Zing trích dịch bài đăng từ New York Times, đề cập đến hành trình vượt qua nỗi đau của Priscilla Blossom, một người mẹ từng bị sẩy thai năm 27 tuổi.
Khi bước sang tuổi 35, tôi nhen nhóm ý định mang thai một lần nữa. Ký ức về lần đầu tiên con đạp trong bụng cũng như bữa tiệc mừng tôi sắp lâm bồn tràn về.
Tôi khao khát được trở lại giây phút mới làm mẹ một lần nữa: Được chơi trò ú òa với con trong lúc thay tã, ẵm con trong vòng tay để ru ngủ và hít hà mùi thơm của một đứa trẻ sơ sinh.
Nhưng tôi chợt nhớ rằng đó chỉ là một phần nhỏ của cả quá trình làm mẹ. Cách đây 8 năm, ở lần đầu tiên tôi mang bầu, mọi thứ không hề suôn sẻ.
Lần sẩy thai đầu tiên
Ban đầu, tôi bị chảy máu hai lần không rõ nguyên nhân trong giờ làm việc. Về mặt y học, đó được gọi là dấu hiệu “dọa sẩy thai”. Sợ mất con, tôi vội vã đi cấp cứu. Vì rời công ty giữa chừng, tôi lập tức nhận được tin bị sa thải.
Priscilla Blossom vẫn bị ám ảnh từ lần sẩy thai 8 năm trước. Ảnh: New York Times. |
Thất nghiệp khiến tôi mất cả thu nhập lẫn bảo hiểm y tế. Thế nhưng, tôi và bạn trai vẫn kết hôn, sau đó chuyển đến một căn hộ mới có thêm phòng riêng cho trẻ con. Chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thỏa.
Tuy nhiên, tôi bất ngờ chuyển dạ ở tuần thứ 22 và sinh non một bé gái. Chúng tôi đặt tên con là Margaret Hope. Đứa bé rất mỏng manh và nặng chưa đầy 0.5 kg.
Chỉ 8 tiếng sau, Hope qua đời. Tôi thậm chí chưa kịp nhìn mặt con gái khi bé còn sống. Trong nhiều tháng tiếp theo, tôi tìm mọi cách để vượt qua bi kịch này.
Một năm sau đó, tôi lại có bầu. Lần này, tôi đón chào thai nhi mới với trái tim đầy tổn thương. Chấn thương tinh thần từ sự cố sẩy thai khiến thu nhập của vợ chồng tôi ít đi. Vì vậy, chúng tôi rời bỏ căn hộ cũ - nơi đầy ắp ký ức đau buồn - để chuyển về sống cùng bố mẹ.
Bác sĩ sản đánh giá lần mang bầu thứ hai của tôi là “rủi ro cao”. Rất có thể tôi sẽ phải đối mặt với bi kịch tuổi 27 một lần nữa.
Sau hơn 9 tháng nỗ lực và cố gắng, vợ chồng tôi vỡ òa khi đón con trai chào đời. Thằng bé nặng hơn 4 kg và trộm vía khỏe mạnh.
Blossom cùng con trai. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, việc hạ sinh con trai thành công không khiến tôi bớt phiền muộn. Sau lần sẩy thai năm 27 tuổi, tôi mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) và trầm cảm. Tôi luôn cảm thấy như mình bị cướp mất mọi thứ.
Khi mang bầu lần hai, tôi luôn căng thẳng và lo lắng. Tôi không dám đăng tải bất cứ thứ gì liên quan đến chuyện có thai lên mạng xã hội. Trong nhiều tháng, tôi không dám đặt tên hay gọi con bằng cái gì khác ngoài hai chữ “thai nhi”. Tôi sợ bị mất con một lần nữa.
Mãi cho đến khi qua tuần thứ 22, tôi mới bắt đầu sắm đồ cho trẻ sơ sinh. Kể từ đó, mỗi tuần trôi qua đồng nghĩa với việc tỷ lệ sống của cái thai tăng lên, giúp tôi nhẹ nhõm được vài phần.
