Thực trạng mấy chục năm sân khấu bấp bênh, loay hoay, tự bươn chải kiếm sống và giờ đang rơi xuống gần đáy của sự thoái trào, cả về chất lượng nghệ thuật, đạo đức nghề nghiệp lẫn sự thờ ơ hờ hững của công chúng là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy.
Vấn đề là cơ quan quản lý và người làm nghề còn đủ cái tâm và nhiệt huyết để cùng ngồi lại với nhau, vì một mái nhà chung sân khấu?
Nói như vậy bởi thói quen mạnh ai nấy sống, thậm chí sống chết mặc bay... đang như một căn bệnh góp phần làm lụi tàn mọi mặt đời sống xã hội, không chỉ riêng sân khấu.
Vở 12 bà mụ - một trong những vở diễn “hot” của sân khấu IDECAF, đã trụ sàn diễn hơn 10 năm nay nhưng không thường có suất diễn vì phải quy tụ hết diễn viên của IDECAF, 18 người đóng 45 vai. Ảnh: Gia Tiến |
Tài trợ nghệ thuật không phải để nuôi cơm bộ máy kém hiệu quả
Con đường sân khấu Việt Nam, cũng như thế giới không thể mãi ở thế độc tôn một mình một chợ, mà phải biết thích ứng sống chung với các loại hình giải trí đang ngày càng phát triển ồ ạt.
Sân khấu sàn diễn chính thống không thể chạy theo đuôi cách làm phim, truyền hình, các trang mạng sân khấu giải trí... mà phải như một món ăn đặc sản, từ những đặc trưng riêng (nghệ thuật biểu diễn hình thể) của chính sân khấu.
Cần thay đổi thói quen tự ti, than vãn, đổ thừa hoàn cảnh và loại bỏ sự nghiệp dư nhếch nhác tại các rạp, nhà hát.
Không có tác phẩm nghệ thuật thì không có sân khấu. Đừng quá ảo tưởng về hiện tượng một thời tại các phòng bán vé. Sân khấu có đáng tự hào, nếu chỉ tung chiêu trò câu khách rẻ tiền bằng mọi giá, để mất đi sự nghiêm cẩn tử tế và bản sắc nghệ thuật?
Liệu sau những màn “mãi võ Sơn đông” khai thác tràn lan đề tài âm dương, đồng tính, cười nhảm...; tính hấp dẫn của sân khấu còn lại gì, ngoài sự bội thực chán ngán của người xem?
Cần thay đổi khái niệm bao cấp sân khấu theo kiểu cào bằng, không khuyến khích sáng tạo, không có tác phẩm nổi bật, rồi hắt đẩy ra đường các đoàn sân khấu xã hội hóa.
Càng không thể rũ bỏ, xóa bao cấp cái xoẹt, mà phải thay bằng cụm từ Nhà nước tài trợ nghệ thuật. Đây không phải cách chơi chữ, mà là sự thay đổi cả một tư duy quản lý. Gần như không có nước phát triển nào trên thế giới mà nhà nước bỏ vai trò tài trợ nghệ thuật, được coi như bộ mặt văn hóa của một quốc gia.
Vấn đề là tài trợ và huy động nhiều nguồn lực xã hội tài trợ cho sân khấu thế nào để phát huy giá trị sáng tạo nghệ thuật, chứ không phải để “nuôi cơm” bộ máy công chức nghệ thuật hoạt động kém hiệu quả?
Một số giải pháp
1. Cần sớm rà soát tổng đầu tư ngân sách cho sân khấu thành phố hằng năm (như việc trả lương, tiền đầu tư dựng vở, chi cho các liên hoan hội diễn, mở các trại sáng tác...). Nếu khái toán đủ số tiền này chắc cũng lên đến nhiều tỷ đồng?
