Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội – 3 sân khấu kịch lớn nhất miền Bắc đều không có bất cứ vở diễn nào mới ra mắt trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những tác phẩm đã ghi dấu ấn trong năm cũng chỉ được công diễn đến hết tháng 1 dương lịch, bắt đầu từ đầu tháng 2, các Nhà hát chủ yếu làm hoạt động tổng kết, khen thưởng thay vì tập trung vào dựng các tác phẩm mới. Đây là thực trạng của sân khấu miền Bắc suốt nhiều năm nay chứ không riêng gì Xuân Bính Thân 2016.
Nhà hát Tuổi trẻ không có chương trình nghệ thuật mới từ ngày 1/2 đến ngày 12/2. |
Nhà hát Tuổi trẻ - một trong những sân khấu có doanh thu tốt nhất Hà Nội, năm nay cũng chỉ dồn sức cho các đoàn lưu diễn nước ngoài dịp cận Tết thay vì tập trung vào các chương trình ở trong nước. Không có bất cứ tác phẩm nào, dù cũ hay mới được công diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ từ ngày 1/2 đến ngày 12/2. Khán giả thủ đô sẽ phải chờ đến ngày 13/2, tức sau kỳ nghỉ lễ dài mới có thể thưởng thức một chương trình hài kịch – ca nhạc có tên “Đón Xuân 2016” với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn kịch 1 và 2 Nhà hát Tuổi trẻ.
“Anh cả đỏ” của sân khấu miền Bắc, tức Nhà hát Kịch Việt Nam cũng trong tình trạng hẩm hiu tương tự. Mặc dù năm vừa qua, nhà hát gặt hái được khá nhiều thành công trong các hội diễn chuyên nghiệp, ra mắt nhiều vở chính kịch mới và Nam tiến với “Hamlet” nhưng mùa Tết cũng không có tác phẩm nào ra rạp. Nhà hát Kịch Việt Nam đã tiến hành tổng kết, khen thưởng vào ngày 27/1 và sân khấu 200 chỗ ngồi phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ "tối đèn' từ nay đến ngày khai xuân 27/2 khi nhà hát quay trở lại với tác phẩm Bệnh sĩ – một vở kịch đã ra mắt trong năm 2015.
Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ diễn lại vở "Bệnh sĩ" vào dịp đầu xuân. |
Không chỉ không có vở diễn nào mới, Nhà hát Kịch Hà Nội còn chưa thông báo với khán giả về lịch biểu diễn trong tháng 2. Nhà hát đã kết thúc năm cũ Âm lịch tương đối sớm bằng một chùm hài kịch biểu diễn tại Hà Đông – Hà Nội vào ngày 21/1. Rạp Công nhân – sân khấu quen thuộc của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội được cho là sẽ khai xuân muộn hơn Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam, rất có thể phải đến tháng 3, khán giả mới có cơ hội thưởng thức một tác phẩm được công diễn tại đây.
Trong khi cả 3 nhà hát danh tiếng của Hà Nội đều không có vở diễn nào mới thì sân khấu trong Nam có tới gần 30 tác phẩm mới tinh ra rạp trong kỳ nghỉ Tết. Sân khấu Trịnh Kim Chi công diễn 3 vở mới là Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông và Chuyện tình Lương – Chúc. Sân khấu kịch Hồng Vân áp đảo với Bí ẩn cà phê 3D, Tiệm tóc âm dương, Một cha ba mẹ và Người vợ ma.
Thế giới trẻ có 2 vở đáng chú ý là Trót yêu và Ma nữ si tình còn sân khấu Idecaf có được đông đảo khán giả chờ đợi với 2 tác phẩm Tấm Cám và Thú… yêu thương - cả hai vở đều đang "cháy" vé. Ngay cả sân khấu kịch Hồng Hạc vừa mới ra đời vào cuối năm 2015 cũng dựng một tác phẩm mới là Diễn viên hạng ba - chuyển thể từ một tác phẩm văn học của nhà văn nữ Lý Lan.
Số lượng tác phẩm mà các sân khấu tư nhân ở Sài Gòn giới thiệu tới công chúng yêu kịch trong dịp Tết này hơn hẳn miền Bắc, tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật của các vở diễn lại là một yếu tố khác. Phần lớn các tác phẩm hài kịch Tết năm nay ở miền Nam có nội dung về đồng tính luyến ái - một chủ đề quá nhàm chán đối với khán giả. Đó là còn chưa kể đến sự bão hòa của nghệ thuật sân khấu trước các loại hình giải trí khác, nhiều vở diễn dựng xong vẫn không biết có bán được vé hay không.
Tuy vậy, không khí sân khấu miền Nam mùa Tết vẫn được cho là tương tối sôi động, khán giả có nhiều sự lựa chọn - điều rất khó thấy ở sân khấu miền Bắc.
Phần 2 của "Xóm trọ 3D" sẽ ra mắt với tên gọi "Bí ẩn cà phê 3D" tại sân khấu của NSND Hồng Vân. |
Lý giải về không khí đìu hiu, ảm đạm của làng kịch nghệ miền Bắc, NSND Anh Tú - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Sân khấu miền Bắc ảm đạm mùa Tết vì yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Thời tiết miền Bắc thường rất lạnh vào dịp Tết lại có thêm mưa xuân nên mọi người rất ngại đi xem kịch. Nói thật là, đến tặng vé người ta còn chưa chắc đã đi chứ nói gì đến việc mua để đi xem. Khán giả không có nhu cầu nên các nhà hát không thể mạo hiểm được”.
NSND Anh Tú cho biết thêm: “Khán giả trong Nam có thói quen đi xem kịch vào dịp Tết như một loại hình giải trí từ rất nhiều năm nay. Thời tiết trong thời gian nghỉ lễ ở trong đó cũng ấm áp, buổi tối mọi người thích rủ nhau đi thưởng thức kịch, đặc biệt là hài kịch nên việc sân khấu trong Nam có nhiều vở diễn mới trong dịp này cũng là điều dễ hiểu”.