Tôi rời Moscow về Saint Petersburg giữa cơn nóng bỏng của World Cup 2018, khi đội bóng nào phải ra về, tên tuổi nào đã rộng đường đi tiếp, hay những ai phải tiếp tục cố gắng đã được chỉ mặt, đặt tên. Moscow ồn ào và náo nhiệt níu chân, nhưng sự quyến rũ của đêm trắng tại thành phố lãng mạn bên sông Neva cũng không kém phần hấp dẫn.
Trên đường từ sân bay về nơi ở, tài xế taxi liên tục nói về trận thắng 3-1 của Nga trước Ai Cập tại "đấu trường Zenit", giúp đội tuyển này đứng trước cơ hội lần đầu tiên vượt qua vòng bảng ở một kỳ World Cup.
"Lịch sử của Nga phải diễn ra ở Saint Petersburg. Thành phố này mới là nơi chứng kiến lịch sử của Nga", anh kết luận. Dường như người lái xe này nói chẳng hề sai.
Thành phố của thánh Peter
Suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm, thành phố lãng mạn này đã nhiều lần thay tên đổi họ, từ "thành phố của thánh Peter", tới Petrograd, Leningrad, và trở về điểm xuất phát: Saint Petersburg.
Vẻ đẹp choáng váng của đô thị này khiến tôi ngất ngây ngày mới gặp. Thành phố được thiết kế bằng sự phóng khoáng và vĩ đại cả về ý nghĩa và kích thước thực.
Những quảng trường thênh thang, nóc nhà cao, hành lang đá lớn, trụ tường cẩm thạch, tháp nhà thờ vươn thẳng lên trời, bậc thềm, những chạm trổ kỳ công. Mọi thứ đều phải cao rộng và hoành tráng nhưng chẳng đánh mất vẻ mộng mơ kiêu hãnh.
Một góc phố tại Saint Petersburg. Ảnh: Ngân Giang. |
Nội đô Saint Petersburg là một mạng lưới những ô vuông đều tăm tắp, với mỗi tòa nhà, đường phố, cây cầu, tượng đài được lắp ráp khớp sinh động, giao thoa giữa kiến trúc Nga truyền thống và chuẩn mực cổ điển Châu Âu. Những quần thể di tích và công cộng đa dạng nhưng được đảm bảo tính thẩm mỹ tới hoàn hảo.
"Thủ đô phương Bắc" trầm mặc và cổ kính được coi là trái tim của văn học Nga khi sản sinh ra "mặt trời thi ca" Puskin. Đại thi hào không sinh ra ở đây, nhưng thủa niên thiếu, những năm tháng trưởng thành, sáng tác, và tên tuổi của ông gắn bó với thành phố này.
Tôi thấy mình tìm về số 185 phố Phantanka, ngôi nhà Puskin đã sáng tác vở anh hùng ca nổi tiếng Ruslan và Liudmila khi mới tròn 21, thứ luôn được coi là cuộc cách mạng của tiếng Nga.
Cách đó không xa, ngôi nhà số 97, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ kỳ diệu của ông với nàng thơ Anna Petrovna Kern, để rồi thế giới có được một tuyệt tác mà người yêu thơ nào cũng thuộc nằm lòng:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không muốn em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải bận sóng u hoài
Cố đô này cũng là nơi vua Peter đại đế, một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất thế giới, bắt đầu công cuộc đưa nước Nga lạc hậu vượt lên trở thành cường quốc.
Dưới triều đại của ông, nước Nga thành lập hải quân, mở cửa sông Neva, tiến ra biển Baltic, xây dựng thành phố cảng này trở thành "chìa khóa tới Tây Âu". Rồi từ Saint Petersburg, những bảo tàng, xưởng in, thư viện, kịch viện đầu tiên ở Nga được ra đời.
Người dân chụp ảnh trước cửa sân vận động Saint Petersburg, nơi con được biết đến với cái tên "đấu trường Zenit". Ảnh: Ngân Giang. |
Thành phố này cũng là nơi ra đời của Tổng thống Nga đương thời Vladimir Vladimirovich Putin. Ông được tạp chí Forbes bầu chọn là người đàn ông quyền lực nhất thế giới trong 4 năm từ 2013 tới 2016.
Tạp chí này bình luận dù còn nhiều tranh cãi, Putin vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì, không bị ràng buộc bởi dư luận thế giới trong việc theo đuổi những mục đích riêng.
Trái tim rộng mở của nước Nga
Saint Peterburg là chứng nhân bền bỉ, nơi giữ nguyên những kiến trúc, văn hóa, dấu ấn lịch sử hàng nghìn năm, nhưng đồng thời cũng lại là trái tim rộng mở với thế giới nhất của xứ sở bạch dương.
Thành phố nằm cạnh vịnh Phần Lan thuộc vùng biển Ban Tích, là nơi Sa hoàng Peter Đại đế mở cánh cửa của nước Nga ra với Châu Âu. Nơi này rộng lòng đón chào tất cả những nền văn hóa, nhưng không để chúng biến đổi chính mình.
Nếu phải dùng một cụm từ để tả về thành phố mang tên thánh, tôi sẽ chọn "thế giới phẳng".
