Người thân trong gia đình cho biết cô bé rất thích ăn sashimi và sushi, hai món ăn truyền thống của Nhật Bản với thành phần chính là các loại hải sản tươi sống. Tuy nhiên, sau khi ăn món sashimi tại một nhà hàng ở Đài Bắc, cô bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở trực tràng.
Em được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa Tri-Service. Tại đây các bác sĩ đã lấy ra từ ruột của cô bé một con sán dây dài 2,6 m.
Hình ảnh giun sán dây cá dài 2,6 m được lấy từ ruột em bé 8 tuổi, giấu tên, người Đài Loan. Ảnh: Taipei Tri-Service General Hospital. |
Bác sĩ Wang Zhijian, khoa Nhi, cho biết cô bé đã mắc một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Diphyllobothrium Latum, hay còn gọi là sán dây cá. Đây là loài sán dây lớn nhất sống ký sinh trong ruột non của con người, kích thước của chúng có thể lên tới 10 m.
Ấu trùng của Diphyllobothrium latum ẩn mình trong loài cá và lây nhiễm vào cơ thể người khi chúng ta ăn thịt cá sống. Khi vào cơ thể người, ấu trùng sán dây cá sẽ bám vào thành ruột non, hấp thu các chất dinh dưỡng và phát triển thành sán trưởng thành chỉ trong thời gian khoảng 30 ngày.
Sán trưởng thành sẽ đẻ trứng và có thể sống ký sinh trong cơ thể người nhiều năm liền mà không bị phát hiện. Người nhiễm sán dây cá sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, sụt cân, táo bón và khó chịu ở bụng. Tuy nhiên, một số trường hợp ấu trùng của sán sẽ di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và bắt đầu gây ảnh hưởng đến gan, mắt, tim hoặc não và có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh.
Hiện bé gái đang phục hồi rất tốt sau khi loại bỏ sán dây cá ra khỏi cơ thể. Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo rằng người dân không nên ăn thực phẩm sống, đặc biệt là thịt cá, bò, lợn và cần phải nấu chín kỹ trước khi ăn.