Trước giờ mở bán đơn đặt trước cho "đại hội siêu sale dịp Lễ độc thân 11/11", Xiao Han (quê Liêu Ninh) lướt ứng dụng mua sắm, cô muốn mua thêm 2 bộ quần áo ấm cho mùa đông. Cô hoa mắt khi nhìn vào vô số quảng cáo giảm giá, loạt voucher và phải mất một lúc mới tính toán được.
"Giá gốc là 1.299 nhân dân tệ, giá trước ngày mở bán là 1.199 tệ, giảm 40 tệ cho mỗi đơn từ 300 tệ trở lên, giảm 30 tệ cho đơn từ 200 tệ trở lên, giảm 50 tệ nếu khách đặt cọc trước và nhận mức chiết khấu gấp đôi", Xiao Han bị bối rối khi xem thông tin giảm giá.
Dịp Lễ độc thân 11/11 là ngày hội mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
"Ma trận" mã giảm giá
Xiao Han đang chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh thạc sĩ. Từ hồi đại học, cô đã thường xuyên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt vào dịp Lễ độc thân.
"Khó khăn lớn nhất khi mua sắm ngày 11/11 là phải tính toán các mã giảm giá, có nhiều phiếu khác nhau của sàn thương mại, từ người bán và từ thương hiệu. Tôi thường không biết bắt đầu từ đâu. Nếu cứ mua mà không tính toán, có thể bị đắt hơn lúc bình thường", cô nói.
Xiao Han cho biết ngưỡng để sử dụng phiếu giảm giá khá cao và cần phải mua đủ số lượng nhất định mới có thể áp mã. Ví dụ, nếu chi 199 tệ sẽ được hoàn lại 30 tệ, nhưng đôi khi cô phải mua thêm những thứ không cần thiết để đạt được mức đó.
Nhiều cư dân mạng cũng háo hức mong chờ đại hội giảm giá lớn nhất trong năm như Xiao Han. Tuy nhiên, những quy tắc giảm giá, vô số mức chiết khấu kèm điều kiện khác nhau được các sàn thương mại lớn đưa ra khiến khách hàng cảm thấy đang rơi vào một "ma trận".
Nhiều người còn nhận xét rằng nắm bắt được các quy tắc giảm giá để nhận được mức ưu đãi tốt nhất khó không kém gì đi thi Olympic Toán.
Nhiều người cảm giác như rơi vào "ma trận" khi mua hàng giảm giá ngàu 11/11. |
Ngày 2/11, phóng viên The Paper đã thử mua mã giảm giá từ sàn thương mại điện tử và thấy có nhiều loại phiếu, mỗi loại hàng và mỗi thương hiệu lại có mức giảm khác nhau. Ngoài ra, các cửa hàng và đại lý lớn cũng có phiếu ưu đãi cho khách hàng.
"Muốn sử dụng tốt phiếu giảm giá, cần phân loại hàng trong giỏ và tính toán cách đặt tiết kiệm chi phí nhất. Cách tính chiết khẩu quá rườm rà, lãng phí nhiều thời gian và sức lực", Tan Cheng (Bắc Kinh), một người có nhiều kinh nghiệm săn sale, nói.
Chiêu trò gian lận
Một phóng viên của tờ Nhật báo Pháp luật nhận thấy rằng trong dịp 11/11 năm nay, các cửa hàng "tăng giá lên cao, sau đó giảm giá, các sản phẩm được giảm giá cuối cùng thậm chí còn đắt hơn ban đầu".
"Mặt nạ tôi bỏ vào giỏ hàng lúc chiều thấy giá 800 tệ, giờ được giảm giá lại thành 920 tệ, vậy cái được gọi là 'khuyến mại lớn' thực chất là gì?", Liu Ha (sống tại Bắc Kinh) bức xúc đăng câu chuyện của mình lên mạng.
Nhiều người khác cũng gặp trường hợp hàng giảm giá thực chất là do người bán tăng giá lên rồi mới áp mức chiết khấu.
Xiao Han kể hồi đầu năm cô mua một bộ đồ ngủ cho bạn. Thời điểm đó, bộ đồ có giá 79 tệ, nhưng đến đợt đại hạ giá 11/11, cô lên tìm lại thì thấy giá gốc trước khi giảm đã thành 199 tệ. Kể cả khi áp mã giảm giá, nó vẫn còn đắt hơn trước đây.
Không ít cửa hàng chơi chiêu nâng giá gốc rồi áp dụng chiết khẩu. |
Bên cạnh trò "nâng giá gốc rồi giảm", nhiều cửa hàng trực tuyến còn dùng thủ thuật khiến khách không thể sử dụng mã giảm giá, "chơi chữ" trong quảng cáo, điều này khiến không ít khách hàng bức xúc.
Một số cửa hàng phát hành phiếu giảm giá đại trà, nhưng khi khách đưa mã ra thì người bán nói "phiếu chỉ áp dụng được trong thời gian phát sóng trực tiếp".
Ren Ren (đến từ Vân Nam) đã mua một bộ sản phẩm chăm sóc da cách đây ít ngày. Trang bán hàng có ghi "mua một tặng một", nhưng đến lúc nhận hàng cô mới biết hóa ra là "mua một sản phẩm được tặng một mẫu thử".
Khi liên hệ với cửa hàng để hỏi tại sao không nói rõ trong quảng cáo, đại diện bên bán đã phớt lờ cô.
Một số cửa hàng có chương trình tặng quà cho một số lượng (X) khách đầu tiên đặt hàng. Nhiều người được phỏng vấn nói rằng họ chưa từng nhận được quà, cũng không biết mình có nằm trong X người đầu tiên đó không vì chỉ có người bán nắm được.
Cheng Ke, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Pháp luật thuộc Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết khi các điều khoản giao dịch ngày càng phức tạp, người bán nên đưa ra quy tắc rõ ràng, nhất là trong các đợt khuyến mại nhằm bảo vệ người tiêu dùng.