Lần đầu tiên trong gần 20 ngày ở nước Nga, trên con phố Alexandre, trong một nhà hàng cổ kính, tôi nghe thấy một bài hát Kpop thịnh hành. Cô gái phục vụ vừa bưng chén súp củ cải đỏ, vừa lẩm nhẩm hát theo ca khúc điện tử nhí nhảnh của nhóm nhạc Twice trong album mới nhất.
Những quầy bán bán sách và tạp chí vẫn có đầy đủ Cosmopolitan, Vogue, People, National Geographic... bằng tiếng Nga.
Vẫn là hình ảnh của Ed Sheeran, Taylor Swift, Ariana Grande, Thylane Blondeau, với tên được dịch sang ngôn ngữ xứ Slavơ. Vẫn có Murakami Haruki, Ichikawa Takuji, đặt cạnh Stephenie Meyer, Khaled Hosseini, Marc Levy, và dĩ nhiên J.K. Rowling ở khu vực sách best seller, tất nhiên, bằng tiếng Nga.
Cổ động viện tuyển Brazil trước trận đấu với Costa Rica. Ảnh: Ngân Giang. |
KFC, Burger King, Mc Donald và hàng loạt tên tuổi nhãn hiệu của các quốc gia Âu Mỹ có mặt ở mỗi góc phố, với cái tên được dịch sang tiếng Nga, đặt trong những tòa nhà chạm trổ, với bàn ghế, menu, thức uống, món ăn,...phù hợp với văn hóa Nga.
Các khu vui chơi, biển chỉ dẫn, tên đường, thậm chí cả các bản tin phát ra từ những chiếc loa mỗi giờ, ngoài tiếng Nga, còn có thêm tiếng Anh, tiếng Trung để trợ giúp lượng khách tham quan ùn ùn đổ về đây mỗi năm.
Những khuôn mặt cười
Nhưng cái ấn tượng "phẳng" nhất là ở những khuôn mặt người. Tất cả đều có cái vẻ chào đón, vui mừng với những người khách phương xa. Chẳng phải chờ tới World Cup thì người dân đế đô mới có sự thân thiện đến thế, hay phải có những "khóa học cười" để bày tỏ lòng mến khách với cổ động viên của môn bóng đá vua.
Không khó để thấy một nhóm các chàng trai trẻ người Nga hô vang "Mexico, Mexico" khi bắt gặp những trái tim nhiệt thành của El Tri, hay vài cặp đôi trung niên nhiệt tình dẫn đường cho mấy mấy cô gái Pháp.
Chính mắt tôi đã nhìn thấy sau trận đấu giữa Brazil và Costa Rica, người dân thành Saint đứng đặc kín hai bên đường vỗ tay chào đón xe bus chở hai đội, cả kẻ chiến thắng lẫn kẻ thua cuộc.
Dễ dàng gặp người nước ngoài ở đây, bởi du lịch là nền kinh tế chính của thành phố. Nên khi tôi vừa định mở lời hỏi thăm, một nhóm các cô gái Nga đã kịp hỏi tôi bằng một loạt tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và cả Hàn, Trung.
Suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm, sự cổ điển - cách tân, truyền thống - hiện đại cứ song hành, nắm tay nhau tồn tại, tạo nên thành phố tráng lệ nằm bên bờ sông Neva hiền hòa bóng nước.
Nhưng dù thời điểm nào, cái phong cách thanh tao, những lễ nghi hàng trăm năm, sự kết tinh, lắng đọng của Saint Peterburg vẫn chưa bao giờ thay đổi. Để giữa một nước Nga vốn đã cổ kính, thành phố này dù luôn đông vui, nhộn nhịp khách du lịch nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh tại, an nhiên, không gợn chút xô bồ, nhốn nháo.
Những ngày World Cup 2018, những người yêu bóng đá toàn thế giới đổ dồn về Saint, để xem bóng đá, để ngắm nhìn những bảo tàng, lâu đài, cung điện, và tất nhiên, cả vì đêm trắng.
Đường phố Saint Petersburg vào 12 giờ đêm. Ảnh: Ngân Giang |
Mùa hè ở Saint Peterburg không có buổi đêm. Các con phố không cần mở đèn và người dân cũng chẳng cần đi ngủ. Màn đêm thành Saint chỉ là khung cảnh ảo diệu, sáng mơ hồ trong khoảnh khắc mong manh giữa bình minh và hoàng hôn.
Đám cổ động viên từ đó mà có thể chè chén thâu đêm, những đội thua cuộc cũng nhờ vậy mà cứ mải u hoài.
Chính tôi ngày mới tới cũng thức suốt đêm, lao ra đường để vui chơi và chiêm ngưỡng cảnh tượng độc đáo này cùng với vài người bạn Nam Mỹ đến đây để xem bóng đá.
Đêm trắng kỳ diệu, tại thành phố như chốn cổ tích, giữa thực thực hư hư, bống thấy mình may mắn siết bao vì được tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho nước Nga.
Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ
Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà.
(Thơ của cuộc đời - tác giả Olga Berggoltz, sáng tác tại Saint Peterburg. Những lời thơ của bà là biểu tượng cho những năm tháng đau khổ mà kiên cường của người dân Lenigrad)