cáo có phải chi phí cho ai không?”. Nghe chủ tọa Trần Nam Hà hỏi, bị cáo Hồng khai không chi “hoa hồng” cho ai và trần tình, lãnh đạo PVC.KBC dùng tiền tạm ứng để trả lương, tiền thưởng, thanh toán công nợ và trang trải chi phí xây dựng.
Bị cáo 51 tuổi thừa nhận bản thân đã làm sai trong việc sử dụng tiền tạm ứng không đúng quy định. Do đó, các hạng mục thi công dự án nhà ở chậm tiến độ cho đến khi bị dừng. Theo cáo trạng, việc chi sai tiền tạm ứng đã gây thiệt hại 19 tỷ đồng ngân sách, làm phát sinh tiền lãi theo kỳ hạn gần 300 triệu đồng.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Kiến nghị làm rõ dấu hiệu phạm tội của Trịnh Xuân Thanh
VKSND cáo buộc, ông Đỗ Văn Hồng còn liên quan hành vi chi sai tiền tạm ứng trong phi vụ hợp tác làm ăn với Tổng công ty PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT.
Theo đó, năm 2009, PVC cùng đơn vị của ông Hồng thỏa thuận thi công một số hạng mục thuộc dự án nhà máy Polyester Đình Vũ (Hải Phòng).
Sau khi Hồng đề xuất, Trịnh Xuân Thanh đã tác động để PVC.KBC được tạm ứng 25 tỷ đồng ngân sách. Tuy nhiên, việc tạm ứng này là trái quy định.
Nhận được tiền, Đỗ Văn Hồng không sử dụng mục đích như hợp đồng, mà trích ra gần 24 tỷ đồng, lấy danh nghĩa PVC.KBC để mua 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Hồng chuyển nhượng mảnh đất cho Công ty Mai Phương do gia đình Thanh sở hữu với mức giá tương đương tiền mua.
Để hợp thức hóa số tiền, cựu Chủ tịch PVC đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ để biến khoản tiền đó thành phần góp vốn của PVC vào công ty của Hồng.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án xảy ra tại PVTEX, VKSND Tối cao đã kiến nghị Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ thêm dấu hiệu phạm tội của Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng trong việc dùng tiền tạm ứng để mua mảnh đất nêu trên.
Sáng mai (29/8), HĐXX tiếp tục xét hỏi.
Theo cáo trạng, năm 2009, khi triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân PVTEX với tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX, đang bị truy nã) đã ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực. 2 người này còn tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công trái với hồ sơ phê duyệt của thành phố Hải Phòng.
Khi tạm ứng 20 tỷ đồng cho dự án, 5 cựu lãnh đạo PVTEX đã cố ý làm trái, chi tiền sai quy định gây thiệt hại hơn 19 tỷ đồng ngân sách.
Ngoài ra, năm 2010, Duy, Hiếu và Đỗ Văn Hồng liên kết thành lập công ty CP PVTEX Kinh Bắc. Sau đó, 2 bị can Duy và Hiếu đã buộc Hồng đưa 6 tỷ đồng từ việc thành lập công ty này để hưởng lợi mỗi cá nhân 3 tỷ.