Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần là quy định đã có từ lâu, tại thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT - BNV, ngày 23/8/2006. Với lại, hiệu trưởng có dạy mới nắm tình hình học sinh sâu sắc, thấu hiểu được công việc giáo viên mình đang làm, những khó khăn họ đang đối mặt...
Đừng biện bạch vì bất kỳ lý do nào, hiệu trưởng mà không đứng lớp thì không nên làm hiệu trưởng.
Giờ chào cờ của học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt. Trường chỉ tổ chức chào cờ 1 buổi/tháng, nhiều thời gian dành cho hiệu trưởng... giảng bài. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nhìn học sinh trong giờ chào cờ tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), có thể thấy các em còn khó khăn. Ấy vậy mà thầy hiệu trưởng Thuận lại đặt ra nhiều khoản thu quá.
Cái sai của thầy hiệu trưởng Thuận thì đã rõ, nhưng sao lại để những chuyện thế này xảy ra trong nhiều năm học? Sự thanh tra, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT phải chăng đã không kịp thời?
Nếu nghiêm khắc, chấn chỉnh kịp thời thì chắc đã không xảy ra tình hình như hiện nay tại trường THPT Võ Văn Kiệt.
Thiết nghĩ cũng cần phân tích thêm, thầy hiệu trưởng Thuận khai khống giờ đứng lớp thì ai duyệt cho thầy? Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, kế toán sao không căn cứ vào những quy định hiện hành trước khi ký duyệt?
Tin chắc, nếu trường thẳng thắn đấu tranh thì thầy hiệu trưởng Thuận không thể tự tung tự tác được. Thiếu kiên quyết đấu tranh, không dám chỉ ra những sai trái, không dám ngăn chặn những hành vi không đúng đó, rõ ràng là có trách nhiệm của những người giúp việc cho thầy hiệu trưởng Thuận.
Lại nữa, có quy định nào mà học sinh chậm đóng tiền thì bị cắt danh hiệu học sinh tiên tiến? Việc khen thưởng được quy định rõ ràng tại thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thông tư này chắc chắn không chỉ hiệu trưởng biết mà tất cả giáo viên đều biết. Vậy tại sao lại để xảy ra chuyện nói trên?
Buồn cho thầy hiệu trưởng Thuận, và chắc chắn đây cũng là sự xấu hổ không chỉ của tập thể thầy cô trường THPT Võ Văn Kiệt, mà cả cho ngành giáo dục phổ thông nữa. Phụ huynh, học sinh sẽ nghĩ gì về hình ảnh người thầy? Một sự vào cuộc thẳng thắn, đồng lòng của tập thể thầy cô giáo, tin chắc không hiệu trưởng nào dám làm sai.
Việc cần làm ngay lúc này là, với những sai phạm đã rõ, cần tạm thời đình chỉ công tác của thầy hiệu trưởng Thuận, giúp thầy có thời gian kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm của mình.
Hiệu trưởng là công chức, thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD&ĐT, vì vậy buổi họp đề xuất hình thức kỷ luật với thầy hiệu trưởng Thuận phải được cấp phó điều hành và có quyết định của Sở GD&ĐT.
Song song với việc này, cần trao đổi rõ tình hình với phụ huynh, học sinh. Nhà trường nhận lỗi và nêu hướng khắc phục. Những khoản thu sai phải hoàn trả ngay cho phụ huynh học sinh. Biết là số tiền này cũng lớn nhưng danh dự, uy tín của nhà trường, của thầy cô còn lớn hơn.
Cần khẩn trương khắc phục những hậu quả do việc làm sai trái của thầy hiệu trưởng Thuận gây ra, tính toán tiếp theo về công tác cán bộ tại nhà trường.
Và hơn thế, là việc ổn định tâm thế, tư tưởng của đội ngũ giáo viên, nhân viên tại trường THPT Võ Văn Kiệt. Đội ngũ này có yên tâm thì mới nói chuyện dạy tốt, học tốt được.