Toàn bộ sự việc nhóm thanh niên đánh hội đồng chủ tiệm bánh mì Mỹ Duyên đã được camera gia đình ghi lại đầy đủ.
Theo video, nhóm thanh niên sau khi bị chị Chung - chủ tiệm bánh mì - nhắc nhở vì gây ồn ào khi ẩu đả với một xe khách trước cửa tiệm đã lao vào đánh hội đồng chị Chung.
Một người trong nhóm thanh niên này còn cầm một khẩu súng ngắn chĩa vào chị Chung dọa bắn rồi túm tóc chị kéo ra đường đánh tiếp.
Hiện trường vụ hỗn chiến trước tiệm bánh mì gia đình anh Tuấn. |
Công an TP Vinh xác định khẩu súng được nhóm người sử dụng là súng điện. Căn cứ vào thương tích trên cơ thể chị Chung, đơn vị này đang xem xét xử lý nhóm thanh niên về hành vi gây rối trật tự công cộng do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Sao chỉ phạt hành chính?
Nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc với hình thức xử lý nhóm thanh niên của Công an TP Vinh. Hầu hết bạn đọc rất bức xúc trước hành vi hung hãn, côn đồ, hành hung người dân vô lối của nhóm thanh niên đánh chị Chung.
Bạn Tăng Thiên Hà đặt câu hỏi: “Côn đồ đánh người đến nhập viện như không có pháp luật vậy mà chỉ xử lý hành chính là sao? Đánh người có tổ chức và xâm phạm thân thể công dân mà không xử lý được?”.
“Với hình thức xử lý thế này, tôi nghĩ sẽ còn nhiều, rất nhiều thanh niên, côn đồ đặt pháp luật dưới chân mình” - bạn đọc Vũ Toàn lo lắng.
Anh Nguyễn Hải cho rằng mức xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu cho người trẻ coi thường pháp luật ngày càng nhiều.
“Không lẽ đợi chết người mới xử được nhóm này? Xài súng điện là vi phạm tàng trữ vũ khí công cụ hỗ trợ rồi. Xử nhẹ như vậy thì bảo sao côn đồ không manh động, tha hồ đánh người mà vẫn ung dung như không có gì” - chị Thu Hằng ở Đồng Tháp bức xúc.
Hành vi có tính chất côn đồ cũng có thể khởi tố vụ án
Nhiều bạn đọc cho rằng không chỉ căn cứ vào tỉ lệ thương tật, hành vi có tính chất côn đồ cũng có thể khởi tố vụ án. Trao đổi với TTO, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự, những vụ án về các tội xâm phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
Về phía cơ quan cảnh sát điều tra, cho dù chưa nhận được đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại, tuy nhiên với trách nhiệm của mình, cơ quan này vẫn phải xác minh làm rõ sự việc. Qua xác minh nếu nhận thấy có đủ cơ sở để khởi tố vụ án thì phải ra quyết định khởi tố vụ án.
Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Thứ nhất, xác định tỉ lệ thương tật thông qua quyết định trưng cầu giám định. Nếu tỉ lệ thương tật mà nhóm người gây ra cho chị Mỹ Duyên từ 11% trở lên thì có thể khởi tố vụ án.
Thứ hai, các trường hợp khởi tố không phụ thuộc vào tỉ lệ thương tích cơ bản như: hành vi có tính chất côn đồ (mâu thuẫn bột phát, xem thường pháp luật), hành vi phạm tội có tổ chức (cần điều tra làm rõ là người phạm tội có tổ chức hay chỉ là đồng phạm giản đơn), thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê và dùng hung khí nguy hiểm.
Theo quy định tại nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP thì hung khí nguy hiểm bao gồm cả công cụ hỗ trợ, một số loại công cụ hỗ trợ được quy định như: các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, lade, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.
Ngoài ra trong thực tế, khi nhận định về hung khí nguy hiểm, người thực thi pháp luật có thể căn cứ vào tính chất, mức độ gây sát thương, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại để xác định hung khí gây án có phải là hung khí nguy hiểm hay không.
Tóm lại, cơ quan điều tra có thể căn cứ vào một trong các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào thì phải khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại.