Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kđăm đã chỉ ra 5 điểm mà theo bà là sai lầm về phong tục tập quán của Tây Nguyên.
Đoạn văn tập đọc có nhiều chi tiết được dư luận cho rằng chưa chính xác. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Chưa đúng hay thiếu chính xác?
Trước hết, đoạn văn tập đọc “Hội đua voi ở Tây Nguyên” đã mô tả trường đua voi dài hơn năm cây số. Tuy nhiên, văn hóa Tây Nguyên hoàn toàn không có trường đua voi.
Chi tiết “chiêng khua trống đánh vang lừng” cũng được cho là không có thực trong hội đua voi.
“Voi đua từng tốp mười con dàn hàng ở nơi xuất phát” cũng là chi tiết bà Linh Nga Niê Kđăm cho rằng không xác đáng. Voi không đua 10 con/lần mà chia nhiều đợt, mỗi đợt từ 3-4 con. Đua xong đợt này, sẽ chọn con thắng để đua tiếp với nhau.
Từ “chàng man-gát” cũng được cho rằng nên thay thành “nài voi” (người điều khiển voi) để HS lớp 3 dễ hiểu hơn.
Về trang phục người đua voi, văn bản SGK viết “Người ngồi phía cổ có vuông vải đỏ thắm ở ngực. Người ngồi trên lưng mặc áo xanh da trời”. Chi tiết này được cho rằng ngày xưa người đua voi chỉ đóng khố cởi trần. Ngày nay tổ chức thành hội nên yêu cầu người điều khiển voi mặc đồ thổ cẩm. Người đua voi không có trang phục màu sắc như mô tả của đoạn văn.
Chưa đúng hay thiếu chính xác tới đâu với những chi tiết trong đoạn văn tập đọc trên vẫn cần nhiều hơn nữa phân tích, ý kiến của các chuyên gia văn hóa, giáo dục.
Đặc biệt là phản hồi sớm từ tác giả đoạn văn, chủ biên SGK và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách Tiếng Việt lớp 3. |
Chủ động thay thế ngữ liệu khi dạy học
Cô H Tú Bya - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Y Jút, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk - trao đổi: Chi tiết “Trường đua voi dài năm cây số…” chưa sát với thực tế lễ hội đua voi diễn ra tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) thường tổ chức. Tại Buôn Đôn, đua voi được tổ chức tại khu đất trống chứ không có trường đua nào dài tới vài km.
Tuy nhiên, những chi tiết về trang phục người điều khiển voi, chiêng trống nổi lên trong quá trình đua voi được miêu tả trong bài sai hay đúng, hoặc chưa phù hợp, cô H Tú Bya lại tỏ ra phân vân bởi các chi tiết trong lễ hội đua voi hiện nay được tổ chức không giống nhau. Có nơi, người điều khiển voi mặc trang phục màu sắc, có nơi lại đóng khố…
Việc chiêng trống khua lên trong hội đua cũng ở mức độ khác nhau tùy theo sự cổ động nồng nhiệt của ban tổ chức và người xem. Chiêng trống được khua lên khi voi xuất phát nhằm mục đích đánh động người điều khiển voi, thúc giục voi chạy nhanh hơn, đặc biệt với những chú voi có sức khỏe yếu sẽ thúc đẩy để bắt nhịp cuộc đua nhanh hơn…
Cô H Tú Bya cho biết: GV bản địa, hiểu truyền thống, văn hóa có thể nhận ra những chi tiết chưa phù hợp tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn cho HS đọc theo văn bản gốc. Nhưng sau bài đọc, GV thường thay thế, giải thích bằng ngữ liệu phù hợp hơn với văn hóa, truyền thống địa phương. Đến nay cơ bản HS của trường vẫn hiểu đúng về lễ hội đua voi truyền thống theo phong tục Đắk Lắk.
Phần chú thích một số từ ngữ trong trong đoạn tập đọc. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Cô Nguyễn Thị Thanh Loan - Tổ trưởng khối 3 trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) - bày tỏ quan điểm: Đây là bài tập đọc hay trong SGK lớp 3, bởi nó cho thấy tính văn hóa, truyền thống vùng đất Tây Nguyên; đồng thời thể hiện mong muốn truyền đến thế hệ trẻ tình yêu Tây Nguyên của tác giả.