Cung cách quản lý giỏi, như người nghèo phải biết chi tiêu hợp lý, đúng mục đích, tránh hoang phí quăng tiền ra cửa sổ. Nên chăng, thay vì duy trì các đơn vị đoàn nhà nước ì ạch, thường xuyên trắng tay “thua lỗ” về hiệu quả nghệ thuật, cũng nên thoái vốn đầu tư nhà nước, xã hội hóa các đơn vị này như trong kinh tế?
Vấn đề là tính toán làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, vốn từng được hưởng lương nhà nước.
2. Điều cần làm ngay lúc này là đầu tư để có tác phẩm nghệ thuật (đúng theo tinh thần chỉ đạo của Nhà nước về việc xây dựng tác phẩm đỉnh cao) chứ không phải như một anh thừa tiền thích rong chơi tung tẩy trước thực trạng sân khấu còn đầy rẫy khó khăn, đang rất cần tiền “cứu đói”...
Đồng tiền tài trợ của Nhà nước phải cho ra thành phẩm nghệ thuật phục vụ xã hội: vở diễn sân khấu. Tất cả đơn vị hoạt động nghệ thuật có tư cách pháp nhân về biểu diễn (xin nhấn mạnh cả các sân khấu tư nhân) đều có thể nhận tiền tài trợ, thông qua hình thức cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, lập đề án khả thi phát triển sân khấu.
Căn cứ vào đó cơ quan quản lý nhà nước lên kế hoạch đầu tư, tài trợ. Bên cạnh việc đầu tư là các hình thức chế tài với những đơn vị từng nhận tài trợ, nhưng không làm đúng mục tiêu ban đầu. Có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo để có tác phẩm tốt.
3. Không đầu tư tổ chức các cuộc thi kịch bản văn học, trại sáng tác... theo mô hình rất xưa cũ, vốn không tạo ra được tác phẩm thật sự có giá trị, gắn với đời sống sân khấu.
Sân khấu là loại hình tổng hợp nhiều bộ môn nghệ thuật, tất cả đều đóng vai trò quan trọng như nhau và nhà hát giống như một nhà máy chế tác ra thành phẩm.
Chính vì vậy, chủ thể quyết định đời sống sân khấu, tạo ra tác phẩm chính là các đơn vị nghệ thuật và môi trường tự do sáng tạo. Một khi chọn đúng hướng đầu tư thì như một quy luật tất yếu, chính các đơn vị này sẽ tự đầu tư, săn tìm “nguyên liệu” đầu vào phù hợp với tiêu chí, phong cách nghệ thuật của từng nhà hát.
Đó là kịch bản văn học, đạo diễn, diễn viên... Không ít người lầm tưởng rằng sân khấu phát triển được hay không là do kịch bản văn học. Cần có cái nhìn đúng mới có thể lên kế hoạch đầu tư đúng hướng, hiệu quả.
Nên chăng, chỉ tổ chức mở trại sáng tác cho những người viết trẻ, với một cách làm khác, gắn chặt với thực tiễn, yêu cầu của đời sống sân khấu?
Thay lời kết
Đời sống sân khấu hôm nay còn quá nhiều vấn đề bề bộn phải làm, để có thể... quay về với hào quang quá khứ. Nhưng nếu chỉ riêng việc nhà quản lý chọn phương thức đầu tư khoa học, có định hướng rõ ràng thì với nguồn chi ngân sách (không cần phát sinh thêm) dành cho việc xây dựng tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, hằng năm sân khấu thành phố sẽ từng bước thay đổi diện mạo và phát triển mạnh mẽ.
Không nên duy lý một chiều trách giới nghệ sĩ và các ngôi sao mê mẩn “bước theo chồng bỏ cuộc chơi” khi chính sân khấu không còn nhiều hấp dẫn với họ.
Người nghệ sĩ, ngoài nhu cầu chạy sô kiếm sống, luôn âm thầm le lói khát vọng được sống với nghề, được vỡ òa thăng hoa cảm xúc khi đứng trên thánh đường sân khấu. Tôi tin họ sẽ quay trở lại mái nhà xưa, nếu có một thánh đường, không chỉ người làm nghệ thuật tạo dựng được ra, dù đó là ước mơ trong mỗi con người sống cho nghệ thuật.
