Thông tin do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cung cấp. Bệnh nhân là N.N.H. (30 tuổi, ngụ TP.HCM), mang thai tuần thứ 34. Trước đó, trong lúc dùng bữa tối, sản phụ H. đột ngột méo và tê mặt, nuốt sặc, yếu liệt nửa người rồi hôn mê sâu.
Tại khoa Cấp cứu, sản phụ được chẩn đoán xuất huyết giai đoạn cấp ở mặt sau bán phần trái cuống não dẫn đến đột quỵ.
Thạc sĩ Đặng Lê Phương, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đây là tình trạng dị dạng mạch máu dạng hang rất hiếm gặp, phần thân não của sản phụ bị tổn hại, xuất huyết nặng dẫn đến hôn mê, ảnh hưởng lớn đến hệ hô hấp và tuần hoàn.
Sau khi mổ sinh con thành công, sản phụ được can thiệp dị dạng mạch não. Ảnh: Nam Phương. |
“Trường hợp này vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, vì đường dẫn truyền cảm giác và vận động đi ngang vùng thân não này, việc phẫu thuật cho người bệnh đòi hỏi kỹ thuật và sự cẩn trọng cao vì nguy cơ liệt hoặc mất cảm giác sau mổ”, bác sĩ Phương nói.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, xác định tình trạng sản phụ có thể diễn tiến nặng bất cứ lúc nào, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để cứu con trước.
“Ê-kíp Sản khoa, Gây mê hồi sức và Sơ sinh nhanh chóng chuẩn bị và mổ bắt con cho sản phụ. Trong khi đó, các bác sĩ Ngoại Thần kinh sẵn sàng ngay bên cạnh phòng mổ để có thể kịp thời can thiệp trong trường hợp tình trạng sản phụ chuyển biến xấu. Khi bé cất tiếng khóc chào đời, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm”, thạc sĩ Phạm Thị Loan, khoa Phụ sản, người trực tiếp mổ bắt con cho sản phụ, kể lại.
Bé nặng 2,2 kg chào đời, do sinh non tháng, phổi chưa trưởng thành nên trẻ được hồi sức, sau đó chuyển đến chăm sóc tại khoa Sơ sinh. Cuộc mổ sinh diễn ra thành công sau 30 phút, sản phụ không bị mất máu nhiều.
Ngay sau cuộc mổ bắt con, sản phụ được chuyển đến Đơn vị Hồi sức Ngoại Thần kinh để ổn định huyết áp, thở máy và theo dõi diễn tiến sức khỏe, chuẩn bị phẫu thuật lấy dị dạng mạch máu.
Sau 6 ngày, người bệnh có thể tự thở, tình trạng sức khỏe ổn định, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Với kỹ thuật theo dõi điện sinh lý thần kinh trong mổ, đường dẫn truyền cảm giác và vận động của người bệnh được theo dõi liên tục. Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau 7 ngày, sức khỏe của cả mẹ và bé đều ổn định.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết dị dạng mạch máu ở vị trí thân não rất hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 1/3.000.
Bệnh không có nguyên nhân cụ thể. Vì vậy, thai phụ nên khám sức khỏe tổng quát và khám thai định kỳ. Ngay khi có các dấu hiệu như giảm tri giác, động kinh, đột ngột nhìn đôi, giảm thị lực, méo mặt, nuốt sặc, tê yếu chi hoặc đau đầu đột ngột dữ dội, người bệnh cần đến các bệnh viện gần nhất để được cấp cứu. Đây là các triệu chứng của đột quỵ, nếu không can thiệp và xử lý kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề.