Chơi golf ở công viên trở nên phổ biến như một môn thể thao dành cho đông người dân Hàn Quốc, song cũng đang trở thành một vấn đề xã hội do các tác động tiêu cực của nó, theo Korea Bizwire.
Mô hình này là một dạng golf mini với giá cả phải chăng và có thể chơi trong không gian nhỏ, thường là nằm trong khuôn viên của công viên công cộng. Sân golf công viên ra đời ở Hokkaido (Nhật Bản) vào năm 1983. Đến năm 1998, nó lần đầu xuất hiện ở Hàn Quốc, tại một trung tâm phúc lợi cao cấp ở Jinju, tỉnh Nam Gyeongsan.
So với đánh golf thông thường, ở sân này, người chơi chỉ cần một cây gậy và một quả bóng nhựa. Kích thước bóng lớn hơn và các lỗ cũng có độ khó giảm đi so với tiêu chuẩn, giúp việc ăn điểm có phần dễ dàng hơn.
Người cao tuổi chơi trong một sân golf giá rẻ, nằm trong công viên ở thành phố Gyeongju. |
Bộ môn này được đông người dân ở xứ kim chi yêu thích do không tốn quá nhiều sức lực. Chi phí cho người chơi cũng ở mức thấp, không đắt đỏ như khi chơi chuyên nghiệp, thậm chí miễn phí. Các yếu tố này giúp nó ngày càng trở nên thịnh hành.
Một gậy, một bóng
Tính đến tháng 4 năm nay, có 361 sân golf công viên trên cả nước, với tổng số 6.619 lỗ, theo Hiệp hội golf công viên Hàn Quốc.
Số lượng thành viên hiệp hội, bao gồm cá nhân chơi riêng lẻ và tham gia CLB, đạt 106.505 người vào năm ngoái. Con số này thể hiện mức tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021 (64.001 người) và hơn 6 lần so với năm 2017 (16.728 người).
Do sự phổ biến ngày càng tăng của các sân golf nằm trong công viên, chính quyền nhiều tỉnh ở địa phương đang tích cực mở các sân mới hoặc mở rộng các sân hiện có.
Bằng cách tận dụng các bờ sông từng được cải tạo, chính quyền địa phương có thể xây dựng các khu vực chơi golf giá rẻ một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, việc xây dựng quá nhiều dọc bờ sông và không gian xanh đô thị đã vấp phải nhiều sự chỉ trích vì gây ra tác hại đáng kể tới môi trường, bao gồm phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã và ô nhiễm nguồn nước.
Theo dữ liệu do Bộ Môi trường Hàn Quốc công bố hôm 26/6, có tổng cộng 88 sân golf công viên dọc theo các tuyến đường thủy chính, trong đó 56 sân (64%) bị coi là bất hợp pháp.
Toàn cảnh một sân golf công viên gần suối Namdae ở huyện Yangyang, tỉnh Gangwon. |
Thông thường, các sân golf này bao gồm tối thiểu 9 lỗ, với diện tích trung bình khoảng 10.000 m2. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các sân giá rẻ ngày càng mở rộng do nhu cầu của người chơi đông.
Nhiều địa điểm được biết đến là khu vực có giá trị sinh thái, nơi sinh sống của các loài được bảo vệ hợp pháp như rái cá, chim săn mồi và đại bàng đuôi trắng. Do đó, các tổ chức môi trường đang phản đối mạnh mẽ.
Ví dụ, một tổ chức đã lắp đặt camera để quan sát sân golf Sasu Park ở quận Buk (thành phố Daegu), nơi nổi tiếng là thánh địa của môn golf công viên ở Hàn Quốc. Tại đó, họ đã quan sát thấy nhiều dấu hiệu của các loài động vật hoang dã được xếp vào diện cần bảo vệ như hươu, rái cá.
Người dân phản đối
Daegu hiện có số lượng sân golf theo mô hình này nhiều nhất, với 25 sân. Năm 2024, thành phố này dự kiến thực hiện kế hoạch xây dựng và mở rộng 6 sân mới dọc theo đoạn sông dài 41,6 km trong thành phố.
Điều này sẽ tăng số lượng sân golf giá rẻ trong lưu vực sông Geumho từ 14 lên 20 sân.
Golf là môn thể thao được cả tầng lớp bình dân lẫn nhà giàu yêu thích ở xứ củ sâm. |
Tỉnh Nam Chungcheon là một trong nơi tích cực mở rộng mô hình sân giá rẻ này. Tỉnh có kế hoạch xây dựng 30 sân mới vào năm 2024, bao gồm sân golf công viên 108 lỗ, lớn nhất ở Hàn Quốc, ở quận Cheongyang.
Đảo Jeju, nơi đang có 3 sân, đã công bố kế hoạch đầu tư 8 tỷ won (6,15 triệu USD) để xây dựng 4 sân mới và tăng gấp đôi quy mô của những sân hiện có.
Khi số lượng sân golf trong công viên tiếp tục tăng lên, xung đột giữa các cư dân xung quanh cũng ngày càng gia tăng.
Năm nay, chính quyền quận Seodaemun ở Seoul đã đầu tư 750 triệu won để chuyển công viên khu dân cư Baeryeon thành sân golf công viên. Tuy nhiên, do bị cư dân phản đối gay gắt, dự án đã phải tạm dừng.
Người dân cho rằng việc chuyển đổi công viên công cộng thành sân golf dành riêng cho các thành viên CLB là không hợp lý. Đồng thời, họ cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề tiếng ồn và chuyện khó đỗ xe.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.