Trước thông tin san hô ở Hòn Mun bị tẩy trắng, nhiều chuyên gia lặn biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), trong đó có những người gắn bó với nơi này hơn 20 năm, cho rằng không hề bất ngờ vì họ nhìn thấy viễn cảnh này từ nhiều năm trước.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rùa Lặn Đại Dương (Turtle Drive) - người có gần 30 năm lặn biển Hòn Mun - cho biết hoàn toàn không bất ngờ với thông tin san hô ở Hòn Mun bị “tẩy trắng”.
“Từ những năm 1998-1999, tôi đã đứng trước cả trăm chuyên gia về hải dương học để cảnh báo về việc hệ sinh thái san hô ở Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung có thể biến mất vì tác động của con người", ông Thành nhớ lại.
Hậu quả đã được cảnh báo
“Thiên tai năm nào cũng có, nếu cứ đổ cho bão lũ hay biến đổi khí hậu thì ai cũng làm được. Tôi gắn bó với vịnh Nha Trang từ lúc chỉ cần bước ra cảng Cầu Đá cũng có thể đụng san hô. Đến nay ngay cả vùng lõi Hòn Mun, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt cũng chả còn bao nhiêu”, ông Thành buồn bã nói.
San hô chết phủ trắng đáy biển quanh đảo Hòn Mun. Ảnh: Xuân Hoát. |
Theo ông Thành, việc bảo tồn, bảo vệ san hô trước sự tàn phá của con người được ông nói đi, nói lại cả nghìn lần. “Thật sự đến giờ tôi không muốn nói gì thêm nữa. Nói nhiều quá mà vấn đề không được ai lắng nghe, giải quyết nên rất buồn”, ông Thành chia sẻ.
Chuyên gia lặn biển này cho rằng cơ quan cao nhất của tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc ngay từ bây giờ để bảo vệ hệ sinh thái san hô ít ỏi còn lại ở Hòn Mun.
Tôi gắn bó với vịnh Nha Trang từ lúc chỉ cần bước ra cảng Cầu Đá cũng có thể đụng san hô. Đến nay ngay cả vùng lõi Hòn Mun, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt cũng chả còn bao nhiêu.
Ông Thành, chuyên gia lặn biển
“Muộn còn hơn không, nếu cứ buông lỏng quản lý như hiện tại tôi sợ rằng 5-10 năm nữa, chả ai đến Nha Trang du lịch vì niềm yêu thích lặn ngắm san hô nữa”, ông Thành cảnh báo.
Ông Thành cho rằng sự tác động của con người dù không gây hại nhanh, rộng cho san hô bằng thiên tai, nhưng cái nguy hiểm hơn là nó tạo ra sự chủ quan cho các nhà quản lý.
“Mỗi ngày chết 5-10 cây san hô vì mắc lưới, rác thải, đánh bắt cá bằng chất độc cyanua hay thậm chí gãy đổ vì tàu giã cào so với tổng thể là rất nhỏ. Nếu chỉ nhìn tổng thể chúng ta coi thiệt hại đó là chuyện bình thường vì mình có cả hàng trăm km2 san hô. Nhưng hãy hình dung hàng nghìn cây san hô chết trong hàng nghìn ngày như vậy thì dù có cả triệu km2 san hô cũng sẽ biến mất thôi”, ông Thành phân tích.
Cá trong khu bảo tồn biển Hòn Mun chết do mắc lưới. Ảnh: V. Đức. |
“Cứ nghĩ tới việc buổi chiều lặn nhặt sạch rác quanh Hòn Mun. Sáng hôm sau ra lặn xuống thấy rất nhiều lưới mắc đầy rạn là nỗi buồn dâng trào không thể tả nổi”, ông Thành trầm ngâm.
Cần đóng cửa khu bảo tồn để bảo vệ san hô
Đồng quan điểm, anh Mai Hoàng Kiên Kha, một thợ lặn ở TP Nha Trang, cho biết rất xót xa trước cảnh san hô chết hàng loạt ở Hòn Mun.
“Lúc dịch bùng phát, chúng tôi cứ nghĩ vắng con người san hô sẽ đẹp lên, ai ngờ sau dịch lặn xuống nhìn thê thảm lắm”, anh Kha nói và cho biết không nên đổ lỗi hết cho thiên nhiên, địch họa gây hại cho san hô.
“Cứ nhìn ra vịnh Vân Phong nằm không xa vịnh Nha Trang, ở đó không cần ai bảo vệ mà rạn san hô rất đẹp, phát triển tốt. Còn Hòn Mun là vùng lõi khu bảo tồn mà xác xơ, san hô chết trắng cả đáy biển”, anh Kha nói.
Cũng là người hơn 20 năm gắn bó với vịnh Nha Trang, đã dẫn nhiều khách lặn ngắm san hô, ông Nguyễn Văn Đức sợ rằng rồi đây con cháu sẽ mất đi một tài nguyên quý giá mà cả triệu năm mới có được.
“Tôi vừa mới lặn ở Hòn Mun cách đây 2 hôm, thấy san hô chết khoảng 70-80%. Các loài gây hại cho san hô như cầu gai hay sự nóng lên toàn cầu đã tồn tại từ rất lâu và độ ảnh hưởng của nó không nhiều và gây chết hàng loạt trong thời gian ngắn như vậy”, ông Đức cho biết.
Theo ông, nên nhìn nhận khách quan vấn đề san hô bị "tẩy trắng", đồng thời phải xem xét nghiêm túc vấn đề này.
Thái Lan sẵn sàng đóng cửa vịnh Maya gần 3 năm để bảo vệ và phục hồi san hô cùng hệ sinh thái dưới biển. Họ hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Còn chúng ta ở nhiều nơi đang làm ngược lại.
Ông Thành, chuyên gia lặn biển
“Đã là khu bảo tồn thì không nên du di cho các hoạt động đánh bắt trái phép trong khu vực và tập trung nhiều hơn nguồn lực để bảo vệ. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ tài nguyên biển cho người dân, không nên đánh bắt hải sản bằng cách tận diệt như lưới cào, dùng chất cyanua để bắt cá”, ông Đức khuyến cáo.
Ngư cụ rớt xuống đáy biển trong khu bảo tồn. Ảnh: Mai Kha. |
Theo các hướng dẫn viên lặn biển, ở các nước như Thái Lan, họ quy định rất nghiêm công tác lặn ngắm san hô và đặc biệt cấm tuyệt đối việc tàu cá “lượn lờ” quanh khu bảo tồn để bảo vệ hệ sinh thái.
“Thái Lan sẵn sàng đóng cửa vịnh Maya gần 3 năm để bảo vệ và phục hồi san hô cùng hệ sinh thái dưới biển. Họ hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Còn chúng ta ở nhiều nơi đang làm ngược lại. Quan điểm của tôi là phục hồi tái tạo không bằng cách bảo vệ nó. Nếu cứ tái tạo mà không bảo vệ chắc chắc không bền vững được mà thực tế ở Hòn Mun đã chứng minh rồi”, ông Thành nhìn nhận.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160 km2, bao gồm 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo.
Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú đa dạng bậc nhất Việt Nam.
Vịnh Nha Trang hiện có khoảng 15 điểm lặn xung quanh đảo. Những điểm lặn này đa số đều nhiều san hô, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Trong đó, đẹp nhất và đa dạng nhất là quanh khu vực Hòn Mun - vùng lõi của khu bảo tồn nên phải được Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho phép. Tại Hòn Mun, các bãi lặn có tiếng gồm Hòn Rơm hay Madona rock, bãi Madam Hạnh, bãi Coral Garden, bãi Southbay hay Fishing men...