Việc cùng chung tay xây dựng một nền sân khấu, phải chăng không phải là điều hoang tưởng?...
Không mạnh dạn không có được cái mới
“Khán giả mỗi ngày mỗi thay đổi. Khi khán giả thay đổi mà sân khấu chưa thay đổi thì dẫn đến xu hướng khó khăn” - đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ.
- Để vực dậy sân khấu thì cái khó nhất của ta ở đây là cái gì, thưa ông?
- Khó nhất vẫn là khâu kịch bản và đạo diễn. Với kịch bản, mặc dù chúng ta có những trại sáng tác, nhưng đó chỉ là đi để mở mang tầm nhìn thôi. Còn kịch bản hay thì vẫn khó. Trong khi các diễn viên thì cần nhân vật, đạo diễn thì cần câu chuyện... chứ họ không thể tự viết được.
Còn ở khâu đạo diễn thì thế hệ chúng tôi già rồi, chỉ còn lại chút kinh nghiệm thôi. Nhưng tôi thấy các đạo diễn trẻ khi làm thì cứ sợ chỗ này, chỗ kia. Họ cần nên mạnh dạn lên. Dù mọi người có thể khó chịu một chút, bực bội một chút nhưng nếu không mạnh dạn thì không thể nào có cái mới được.
Điều này cần phải được định hướng ngay từ trong nhà trường, trong lý luận phê bình và cả giới truyền thông. Nên ủng hộ xu hướng này, còn nếu không thì không thể giải quyết được.
Sân khấu xã hội hóa tất nhiên phải lấy thị trường làm thước đo chính. Nhưng nếu chỉ chiều theo thị trường thì không thể nào tìm ra cái mới. Phải có sự tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật để cân bằng. Nước ngoài có những sân khấu chuyên thể nghiệm.
Họ không cần diễn nhiều đâu, chỉ vài chục suất là đủ. Nhưng họ bán vé cao, bán vé ngay cả những buổi tập, chỉ cần một buổi tập được bán vé thì không khí sẽ khác ngay.
- Đúng là sự phát triển của sân khấu bền vững phải được cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường. Nhưng liệu một sân khấu tìm tòi như ông nói có thể có được không? Ai sẽ làm sân khấu đó?
- Tôi nghĩ Hội Sân khấu có thể làm sân khấu đó. Hội có không gian, có con người... Những năm trước đây hội là nơi ra vào tấp nập, anh em nghệ sĩ bàn chuyện, trao đổi nghệ thuật sôi nổi.
Cần có một không gian như vậy để tìm tòi cái mới ló ra. Nhưng giờ đây thì hội quanh năm đóng cửa im ỉm. Thử hỏi sân khấu làm sao sôi nổi được, trong khi Hội Sân khấu đóng cửa im ỉm như thế.
- Trở lại các sân khấu xã hội hóa TP.HCM, từ lúc hình thành đã luôn năng động để tiếp cận, thu hút khán giả đến rạp. Ông có nghĩ rằng ưu điểm đó vẫn sẽ được phát huy để giải quyết những khó khăn này không?
- Tôi nghĩ điều đó vẫn đang phát huy, nhưng có khi chưa đến điểm rơi. Không biết tôi nghĩ điều này có đúng không, chứ khán giả bây giờ cũng ngại đến những sân khấu nhỏ bé, cũ kỹ, hay phải leo tuốt lên lầu cao... lắm rồi. Họ cần những sân khấu sang trọng, phải ngạc nhiên từ phòng vé, từ sảnh chờ đến khán phòng.
Hãy nhìn những rạp phim bây giờ xem, họ đã hiện đại bao nhiêu. Còn sân khấu ta có nơi còn không có chỗ để xe. Thử hỏi nếu khán giả đến với 50 chiếc ôtô thì sẽ đỗ ở đâu? Những điều đó phải tính đến.