Cuộc đua kỳ thú tập 6 lên sóng tối 10/8 vướng tranh cãi liên quan đến thử thách lặn biển của các thí sinh.
Cụ thể, những người tham gia chương trình phải nhớ thứ tự tấm bê tông đặt dưới biển, sau đó xếp lại các tấm trên bờ thành đề bài để cùng giải đáp án. Đáng nói, những tấm bê tông này được ê-kíp sản xuất đặt lên rạn san hô. Ngay khi lên sóng, cộng đồng mạng đã chỉ trích gay gắt về thử thách mà chương trình đặt ra.
Ban tổ chức "Cuộc đua kỳ thú" gây bức xúc vì phá hoại rạn san hô ở Phú Yên. |
"Không giúp được thì đừng phá. Thiên nhiên cho con người vô vàn nhưng nhận lại toàn sự phá hoại. Tôi có đọc nhiều tài liệu và biết san hô phục hồi rất lâu. Những người tổ chức có nghĩ đến hậu quả của mình không?", bạn dọc Hoàng Linh bức xúc chia sẻ.
Đồng quan điểm, người dùng Mai Anh cho biết: "Làm thế này có khác gì mấy người vô ý thức bẻ, vặt san hô không? Vậy mà cũng cho lên sóng được hả?".
Chia sẻ với Zing.vn, Thiện Nguyễn, quê Phú Yên, cảm thấy rất bức xúc với cách làm của ban tổ chức. "Cảnh vật Phú Yên còn hoang sơ do chưa bị khai thác nhiều. Nhìn cảnh chương trình phá hoại san hô thế này, tôi không biết khi các loại hình du lịch bùng nổ, thiên nhiên quê mình sẽ còn lại gì", anh cho biết.
Ngọc Anh, cựu quán quân Cuộc đua kỳ thú 2015, cũng phản đối cách làm của ban tổ chức. Cô thừa nhận mình như chết điếng khi chứng kiến cảnh những tấm bê tông nặng trịch đè lên san hô.
Lời xin lỗi từ ban tổ chức chương trình. |
Chi cục Biển và Hải đảo Phú Yên (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết các vùng biển gần tỉnh này hiện có 182 loài san hô. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga mới đây đã khảo sát sơ bộ những rạn san hô tại 3 điểm có khả năng phát triển du lịch sinh thái biển, gồm Hòn Lao Mái Nhà, Hòn Yến (huyện Tuy An) và khu vực biển Hòn Nưa (huyện Đông Hòa).
Theo báo cáo, các rạn san hô này tương đối đa dạng và đẹp, có giá trị trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, chúng đã và đang bị hủy hoại do nhiều yếu tố, cả tự nhiên (bão biển) lẫn con người (gây ô nhiễm, khai thác san hô, giẫm đạp, săn bắt hải sản...). Các rạn san hô tại khu vực Hòn Yến đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất.
"Những rạn san hô này đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Nếu chúng ta không có phương án bảo vệ khẩn cấp, trong tương lai gần, chúng sẽ biến mất và khó có khả năng phục hồi", TS Hoàng Thị Thùy Dương, người trực tiếp lặn khảo sát, rạn san hô khu vực Hòn Yến chia sẻ.
San hô là nơi trú ngụ của nhiều loại cá và đóng vai trò "bãi đẻ" cho chúng. Về giá trị sinh thái, san hô cung cấp thức ăn, môi trường sống, trưởng thành và cả nơi trú ẩn khỏi kẻ thú cho cá cùng nhiều loại động vật khác. San hô đem lại giá trị kinh tế cao, là tài nguyên của con người. Từ lâu nay, san hô còn được xem như "cung điện kỳ ảo" dưới đại dương để con người khám phá.
Nghiên cứu từ nhóm nhà khoa học của ĐH California (Mỹ) cho biết các rạn san hô có tác dụng bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy du lịch, mang về giá trị toàn cầu ước tính 375 tỷ USD/năm.