Ghen tị với mẹ bầu khác
Tôi chứng kiến nhiều bạn bè mang thai rồi sinh con một cách dễ dàng và khỏe mạnh. Cũng có vài người gặp khó khăn, nhưng không ai bị chấn thương tinh thần quá lâu như tôi. Họ chủ yếu lo lắng về việc phối màu sơn tường cho phòng sơ sinh hoặc mường tượng việc đi du lịch cùng em bé sẽ như thế nào.
Tôi vui mừng cho họ - những người được tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian mang thai và may mắn khi rời khỏi bệnh viện mà được bế con trên tay. Thật lòng mà nói, tôi ghen tị với họ vô cùng.
Nhiều phụ nữ từng bị sẩy thai cảm thấy đố kị với những mẹ bầu khác. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, tôi phát hiện ra không chỉ mình tôi "xấu tính" như vậy. Sau lần sẩy thai, tôi tìm được một cộng đồng tuyệt vời dành cho những bà mẹ mất con. Họ cũng bày tỏ những cảm xúc tương tự những gì tôi trải qua.
Đối với những người mẹ mới bị sẩy, họ cảm thấy không thể chịu được khi bắt gặp một em bé hoặc phụ nữ đang mang bầu trong tầm mắt. Một số khác bày tỏ sự thất vọng và phẫn nộ khi nghe một người bạn đang mang thai chia sẻ về các lớp học yoga tiền sản hoặc “khoe mẽ” về vết rạn da.
Để vơi đi nỗi đau, những bà mẹ trong cộng đồng này đều quan niệm rằng cuộc sống đầy rẫy những biến cố và không thể lường trước được việc gì. Đó cũng chính là “sợi chỉ” kết nối giữa chúng tôi.
Rối loạn căng thẳng hậu sản
Theo một nghiên cứu gần đây, những người lần đầu làm mẹ có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Trong đó, 13% mắc PTSD ngay sau khi sinh và khoảng 14% bị rối loạn căng thẳng sau 6 tháng hậu sản.
Carly Snyder, một bác sĩ tâm thần sinh sản, khẳng định dạng PTSD này thường biểu hiện cùng với một số kiểu rối loạn tâm trạng khác như rối loạn lo âu nói chung hoặc rối loạn hoảng sợ.
Nhiều phụ nữ lần đầu làm mẹ mắc chứng PTSD sau khi sinh. Ảnh: Getty Images. |
“Chứng PTSD sau sinh thường bắt nguồn từ chấn thương thể chất hoặc tinh thần trong lúc đẻ”, bác sĩ Snyder cho biết.
Ngay cả khi ca sinh nở diễn ra tốt đẹp về mặt lâm sàng, một số bà mẹ vẫn có thể bị rối loạn tâm thần do quá lo lắng dẫn đến tự suy diễn, hoặc hậu quả chấn thương tâm lý trong quá khứ.
“Câu hỏi ‘Trong hàng nghìn đứa trẻ, tại sao lại là con tôi?’ có thể gây ra cảm giác bất lực và vô cùng tức giận cho các bà mẹ”, bác sĩ Snyder chia sẻ.
Do vậy, sau khi bị sẩy hoặc mang thai rủi ro cao, nhiều bà mẹ đã quyết định không sinh nở thêm lần nào nữa. Họ cũng không mở lòng về những tổn thương trong quá khứ, nhất là trước mặt những người phụ nữ khác đang mang bầu.
Thay vào đó, họ trút bầu tâm sự cho nhau. Họ khóc và gào thét trong đau đớn, đôi khi tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài.
Theo thời gian, mọi chuyện sẽ qua đi. Cuối cùng, những bà mẹ từng mất con sẽ bình phục, thậm chí sẵn lòng đi siêu âm, mua sắm đồ sơ sinh hoặc tổ chức tiệc đón mừng em bé sắp chào đời cùng các mẹ bầu khác.