Ước mơ về những chiếc ôtô giá rẻ, thương hiệu Việt lại được thắp lên sau khi VinGroup công bố dự án sản xuất ôtô Vinfast. Tuy nhiên, theo lộ trình được vạch sẵn, ôtô là câu chuyện của 2 năm nữa. Trước mắt, Vinfast sẽ sản xuất và cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm xe máy điện.
Đây được xem là tính toán khôn ngoan với khả năng thành công cao, bởi tuy xe máy điện không phải loại hình phương tiện mới mẻ tại Việt Nam, thị trường vẫn đang thiếu một thương hiệu có quy mô và uy tín thực sự lớn.
VinGroup khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô tại Hải Phòng ngày 2/9. |
Thị trường còn nhiều đất trống
Thị trường xe điện phát triển mạnh tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Xe đạp điện, xe máy điện xuất hiện nhan nhản trên đường. Sự tăng trưởng của xe điện khiến người ta liên tưởng đến cuộc đổ bộ của những chiếc xe máy Trung Quốc vào Việt Nam hồi cuối thập niên 90 thế kỷ trước.
Theo số liệu từ công ty xe điện Pega, năm 2013, số xe điện tại Việt Nam là khoảng 150.000 xe. Đến năm 2015, con số này đã đạt khoảng 500.000 xe. Không chỉ phổ biến tại các thành phố lớn, xe điện cũng đã dần len lỏi về các tỉnh thành trên cả nước.
Đối tượng sử dụng dòng xe này khá đa dạng, chủ yếu là học sinh, sinh viên nhưng cũng có không ít khách hàng là người đã đi làm. Mặc dù vậy, các sản phẩm xe điện tại Việt Nam khiến người dùng như rơi vào ma trận, bởi kiểu dáng na ná nhau, chỉ khác về thương hiệu.
Xét về quy mô đầu tư bài bản, hiện tại chỉ có Pega tạo nên sự tin tưởng nhất định. Doanh nghiệp Việt này đã đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp với quy mô hơn 100 tỷ tại Bắc Giang, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước để nội địa hóa sản phẩm của mình. Pega tự chủ được thiết kế, khuôn đúc cho nhiều chi tiết trên xe và giao cho các đối tác trong nước sản xuất. Đây là cách một số liên doanh xe máy truyền thống cũng đang áp dụng.
Đây có thể coi là đối thủ nội địa đáng chú ý nhất của Vinfast ở mảng xe máy điện, bởi các sản phẩm khác trên thị trường hầu hết có xuất xứ Trung Quốc. Mức độ cạnh tranh không lớn, bản thân sản phẩm có những lợi thế nhất định như không giới hạn độ tuổi sử dụng, chưa có quy định về việc phải có bằng lái... là những tiền đề thuận lợi cho Vinfast khi bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới.
'Thuốc thử' ban đầu chi phí không cao
Nhìn vào mô hình của Pega, mức đầu tư khoảng 4,4 triệu USD không phải quá lớn so với số vốn mà Vinfast dự định đổ vào tổ hợp sản xuất của mình. Tiền có lẽ không phải vấn đề với một tập đoàn tầm cỡ như VinGroup. Tuy nhiên việc cho ra đời sản phẩm trong 12 tháng tới lại phụ thuộc vào một số yếu tố khác.
Để có được sản phẩm xe điện đầu tiên như dự kiến, có lẽ toàn bộ các công đoạn phát triển đã được Vinfast thực hiện xong xuôi, từ thiết kế kiểu dáng, lựa chọn đối tác sản xuất, đối tác cung cấp linh kiện... Công việc còn lại của thương hiệu mới này chỉ là xây dựng hoàn thiện nhà xưởng và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Những bộ phận quan trọng của chiếc xe điện như động cơ và pin nhiều khả năng sẽ được nhập từ các hãng lớn trên thế giới. Việc hợp tác với Bosch có thể giúp Vinfast giải quyết khâu công nghệ, động cơ, bởi đây là một trong những công ty hàng đầu về giải pháp xe điện trên thế giới.
Doanh nghiệp của Đức dự tính sẽ đặt nhà máy sản xuất động cơ điện ngay tại Việt Nam, nếu doanh số của hãng này đạt từ 300.000 xe/năm trở lên. Việc không phải phát triển công nghệ động cơ và công nghệ pin sẽ giúp Vinfast tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như thời gian thực hiện dự án.
Do đó, việc ra mắt xe điện trong 12 tháng tới hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đây sẽ là sản phẩm giúp Vinfast thể hiện cam kết nói là làm, đồng thời cũng để đánh giá mức độ đón nhận của người Việt đối với đứa con tinh thần đầu tiên của doanh nghiệp.
Sản phẩm có thể thành công, có thể thất bại nhưng nếu thất bại, khoản học phí mà VinGroup phải trả khi bước chân vào lĩnh vực mới cũng rẻ hơn rất nhiều so với việc sản xuất ngay một mẫu ôtô.