Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai phạm của ông Đinh La Thăng ở cao tốc Trung Lương

Bộ Công an xác định hành vi của ông Đinh La Thăng cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ngày 31/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ này) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 18 người còn lại, trong đó có Đinh Ngọc Hệ, bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long cùng các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT, là người được giao quản lý quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ông Thăng nắm rõ quy định về quản lý tài sản có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực để bán quyền thu phí.

Tuy nhiên, đầu năm 2012, ông Thăng gọi điện chỉ đạo ông Dương Tuấn Minh (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) để cho công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính của Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") mua quyền thu phí.

Quá trình tổ chức bán đấu giá, bị can Đinh La Thăng ký thành lập và giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ giúp việc.

Truy to ong Dinh La Thang anh 1
Ông Thăng đang thụ án 30 năm tù. Ảnh: P.D.

Từ các thông tin liên quan việc thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do ông Trường báo cáo, ông Thăng biết việc xây dựng đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí được thực hiện không đúng quy định.

Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng biết Công ty Yên Khánh vi phạm quy chế bán đấu giá, phải trả lại quyền thu phí cao tốc cho Nhà nước. Nhưng khi được Dương Tuấn Minh báo cáo, ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn yêu cầu để cho doanh nghiệp của Út "Trọc" trả từ từ.

Cơ quan điều tra cũng kết luận bị can Đinh La Thăng là người đồng ý cho Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm, đề nghị cho doanh nghệp này cấn trừ vào số tiền phải thanh toán hợp đồng mua quyền thu phí.

Quyết định trên dẫn đến việc Công ty Yên Khánh tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định, hưởng lợi.

"Hành vi của bị can Đinh La Thăng cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với vai trò chủ mưu, cầm đầu", kết luận điều tra nêu.

Truy to ong Dinh La Thang anh 2

Ông Nguyễn Hồng Trường bị khởi tố hôm 14/8. Ảnh: VGP.

Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM và Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Hai vụ án ông Thăng liên quan gồm vụ Tập đoàn Dầu khí mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Trịnh Xuân Thanh.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lĩnh 13 năm tù trong vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank và nhận mức 18 năm trong vụ án còn lại. Tổng hợp hình phạt ông Thăng lĩnh là 30 năm tù.

Đầu năm 2019, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (Ethanol Phú Thọ). Cơ quan điều tra xác định ông Thăng đã chỉ đạo cấp dưới chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ cho nhà thầu thiếu năng lực, gây thiệt hại 543 tỷ đồng.

Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị bắt

Ông Nguyễn Hồng Trường bị điều tra hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm