Không chỉ sân khấu miền Nam mà sân khấu miền Bắc cũng bắt đầu đẩy mạnh lưu diễn trong những năm gần đây. Thị trường khán giả hải ngoại luôn được đánh giá là tiềm năng đối với sân khấu Việt mặc dù các nhà hát, đoàn kịch gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu tại nước ngoài. Trong khi các đơn vị kịch tư nhân ở miền Nam chủ yếu hướng đến thị trường khán giả Việt kiều ở Mỹ thì các nhà hát miền Bắc lại nhằm vào thị trường Đông Âu và Châu Á.
Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị dẫn đầu trong việc chủ động hợp tác với các nhà hát nước ngoài. Ngay dịp cận Tết, Nhà hát Tuổi trẻ có đến 3 đoàn cùng nhau xuất ngoại. Đoàn thứ nhất với mục đích giao lưu văn hóa và phục vụ cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao, Nhà hát Tuổi trẻ cử một đoàn nghệ thuật tổng hợp sang lưu diễn tại các nước Đông Âu (Cộng hòa Liên bang Đức, Ba Lan, Rumani,..).
NSƯT Minh Hằng lỡ hẹn Táo quân vì tham gia lưu diễn tại Đông Âu từ ngày 19 - 29/1. |
Đoàn nghệ thuật gồm tất cả 15 nghệ sĩ, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng, được đông đảo Kiều bào mến mộ như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Ngọc Ánh và một số diễn viên trẻ, từng ghi dấu ấn qua các vai diễn truyền hình như Thu Quỳnh, Chí Huy, Quỳnh Dương, Thanh Tú. Ngoài các tiết mục ca nhạc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước thì Đoàn lưu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mang ít nhất 4 tiểu phẩm hài kịch sang châu Âu là Thơ tình lính đảo, Ô-sin xuất ngoại, Tỏ tình và Ghen xuôi.
Người chịu trách nhiệm chính trong việc biên tập và dàn dựng chương trình trước khi xuất ngoại là NSƯT Trọng Thủy và NSƯT Chí Trung. Chí Trung không tham gia bất cứ đoàn lưu diễn nào vì bận tham gia Táo quân nhưng nam nghệ sĩ chia sẻ “Xuân yêu thương sẽ là món quà mừng Xuân 2016 hấp dẫn và đầy ý nghĩa để dành tặng cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài”. Khác với NSƯT Chí Trung, Minh Hằng lỡ hẹn Táo quân năm nay vì đoàn lưu diễn công tác 10 ngày, từ ngày 19 - 29/1, trùng với lịch tập luyện Táo quân.
Thơ tình lính đảo với diễn xuất của NSƯT Ngọc Huyền là một trong những vở kịch trong chương trình "Xuân yêu thương" lần này. |
Ngoài “Xuân yêu thương” – đoàn lưu diễn có số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo nhất, Nhà hát Tuổi trẻ còn có 2 đoàn cũng xuất ngoại đầu năm 2016 là Đoàn kịch 1 do đạo diễn Bùi Như Lai dẫn đầu sang Lào và đoàn công tác do NSND Lê Khanh chịu trách nhiệm chính sang Nhật Bản. Đoàn kịch 1 mang hai tác phẩm kịch không lời là Giấc mơ hạnh phúc và Lá rụng để tham dự chương trình “Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn Vientiane” tại Lào.
Đoàn lưu diễn bên Nhật Bản, ngoài Lê Khanh còn có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, họa sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ . Đoàn có nhiệm vụ giao lưu, học hỏi với Nhật Bản để tìm hướng đổi mới sân khấu nước nhà. Cả hai đoàn đều xuất ngoại vào cuối tháng 1 và kết thúc vào khoảng đầu tháng.
Nhà hát Kịch Việt Nam – nơi được cho là “anh cả đỏ” của làng sân khấu cũng "mang chuông đi đánh xứ người" trong dịp cận Tết Nguyên đán. Vở kịch Con gà trống được báo cáo và tổng duyệt tại Việt Nam nhưng sẽ được công diễn tại Singapore và sau đó là Nhật Bản. Đây là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, tác giả kịch bản là một nhà viết kịch Singapore - Chua Soo Pong. Đạo diễn Chua Soo Pong là người gắn bó mật thiết với kịch Việt Nam, ông từng dựng vở Đám cưới con gái chuột của Nhà hát Kịch Việt Nam để tham gia chương trình Liên hoan nghệ thuật tại Malaysia vào tháng 8/2015.
Năm vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam xuất ngoại thành công vở kịch thiếu nhi Đám cưới con gái chuột. |
Với Con gà trống, người chịu trách nhiệm trong việc dàn dựng là NSND Lệ Ngọc. NSND Anh Tú – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đóng vai trò chỉ đạo nghệ thuật toàn bộ vở diễn. Sau đêm tổng duyệt, Con gà trống nhận được nhiều khen ngợi từ hội đồng nghệ thuật cũng như các bậc phụ huynh. Vở diễn hứa hẹn gặt hái được nhiều thành công ở nước bạn.
Sở dĩ các nhà hát miền Bắc đẩy mạnh xuất ngoại kịch trong dịp cận Tết vì nắm rõ nhu cầu thị trường khán giả hải ngoại, đặc biệt là khán giả châu Á và Đông Âu. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Việt kiều xa Tổ quốc và người dân châu Á trong dịp Tết cổ truyền thường cao hơn bình thường, ra mắt kịch tại hải ngoại trong thời điểm này được cho là lựa chọn an toàn vì nhìn chung các nhà hát vẫn chưa có chiến lược bài bản để xâm nhập thị trường hải ngoại.