Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sao Mai điểm hẹn không thể chết được!'

Đạo diễn Huyền Thanh, ca sĩ - giám khảo Tùng Dương và nhà báo Ngô Bá Lục đều khẳng định SMĐH có thể bị thụt lùi nhưng đây là sân chơi nghệ thuật và họ sẽ làm mọi cách để nó không bị biến mất hoàn toàn.

'Sao Mai điểm hẹn không thể chết được!'

Đạo diễn Huyền Thanh, ca sĩ - giám khảo Tùng Dương và nhà báo Ngô Bá Lục đều khẳng định SMĐH có thể bị thụt lùi nhưng đây là sân chơi nghệ thuật và họ sẽ làm mọi cách để nó không bị biến mất hoàn toàn.

>> Hà Anh Tuấn: 'Hy vọng Sao Mai điểm hẹn không bị bức tử'
>> Hàng loạt cuộc thi tìm kiếm tài năng 'chết yểu' vì ế khách
>> Sao Mai điểm hẹn: Ánh hào quang sắp tàn?

Đạo diễn Huyền Thanh: 'Đừng so sánh SMĐH với The Voice hay Idol'

- Có những ý kiến cho rằng các thí sinh SMĐH năm nay chưa thực sự cháy hết mình như những đàn anh, đàn chị từng tham gia cuộc thi năm trước nên chương trình mới nhạt nhòa như thế. Bà nghĩ sao về những nhận xét này?

- Tôi có thể khẳng định hoàn toàn không có chuyện các bạn thí sinh SMĐH không cháy hết mình! Bởi khi đã tham gia một cuộc chơi, không ai là không cháy hết mình, nhất là người nghệ sĩ. Chỉ có điều khán giả chưa cháy hết mình với họ. Chuyện này cũng có nguyên do riêng của nó. Lượng khán giả ở Huế không giống như ở TP.HCM hay Hà Nội. Họ vẫn tới xem rất đông và cổ vũ cũng nhiệt tình lắm nhưng cách sống của người dân Huế bình lặng, an hòa và thong dong, chậm rãi hơn nên cách thể hiện tình cảm của họ không thể sôi nổi, cuồng nhiệt như những nơi khác.

Hơn nữa, nếu được phát sóng trên VTV3 thì SMĐH đã nóng giãy lên từ lâu rồi. Có một nhà báo rất thân thiết và gắn bó với chương trình đã nói với tôi như thế này: "Tại sao chị không làm ở Hà Nội? Chị chỉ cần làm ở ngay cổng đài như năm 2008 thôi thì nhất cử nhất động của chương trình ai chẳng quan tâm. Nhưng chị đi vào cái xứ xa xôi ấy, làm sao bọn tôi theo được?". Khi giới truyền thông không thể đi cùng tôi vào Huế làm chương trình mà chỉ có thể ngồi nhà theo dõi qua TV, cái hạn chế càng nhiều hơn. Nhất là khi kênh phát chính là VTV6, sóng cũng không thực sự tốt về âm thanh, độ phủ sóng lại không tốt, họ rất khó để cảm nhận được cái sung của chương trình, của từng thí sinh.

Đạo diễn Huyền Thanh.

- Thế bà có đánh giá như thế nào về chất lượng của dàn thí sinh góp mặt trong đêm chung kết cuộc thi năm nay?

- Tôi không hề đánh giá thí sinh năm nay chất lượng kém hơn các năm trước. Các bạn ấy đã tập tành, nỗ lực rất nhiều. Không cần nhắc tới top ba được Hội đồng nghệ thuật chọn vào vòng hai gồm Việt Anh, Đông Hùng hay Thanh Tâm, các bạn thí sinh khác rất OK, họ có màu sắc riêng đấy chứ. Và nếu có mặt ở Hà Nội, ở TP.HCM, tôi tin chắc báo chí sẽ quan tâm, khán giả sẽ chú ý tới họ nhiều hơn. Nhưng bây giờ xa xôi cách trở như thế này, mọi người cũng chỉ biết tới các thí sinh của tôi qua TV nên bị hạn chế đủ đường.

