Bác sĩ đang kiểm tra tình hình sức khỏe của sản phụ. Ảnh: BVCC. |
Theo khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), sản phụ là chị N.T.L. (22 tuổi) nhập viện ở tuần thai thứ 38.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết chị L. bị phù to toàn thân, huyết áp cao 150/100 mmHg, xét nghiệm protein trong nước tiểu cao và siêu âm thai ước tính khoảng 3,2 kg. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc bệnh tiền sản giật và chỉ định điều trị hạ huyết áp.
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Thị Hải Hường, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, thông tin: “Tiền sản giật là căn bệnh rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Nó có thể để lại những biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh này có thể gặp ở bất kỳ thai phụ nào".
Ngay khi những chỉ số sức khỏe ở ngưỡng cho phép, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, lấy thai chủ động cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bé gái chào đời an toàn.
Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của mẹ và em bé ổn định. Cả 2 mẹ con tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện.
Bác sĩ Hải Thường cho biết thêm ở một số sản phụ, tiền sản giật có thể xuất hiện và tiến triển âm thầm nhưng không có biểu hiện rõ ràng.
Vì vậy, vị chuyên gia khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu theo chỉ định của bác sĩ sản khoa. Việc phát hiện và điều trị sớm tiền sản giật sẽ giúp tránh được những biến cố đáng tiếc xảy ra với mẹ và bé.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.