Bằng sự hài hước, nhiệt tình, tiểu thương lấy lòng du khách dù ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Ảnh: Linh Huỳnh. |
“Du khách bỏ tiền ra mua đó là mua sự đáng yêu, cái cách phục vụ của người bán chứ chưa hẳn vì người ta có nhu cầu người ta cần món đồ đó. Dù bán được hàng hay không tôi vẫn vui vẻ, niềm nở hỗ trợ khách dù vốn tiếng Anh khá hạn chế”, chị Phương Dinh (35 tuổi) chia sẻ.
Chị cho biết những người bán hàng như mình cũng là một người đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, vì vậy thái độ và cách ứng xử rất quan trọng.
Nhiệt tình quyết định thành công
Bán mắt kính ở trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) hơn 10 năm qua, chị Phương Dinh mới chuyển sang tiếp quản quầy hàng bán túi xách, quần áo ở chợ Bến Thành được khoảng hơn một tháng.
“Chuyển sang đây đối tượng khách hàng chủ yếu là khách nước ngoài, vì vậy hầu như tôi giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Bất đồng ngôn ngữ nhưng nhờ kinh nghiệm bán hàng lâu năm, tôi cũng khá quen với việc trò chuyện cùng du khách”, chị Dinh nói.
Khi mới bắt đầu trò chuyện với khách, chị cũng như mọi người, thường cảm thấy ngại ngùng vì sợ phát âm không chuẩn, sợ sai. Nhưng để bán hàng, chị tập mời khách bằng những câu từ quen thuộc học được từ mọi người xung quanh.
“Tôi nói tiếng Anh ngang ngang, nghe rất buồn cười, khúc nào không biết tôi lại dùng tay chân diễn tả, miễn sao khách hiểu, khách vui là được”, chị Dinh chia sẻ. Với nụ cười trên môi, chị Dinh nhanh nhảu bắt chuyện, mời khách.
Sau khi dạo vài vòng quanh chợ Bến Thành, bà Jay (du khách Anh) cùng chồng quyết định quay lại sạp hàng của chị Dinh để mua balo: “Giá cả của cô ấy khá tốt so với những gian hàng khác, quan trọng hơn hết là sự nhiệt tình, nhanh nhẹn và thái độ tích cực của người phụ nữ này khiến chúng tôi rất thích”, Jay bày tỏ.
Chợ Bến Thành là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Với sự đa dạng ngôn ngữ, nhiều du khách sang Việt Nam du lịch nhưng biết khá ít, thậm chí không biết tiếng Anh, khiến các bạn hướng dẫn viên địa phương gặp nhiều trở ngại khi đưa khách đi khám phá thành phố.
Tuyết Trân (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình) hiện là hướng dẫn viên của đơn vị chuyến đưa khách dạo TP.HCM trên xe máy, cho biết có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và nghe nói cơ bản bằng tiếng Trung. Tuy nhiên, có những chuyến tour gặp nhiều du khách nói các ngôn ngữ khác nhau khiến chị khá bối rối.
“Có lần tôi gặp một nhóm khách gồm 4 quốc gia: Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong và Ukaina và họ không thể giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh. Trong suốt chuyến đi, tôi cùng các bạn hướng dẫn viên thay nhau dùng ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ để giao tiếp với khách”, chị Trân kể.
Việc giao tiếp bằng các ứng dụng chuyển ngữ mặc dù hơi cực nhưng luôn hiệu quả. “Có khi nguyên chuyến hành trình kéo dài 4 tiếng đồng hồ mà cả hai bên chỉ trao đổi bằng cách đứa điện thoại qua lại vậy thôi nhưng vẫn hiểu ý và vui vẻ. Chỉ cần mình nhiệt tình dịch cho khách hiểu, khách vẫn sẽ cảm thấy thích dù đôi chút bất tiện”, Tuyết Trân chia sẻ.
Ngọc Di dành phần lớn thời gian để cải thiện ngoại ngữ, phục vụ cho công việc hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Tương tự, Trần Ngọc Di (ngụ quận 5), hướng dẫn viên chuyên dắt khách khám phá foodtour ở Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Tôi làm ở đây được hơn 6 tháng, gặp được nhiều đối tượng du khách nói nhiều thứ tiếng khác nhau, thậm chí có một số khách nói tiếng Anh nhưng rất khó nghe. Những lúc như vậy tôi sẽ đoán chữ trong ngữ cảnh để nắm được ý khách, dùng Google dịch hoặc lái sang chủ đề khác mà mình nắm rõ hơn, miễn sao khách vui là được”.
Ngọc Di cho biết, chủ yếu trong các chuyến đi chị nhiệt tình chăm sóc, quan tâm, ân cần hướng dẫn và hỗ trợ khách là được, còn những bất đồng về ngôn ngữ đều được giải quyết thông qua ứng dụng chuyển ngữ.
