Trong dàn sao V.I.P đến tham dự trận chung kết World Cup 2022, "thánh rắc muối" Salt Bae gây tranh cãi khi trực tiếp xuống sân chung vui cùng đội tuyển Argentina.
Vị đầu bếp nổi tiếng khiến Lionel Messi khó chịu khi cố gắng tiếp cận anh giữa đám đông, trong lúc nam cầu thủ đang ăn mừng với đồng đội và người thân. Messi định bỏ đi song Salt Bae vẫn không chịu từ bỏ và chỉ thôi làm phiền ngôi sao bóng đá sau khi đã có ảnh chụp chung.
Ở một số bức ảnh khác, Salt Bae khoe đang nâng cúp vàng danh giá với Di Maria và cầm chiếc cúp để đùa với con trai của Cristian Romero, tạo dáng cắn huy chương của một cầu thủ khác.Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA, chỉ những người chiến thắng và các nguyên thủ quốc gia mới có quyền cầm cúp vàng.
Đây không phải lần đầu tiên "thánh rắc muối" bị phản đối vì hành xử kém duyên tại các sự kiện quan trọng. Vị đầu bếp nổi tiếng từng vướng vào khá nhiều tai tiếng liên quan đến cả chuyên môn lẫn tính cách cá nhân.
Khán giả hâm mộ bóng đá yêu cầu FIFA làm rõ lý do Salt Bae lại được phép xuống sân ăn mừng với các cầu thủ Argentina và chạm vào cúp vàng World Cup. Ảnh: Insider. |
Chụp ảnh không đúng lúc
Salt Bae tên thật là Nusret Gokce, sinh năm 1983 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà hàng của ông có chi nhánh tại nhiều quốc gia châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Tháng 1/2017, Gokce trở nên nổi tiếng sau đoạn clip ghi lại cảnh rắc muối đầy biểu cảm trong tư thế không giống ai. Sau đó, biểu cảm khi rắc muối của Gokce được sử dụng trong rất nhiều meme với nội dung khác nhau và trở thành một hiện tượng Internet của năm đó.
Sau khi nổi tiếng trên mạng, nhà hàng của Salt Bae cũng trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, ngôi sao, cầu thủ bóng đá và chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đến thưởng thức. Bản thân Messi cũng từng đến dùng bữa và được đích thân ông chủ phục vụ.
Salt Bae được cho là có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, do đó thường xuyên được làm khách mời V.I.P trong các trận đấu bóng đá hấp dẫn của làng túc cầu thế giới.
Salt Bae cũng từng bị phản đối vì chụp ảnh lúc cầu thủ Mohamed Salah vừa trải qua những phút đau đớn vì chấn thương và không thể tiếp tục thi đấu trên sân. Ảnh: Espn. |
Liên quan tới trận chung kết Champions League 2018 giữa hai đội bóng Real Madrid và Liverpool, Salt Bae từng khiến khán giả bóng đá và công chúng nói chung tức giận vì hành động bị cho là kém duyên.
Ở phút 30, cầu thủ Mohamed Salah bên phía Liverpool phải rời sân trong nước mắt, sau khi bị trật khớp vai.
Có mặt ở sân vận động và được phép vào bên trong phòng thay đồ để giao lưu với các cầu thủ, nam đầu bếp "Salt Bae" sau đó đã chụp cùng Mohamed Salah. Trong ảnh, nam cầu thủ vừa mới phải băng bó tay và khuôn mặt vẫn lộ rõ sự buồn bã.
Dù Salt Bae dùng bức hình để gửi lời chúc bình phục đến Salah, người hâm mộ vẫn phẫn nộ, gọi đó là "hành vi cực kỳ thiếu tôn trọng". Số đông không hài lòng với bất chấp chen chân để chụp ảnh với người nổi tiếng của Salt Bae, dù hoàn cảnh khi đó không phù hợp.
Đồ ăn tệ bán với giá "cắt cổ"
Trên mạng xã hội, các diễn đàn du lịch hay trang web đánh giá ẩm thực, chất lượng món ăn tại nhà hàng Salt Bae là chủ đề được đem ra mổ xẻ nhiều lần. Trong đó, nhiều bàn luận xoay quanh chuyện giá đồ ăn quá đắt đỏ so với chất lượng.
Tháng 9 năm ngoái, một hóa đơn của thực khách cho thấy họ vừa phải ăn một bữa tối có giá lên đến 2.450 USD ở tại nhà hàng Nusr-Et Steakhouse chi nhánh London (Anh). Số tiền phải trả tương đương một cặp vé máy bay khứ hồi Anh - Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài món chính là bò bít tết Tomahawk có giá 853 USD, bánh "burger vàng" giá 135 USD, các món phụ cũng bị chê đắt khi hai cuộn tempura tôm có giá 81 USD, một bắp ngô ngọt giá 16 USD, một củ hành giá 24 USD. Bên cạnh đó, thực khách phải tiền tip 15% trên tổng hóa đơn.
Nhà hàng của "thánh rắc muối" nổi tiếng đắt đỏ nhưng vẫn đông khách. Ảnh: Express UK. |
Ngay sau đó, một thực khách chia sẻ hóa đơn khác có giá lên tới 37.000 bảng (khoảng 50.000 USD). Hóa đơn dùng bữa bao gồm tiền món ăn 32.194 bảng Anh, cộng thêm 15% phí dịch vụ, tương đương khoảng 4.800 bảng. Tổng số thực khách dùng bữa không được tiết lộ.
"Khoản phí phục vụ lên tới gần 5.000 bảng Anh là quá điên rồ", "Thật phi đạo đức khi tính phí phục vụ cao như vậy", "Một lon redbull ở đây có giá 11 bảng Anh, trong khi đó, cửa hàng góc phố bán chỉ 1 bảng thôi" là những bình luận trên mạng xã hội.
Dù thực khách phải trả số tiền không hề nhỏ, nhà hàng của "thánh rắc muối" lại bị đánh giá thấp vì món ăn không ngon như kỳ vọng.
Chi nhánh ở Anh bị xếp hạng là nơi có món steak tệ thứ 2 ở London, trong tổng số 261 nhà hàng có trong danh sách. Trong khi đó, nhà hàng burger tại New York cũng chỉ trích vì chất lượng quá tệ. Trang Gothamist còn gọi đây là "nhà hàng tệ nhất New York hiện nay".
"Dịch vụ tầm thường, beefsteak nhạt nhẽo và xám xịt, cocktail ở mức trung bình và giá quá cao", trích lời một người từng thưởng thức. Trước những lần bị chê bai, người đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng lên tiếng giải thích.
Ngoài ra, Gokce cũng dính dáng tới các lùm xùm liên quan tới chèn ép, quỵt lương nhân viên. Năm 2020, nhân viên của nhà hàng ở cơ sở New York đã tổ chức biểu tình, tố cáo ông chủ không trả tiền làm thêm ngoài giờ.
Lần khác, 4 người phục vụ tại cơ sở này cho biết bị sa thải sau khi ý kiến về việc bị ăn chặn tiền tip. Cuối cùng, Gokce phải trả lại khoản tiền 230.000 USD.
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn nguy hiểm tại Mỹ vào tháng 9/2020, nhà hàng Nusr-Et ở Boston từng bị đóng cửa vì vi phạm quy định an toàn, cụ thể là khách hàng và nhân viên không đeo khẩu trang, lối thoát hiểm bị chặn.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.