75 năm qua, từ bà bán hàng nước cho đến anh “xe ôm”, công dân thủ đô hay những người ngoại tỉnh khi có việc liên quan đến an ninh trật tự đều tìm đến ngôi nhà này. Qua nhiều vụ án, cái tên gọi “số 7 Thiền Quang” là nỗi khiếp sợ của các băng nhóm tội phạm.
Những trận đánh huyền thoại
Về chiều dài, phố Thiền Quang tương đối ngắn so với hàng trăm tuyến phố của Hà Nội. Nếu đi bộ từ đầu đến cuối phố chắc cũng chỉ mất vài phút. Ngôi nhà “số 7” nằm trên con phố ấy đã làm nên không biết bao nhiêu chiến tích lẫy lừng của lực lượng cảnh sát hình sự thủ đô trong công cuộc bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Một điều đặc biệt mà bất cứ ai khi đến với Phòng cảnh sát hình sự đều cảm nhận được, đó chính là chất thép trong mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Môi trường này như một lò luyện để mỗi người lính đều được hun đúc. Và khi ra trận, họ trở thành những “khắc tinh” của tội phạm dù đó có là những đối tượng sừng sỏ, nguy hiểm nhất.
Lực lượng CSHS đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội luôn sẵn sàng bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân. |
“Đã là cảnh sát hình sự mà lại là quân của số 7 thì điều đó đồng nghĩa với việc xa nhà đi công tác biền biệt”, đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, nói. Những vụ việc mà quân của “số 7” thụ lý điều tra thì 100% đều là trọng án, có tính chất đặc biệt. Nó cũng tỷ lệ thuận với độ khó và đồng nghĩa với việc từ chỉ huy cho tới từng cán bộ, chiến sỹ đều phải chạy đua với thời gian để làm sáng tỏ vụ việc, truy bắt tội phạm.
Còn nhớ đêm Giao thừa 2018, khi đang trực tại đơn vị, điện thoại của đại tá Nguyễn Bình réo vang. Ở đầu dây bên kia, chỉ huy CAH Sóc Sơn thông báo, một nhà dân trên địa bàn thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ xảy ra cháy lớn, có người tử vong. Ngay trong đêm, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc CATP Hà Nội, cùng với đại tá Bình nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Trong khi mọi người đều nghĩ đây chỉ là một vụ hỏa hoạn đơn thuần thì bằng trực giác của những người làm án hình sự, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng và đại tá Nguyễn Bình lại thống nhất về quan điểm: “Chắc chắn nạn nhân đã bị sát hại trước khi ngọn lửa bùng lên”.
Từ nhận định này, hướng điều tra đã được vạch chi tiết. Các mũi trinh sát nhanh chóng xác minh, bắt giữ được đối tượng gây án chỉ sau vài giờ. Màn kịch đốt nhà để che giấu hành vi giết người man rợ của thủ phạm đã bị lật tẩy.
Những vụ án cướp ngân hàng cũng không phải là hiếm trong những năm qua. Tuy nhiên, việc đối tượng Trần Hữu Trung nổ súng gây án vào đúng thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã có tác động tiêu cực tới dư luận xã hội.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phòng cảnh sát hình sự đã phối hợp với Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an huyện Sóc Sơn và Công an các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh nhanh chóng điều tra, truy bắt nghi phạm.
Kẻ gây án manh động, có vũ khí nóng, từng nhiều năm trốn truy nã, giỏi thay hình đổi dạng. Dù vậy, chỉ sau ít ngày, nghi phạm tên Trung đã bị bắt. Khẩu súng anh ta cất công giấu ở trong rừng cũng được ban chuyên án tìm thấy.
Lan tỏa thương hiệu "số 7”
Việc bắt nhanh nhóm dùng vũ khí cướp ngân hàng ở phố Huỳnh Thúc Kháng vào giữa năm 2020 cũng để lại tiếng vang lớn, được nhân dân, lãnh đạo các cấp biểu dương. Gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ chưa đầy 48 giờ, thủ phạm đã bị bắt, tang vật được thu hồi.
Hay vụ triệt phá ổ nhóm đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng với số tiền lên tới 64.000 tỷ đồng cũng làm nức lòng nhân dân thủ đô và cả nước.
Ngoài ra, hàng loạt chuyên án lớn đấu tranh với tệ nạn khai thác, bảo kê khoáng sản, tín dụng đen, trộm cắp, mua bán cổ vật xuyên quốc gia… cũng được Phòng cảnh sát hình sự khám phá. Tốc độ điều tra án được đẩy rất nhanh, đi cùng với đó là công tác phòng ngừa được đơn vị triển khai có chiều sâu.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc CATP Hà Nội, cùng đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, trong vụ bắt kẻ cướp ngân hàng. |
Ở Phòng cảnh sát hình sự, dường như mỗi trinh sát, mỗi điều tra viên, mỗi vị chỉ huy đều có ít nhất một năng lực đặc biệt. Người thì là chuyên gia chuyên “đọc vị” tâm lý tội phạm, có cán bộ lại là bậc thầy về hỏi cung, có chiến sỹ lại có tài về nhập vai trinh sát, người lại cực giỏi về sử dụng các loại vũ khí…
Nhận ra được năng lực làm việc, sở trường của từng cán bộ, chiến sỹ, lãnh đạo Công an Hà Nội đặt sẽ họ vào từng vị trí cụ thể để phát huy hết khả năng. Chính điều đó đã tạo nên một tập thể Phòng cảnh sát hình sự đoàn kết, thống nhất, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, chủ động, không khoan nhượng với tội phạm.
Nói đến Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội là nhắc tới một đơn vị 3 lần vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, nơi đây còn có 2 cá nhân và 2 tập thể cấp đội được tặng thưởng danh hiệu cao quý nhất này. Trong phòng truyền thống, nhiều cờ thi đua xuất sắc, các tấm huân chương, bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an… được treo ở những nơi trang trọng nhất.
“Mỗi tấm huân chương, bằng khen này đều gắn liền với những thành tích, chiến công vang dội của đơn vị. Và cũng từ cái nôi này, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã trưởng thành. Người là anh hùng, người làm lãnh đạo cao cấp ở các đơn vị khác. Từ một trinh sát trẻ mới ra trường cho đến những điều tra viên kỳ cựu, tất cả cùng chung tay xây dựng nên một thương hiệu “số 7” khắc tinh của tất cả các loại tội phạm trong cuộc chiến bảo vệ cho sự bình yên của nhân dân, cho sự an toàn của thủ đô”, đại tá Nguyễn Bình tâm sự.
Mới nhất, trong hội nghị tổng kết chuyên án của Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng đã nhắc tới thương hiệu “số 7” của Công an TP Hà Nội. Đại tướng khẳng định đây là một “địa chỉ đỏ” trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.
75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng cảnh sát hình sự thủ đô, không thể kể hết được đã có bao nhiêu chuyên án, vụ án, bao nhiêu đối tượng bị đơn vị phát hiện, điều tra, bắt giữ. Chỉ biết rằng, để đem lại được bình yên cho nhân dân phải đánh đổi bằng nhiều đêm dài thức trắng của chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị.
Những chiến công cũng được đánh đổi bằng những tháng ngày xa nhà biền biệt, những giờ phút sum họp gia đình trong ngày lễ Tết thiếu; thậm chí là những mất mát, hy sinh của các liệt sỹ, thương binh...
Vượt lên tất cả, lính “số 7” vẫn sẵn sàng hết mình cho nhiệm vụ và tự hào bởi "màu cờ, sắc áo" của họ luôn được người dân đặt trọn niềm tin.