“Có thể đoạn văn được viết 'bay' hơn theo lăng kính văn học. Điều đó khiến văn bản chưa sát và đúng hoàn toàn với thực tế nhưng đôi khi quá chân thực lại khó hấp dẫn HS…”, cô Loan phân trần
Mặt khác, với một số từ ngữ văn học được sử dụng trong đoạn văn đã được chú thích đầy đủ sẽ giúp học sinh hiểu được ý nghĩa như: Trường đua (nơi diễn ra cuộc đua); Chiêng: nhạc cụ bằng đồng, hình tròn, đánh bằng dùi, âm thanh vang dội; Man-gát: Người điều khiển voi (cách gọi của đồng bào Tây Nguyên)…
Trong thực tế dạy học, GV luôn yêu cầu HS đọc chú thích và đưa kèm hình ảnh giúp HS có thể hình dung dễ dàng hơn. Như vậy với HS lớp 3 không khó khăn để hình dung được lễ hội đua voi Tây Nguyên.
Theo cô Loan, vấn đề khắc phục ngữ liệu chưa chính xác, phù hợp với thực tế, không khó bởi GV có thể chủ động thay thế bằng ngữ liệu phù hợp khác.
Thậm chí trong quá trình nghiên cứu văn bản đã thay thế, nếu GV thấy không ổn có thể trao đổi cùng tổ chuyên môn, Ban giám hiệu để cùng tìm giải pháp phù hợp nhất. Với bài đọc này vẫn có thể dùng để HS đọc, GV chỉ cần thay ngữ liệu sát hợp với văn hóa vùng miền.
Đoạn văn tập đọc nằm trong tập 2, sách giáo khoa Tiếng Việt 3. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Cô Phí Thị Tố Quyên, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phom Hán (thành phố Lào Cai) - cũng chia sẻ: Với GV ngoài Bắc, không nằm trong vùng không gian văn hóa Tây Nguyên, chưa được đi thực tế thì không thể biết những chi tiết đó đã xác thực hay chưa? Chính vì vậy, khi dạy học, GV vẫn căn cứ theo văn bản gốc SGK để hướng dẫn HS. Nhưng sau phần đọc sách có phần chú thích từ ngữ, HS có thể hiểu cơ bản tinh thần văn bản và không bị quá ảnh hưởng về nhận thức.
Theo cô Tố Quyên, những ý kiến phản hồi về chi tiết không chính xác trong SGK Tiếng Việt 3 bài tập đọc “Hội đua voi ở Tây Nguyên” cần sớm thẩm định từ các nhà văn hóa, giáo dục. Khi có văn bản chính thức chỉ đạo của các cấp thẩm quyền về cách khắc phục (nếu có lỗi) thì GV sẽ tìm ngữ liệu khác thay đổi. Thời gian tới, trong sinh hoạt chuyên môn sẽ đưa vấn đề trên ra phân tích bàn bạc và tìm giải pháp phù hợp.
Cô Phí Thị Tố Quyên khẳng định: Việc thay đổi ngữ liệu không khó khăn. Trong quá trình dạy học GV vẫn phát hiện ra tình tiết không hợp lý, chưa sát thực… và đã phát huy quyền tự chủ, linh hoạt sáng tạo để thay thế cho phù hợp.
Với bài tập đọc trên, GV có thể thay thế bằng một văn bản khác cũng liên quan đến lễ hội truyền thống địa phương, đất nước.
Với HS Lào Cai, GV có thể thay thế bằng lễ hội đua ngựa tổ chức hàng năm tại huyện Bắc Hà. Miễn làm sao đảm bảo được mục tiêu HS được tìm hiểu được lễ hội và phong tục tập quán...
Ông Đỗ Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Buôn Đôn (Đắk Lắk) - cũng khẳng định: Tại Đắk Lắc chỉ có bãi đua voi chứ không có trường đua. Trung tâm lễ hội Bản Đôn là nơi tổ chức đua voi trên bãi đất trống với chiều dài tối đa khoảng 400m. Những chi tiết trang phục của người đua voi có khi đóng khố, hoặc quần áo trang phục màu sắc khác nhau tùy theo từng cuộc đua.
Ông Đỗ Ngọc Anh cho rằng, với HS đã sinh ra và lớn lên ở vùng văn hóa Tây Nguyên, có sự hiểu biết, được thực tế xem và trải nghiệm lễ hội đua voi thì chắc chắn trong quá trình dạy học GV phải thay thế ngữ liệu chưa phù hợp. Việc điều chỉnh này, GV hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt, miễn sao phù hợp và giúp HS hiểu đúng và sát nhất về lễ hội đua voi diễn ra tại địa phương.