Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ngày 17/5 cho biết các bác sĩ khoa Phụ sản đã mổ lấy thai nhi nặng tới 5 kg cho phụ nữ sinh lần hai. Đây là bé sơ sinh có trọng lượng hiếm gặp được sinh ra tại đây.
Trước đó, thai phụ 33 tuổi (Yết Kiêu, Hạ Long) nhập viện để theo dõi và chờ đến ngày sinh mổ theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua kết quả thăm khám, xét nghiệm và siêu âm kiểm tra trước sinh, các bác sĩ đánh giá thai nhi to, trọng lượng lớn hơn mức bình thường, tử cung có cơn co chuyển dạ nên lập tức mổ cấp cứu.
Kíp bác sĩ khoa Phụ sản mổ lấy thai bằng đường rạch ở bụng. Bé trai chào đời an toàn với cân nặng 5 kg, khiến cả mẹ lẫn kíp phẫu thuật bất ngờ.
Bé trai sơ sinh bụ bẫm với cân nặng hơn 5 kg. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Phụ sản, cho biết: "Khi siêu âm, bác sĩ đánh giá thai nhi nặng khoảng 4,2 kg. Hiện bé khỏe mạnh, bú tốt, không phát hiện bệnh lý bất thường. Đây là trường hợp hiếm gặp, rất lâu rồi bệnh viện mới chào đón em bé sơ sinh có cân nặng lớn như vậy".
Theo bác sĩ Tuấn, sản phụ có thai nhi to bất thường như chị L., tử cung có thể bị giãn căng quá mức, phải theo dõi chặt chẽ tình trạng của mẹ. Việc điều trị dự phòng tốt sẽ giúp hạn chế những nguy cơ cấp tính có thể xảy ra, hạn chế rủi ro cho sản phụ và thai nhi.
Cân nặng bình thường ở trẻ sơ sinh khoảng 2,8-3,5 kg. Mức cân nặng trên 4 kg đã được đánh giá là thai to, cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi thường xuyên. Trẻ sơ sinh có cân nặng 5 kg, tương đương trọng lượng 2-3 tháng tuổi.
“Những trẻ sơ sinh có cân nặng lớn cần phải theo dõi sát sao, nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh cao. Khi ở trong bụng, mạch máu cung cấp cho thai nhi tốt, nhưng khi bé sinh ra nhu cầu năng lượng nhiều hơn, khả năng bú chưa đạt có thể khiến bé bị hạ đường huyết, gây ảnh hưởng sức khỏe”, bác sĩ Tuấn nói.
Theo sản phụ L., lần sinh mổ thứ nhất, cân nặng của chị tăng đáng kể nhưng em bé ra đời chỉ nặng 3,5 kg. Quá trình mang bầu bé thứ 2, chị L. ăn chủ yếu trái cây và các loại ngũ cốc bổ dưỡng, cân nặng cả thai kỳ tăng 11 kg.