Bất chấp lời cảnh báo của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga về việc các trường cần giữ danh tiếng của mình bằng cách tránh thông báo chung chung “xét tuyển từ điểm sàn” để được an toàn trong tuyển sinh, khá nhiều trường ĐH thông báo tiêu chí xét tuyển bắt đầu từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT như ĐH Luật, ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghiệp HN…
Trong khi đó nhiều trường tốp trên thông báo ngưỡng khởi điểm là 20 đến 25 điểm nhưng cũng có trường thận trọng do lo ngại thí sinh ảo.
ĐH Y khoa Hà Nội, một trường trong nhiều năm mà điểm chuẩn luôn ở “đỉnh” cao nhất, năm nay dè dặt hơn- không chính thức thông báo điểm xét tuyển.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường này chỉ đưa ra lời khuyên: Trên 20 điểm mới nên nộp HSXT; riêng hệ bác sĩ đa khoa thì từ 25 điểm trở lên. Ông Tú cho biết, ngay cả trường “đỉnh” năm nay cũng không dám dự báo gì bởi nỗi lo thí sinh ảo.
Thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Tiền Phong. |
Để tránh rủi ro cho cả 2 phía, thí sinh và nhà trường, ông Nguyễn Hữu Tú gợi ý: ĐH Y khoa HN có 9 mã ngành có nhu cầu và cơ hội việc làm lớn mà thí sinh có điểm không cao lắm có thể nộp HSXT là bác sĩ y học dự phòng, cử nhân điều dưỡng, cử nhân điều dưỡng chương trình tiên tiến, bác sĩ y học cổ truyền, cử nhân dinh dưỡng; cử nhân kỹ thuật y học, cử nhân y tế công cộng, cử nhân khúc xạ (lần đầu tiên tuyển sinh)... Đây là những ngành mà điểm đầu vào thấp hơn 5-7 điểm so với ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.
ĐH Ngoại thương, một trường tốp trên, có điểm chuẩn bình quân hằng năm 24,0 điểm khối A và 22 điểm khối D năm nay cũng chỉ định điểm xét tuyển 20-22 điểm, tùy theo ngành đào tạo.
Lưu ý gì khi nộp hồ sơ?
Thông tin các trường công bố 3 ngày một lần là thông tin tham khảo, vì các dữ liệu sẽ biến động liên tục. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần căn cứ vào điểm của mình và điểm trúng tuyển của các trường những năm gần đây để chọn trường, chọn ngành phù hợp. Để tăng cơ hội trúng tuyển trong cùng một trường, thí sinh cũng nên chọn một vài ngành để ĐKXT.
Về nguyên tắc, khi muốn rút hồ sơ, thí sinh phải đến trường trực tiếp rút hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người thân rút hộ.
Bộ GD&ĐT không giới hạn số lần rút hồ sơ; tuy nhiên, thí sinh phải lưu ý: thời gian từ khi đăng ký đến khi rút do các trường quy định. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ để đảm bảo sau khi rút hồ sơ ra vẫn còn thời gian nộp vào trường khác.
“Công tác định hướng nghề nghiệp đối với thí sinh hiện nay chưa rõ ràng, các thí sinh vẫn lựa chọn ngành nghề theo bạn bè, cha mẹ hoặc thị hiếu - xã hội, mặc dù 4-5 năm sau có thể xã hội sẽ không có nhu cầu. Vì vậy, trước khi có một cơ quan chiến lược về nhân lực, thí sinh cần tỉnh táo xem xét nhu cầu nhân lực của cả nước, của địa phương,… để có sự lựa chọn nghề nghiệp sáng suốt” - Ông Phạm Minh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Vinh khuyên các thí sinh.
Nhiều trường đại học tại TP HCM xét tuyển bằng điểm sàn
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015, nhiều trường tại TP HCM cũng đã công bố điểm sàn. Theo đó, đa phần các trường đều lấy ở mức 15 điểm cho ĐH và 12 điểm ở CĐ.
Ông Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến cho biết, mức điểm nhận HSXT vào trường là 15 điểm. Theo đó, năm nay, trường tuyển 2.000 chỉ tiêu hệ ĐH và 500 chỉ tiêu hệ CĐ với hai hình thức xét tuyển, theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển theo kết quả học tập THPT.
Hội đồng Tuyển sinh ĐH Công nghệ TP HCM cho biết, mức điểm xét tuyển NV1 vào trường theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia là 15 điểm, áp dụng cho 10 tổ hợp môn xét tuyển, 30 ngành ở trình độ ĐH và 12 điểm đối với 23 ngành CĐ của trường.
Tương tự, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM… cũng công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm ở hệ ĐH và hệ CĐ là 12 điểm.
Trong khi đó, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, trường quyết định điểm sàn tối thiểu để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường là 18 điểm.