Không ngừng cải thiện năng lực ngoại ngữ
Ở môi trường du lịch, các tiểu thương thường phải tiếp khách nói nhiều ngôn ngữ khác chứ không còn dừng lại ở tiếng Anh. Với những ngôn ngữ không quen, chị Phương Dinh nhanh tay dùng Google dịch để hỗ trợ. “Tôi chỉ chọn những cái điểm nhấn của sản phẩm để học thuộc và trình bày cho khách”.
Ngoài ra làm việc lâu năm giúp chị quen, nghe được nhiều từ phổ thông của tiếng Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… Những lúc rảnh, chị Dinh lại mày mò xem thêm các video dạy ngôn ngữ trên mạng xã hội, học thêm về cách giao tiếp sao cho tự nhiên nhất.
Các tiểu thương ở chợ Bến Thành vốn tiếp xúc với khách quốc tế là chính, vì vậy họ giao tiếp rất tốt, nhiều người có thể mời khách bằng 4-5 ngôn ngữ.
Bán hàng ở ngôi chợ này chợ từ năm 2011, Tuyết Nhung (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) gây ấn tượng với màn mời khách bằng tiếng Anh rất trôi chảy, phát âm khá chuẩn. Ngoài ra, cô còn có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật.
Đặc biệt thích tiếng Anh nên Nhung muốn đi học thêm các khóa giao tiếp ở trung tâm nhưng không có thời gian vì phải làm việc từ 6h sáng đến 19h, 20h tối. “Tôi đành tìm tòi, học hỏi qua các video chia sẻ trên mạng rồi ra chợ thực hành với khách”.
Nhung cho biết em gái mình đã học một khóa tiếng Anh giao tiếp với giá 24 triệu đồng. “Sau khi hoàn thành khóa học, con bé có thể giao tiếp khá tự tin, phát ẩm chuẩn hơn rất nhiều. Hiện tại, em gái tôi đang bán hàng cho một cửa hàng thời trang trong chợ Bến Thành”, chị kể.
Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ đón hàng trăm lượt khách quốc tế đến đây trải nghiệm ẩm thực mỗi tối. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ những năm gần đây đón nhiều du khách quốc tế ghé tham quan, trải nghiệm ẩm thực. Chị Hà cho biết: “Tôi bán chuối nướng ở đây đã lâu, sau này mới mở bán thêm món trứng nướng, rất được lòng thực khách trong và ngoài nước”.
Để phục vụ du khách, chị đổi menu song ngữ Việt Anh cho khách dễ lựa chọn. Ngoài ra, chị và chồng còn tự học thêm tiếng Anh cơ bản để giới thiệu các thành phần trong món ăn cũng như giá cả đến với du khách. “Mới đầu thấy hơi khó, dần dần làm nhiều, nói nhiều nó trở thành phản xạ không cần suy nghĩ nhiều”, chị Hà nói.
Nhằm phục vụ du khách quốc tế, việc cải thiện ngôn ngữ ngày càng được nhiều người quan tâm, chú trọng. Bắt đầu công việc hướng dẫn khách khám phá thành phố được hơn 3 tháng, Tuyết Trân thấy cô rất thích công việc này nên quyết định dành nhiều thời gian ôn luyện tiếng Anh để thi lấy chứng chỉ, mục tiêu lấy được thẻ hướng dẫn viên quốc tế trong năm nay.
Ngoài thời gian buôn bán, chị Hà còn học thêm tiếng Anh từ trên mạng để đón khách Tây. Ảnh: Linh Huỳnh. |
“Mỗi tour tôi được tiếp xúc với những người mới, đến từ nền văn hóa khác nhau, khiến tôi cảm thấy rất hứng thú khi làm việc trong môi trường này dù nhiều khi cũng khá mệt. Tuy nhiên, khi giới thiệu cho du khách những địa điểm tham quan, các món ăn ngon của Việt Nam khiến tôi rất tự hào, quên đi mệt mỏi”, chị Trân chia sẻ. Chị dự định sau khi hoàn thành mục tiêu có được thẻ hướng dẫn viên, chị sẽ tiếp tục học nâng cao về ngôn ngữ Trung.
Còn với Ngọc Di, cô hiện chỉ nhận tour giới hạn để đầu tư thời gian nhiều hơn cho việc học ngoại ngữ.
“Hiện tại buổi sáng tôi đi làm make-up, trưa chiều tôi đi học tiếng Trung, tối đến sẽ dẫn tour ẩm thực. Công việc một ngày của tôi khá nhiều, hầu như không có thời gian cho vui chơi và giải trí nhưng tôi thấy khá ổn vì bản thân đang nỗ lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, Ngọc Di chia sẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, 4, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 844.000 lượt (chiếm 27,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 538.000 lượt, Đài Loan ở vị trí thứ 3 (198.000 lượt), tiếp theo là Mỹ (156.000 lượt).
Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản (107.000 lượt), Australia (97.000 lượt), Malaysia (92.000 lượt), Ấn Độ (79.000 lượt), Campuchia (79.000 lượt), Thái Lan (76.000 lượt).
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.