Ngay cả bản thân tôi còn không hài lòng với những gì mình làm được ngày hôm qua và luôn cố gắng để hôm nay tốt hơn thì tại sao các bạn tham gia SMĐH lại phải kiềm chế khả năng mình?

Nhiều thí sinh đi qua các cuộc thi Sao Mai hay SMĐH đã thân thiết với nữ đạo diễn này và luôn gọi bà là "u Thanh".

- Tuy nhiên vẫn có người cho rằng vì SMĐH đang ngày càng đậm chất nghệ thuật và mất dần tính giải trí nên mới không thu hút sự chú ý, quan tâm của khán giả?

- Nếu nói như thế tức là họ đã hoàn toàn hiểu sai về bản chất của cuộc thi. Tên ban đầu của SMĐH là "Hậu Sao Mai", cuối cùng chúng tôi đã chọn cái tên này vì muốn nó trở thành điểm hẹn cho các Sao Mai. để tôn vinh những ca sĩ có tài năng trong khu vực nhạc nhẹ. Chúng tôi muốn đào tạo và lăng-xê để đưa họ tới gần với khán giả hơn. Chúng tôi có các chuyên gia về kỹ năng trình diễn, kỹ năng sống... nên có thể đào tạo các nghệ sĩ trẻ thành một ca sĩ thực thụ. Còn lăng-xê chính là việc chúng tôi cho họ cơ hội được đứng trên sân khấu biểu diễn trong từng tuần.

SMĐH không phải là một gameshow hay một trò chơi trên truyền hình. Nó là một chương trình nghệ thuật. Tiêu chí của chúng tôi ngay từ đầu vẫn là để đào tạo và lăng-xê các nghệ sĩ trẻ. Và hai mùa gần đây, SMĐH bắt đầu thay áo mới để cuộc thi gay cấn, hấp dẫn hơn. Cái thay đổi dễ nhận ra nhất là bắt từ chặng hai của cuộc thi, các thí sinh sẽ bị loại theo từng tuần. Trước đó, vào được vòng hai tức là các thí sinh được đứng trên sân khấu suốt 10 tuần. Và sau 10 tuần đó, chúng ta mới có Tùng Dương, Kasim Hoàng  Vũ, Hà Anh Tuấn... Tuy nhiên, bị loại sau 5 tuần đầu không đồng nghĩa với việc họ đã thất bại hay không có tài năng. Cứ nhìn Lưu Hương Giang, Cao Thái Sơn... thì bạn sẽ rõ!

- Điều đó đồng nghĩa với việc không thể so sánh SMĐH với "The Voice" hay "Vietnam Idol"?

- Đúng! Nhiều người vẫn không thể hiểu Sao Mai khác với SMĐH như thế nào, còn SMĐH thì khác The Voice hay Vietnam Idol ở đâu. Nếu đem ra so sánh thì mọi chuyện sẽ trở nên khập khễnh lắm. Tôi tin rằng khi hiểu rõ chương trình thì mọi người sẽ có cái nhìn khác về SMĐH.

Nếu có một bảng thống kê, mọi người sẽ nhìn thấy những đóng góp của SMĐH đối với xã hội và nền âm nhạc Việt Nam hiện tại. Tôi có thể tự hào mà nói rằng trong hầu hết các liveshow ca nhạc bây giờ - từ lớn tới nhỏ, trừ những liveshow của cá nhân một ca sĩ nào đó - thì không có một chương trình nào vắng mặt người trưởng thành từ SMĐH! Đó là điều khiến tôi tự hào nhất, chứ tôi không muốn tự hào bởi việc chương trình mình làm vướng phải scandal, tai tiếng như thế nào. Tôi không muốn chương trình của mình có những điều như thế.

- Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chuyện Vũ Hà Anh bất ngờ xin rút lui trong đêm thi vừa rồi là một chiêu trò để đánh bóng tên tuổi của chương trình...

- Bản thân tôi hoàn toàn không thích sự việc này. Tôi đã khuyên cậu ấy mãi. Chuyện Cao Thái Sơn xin dừng cũng vậy, tôi đã không cho dừng.. Tôi cũng không muốn tiết lộ với báo chí vì không muốn họ nghĩ đây là scandal do BTC gây nên.

Tôi mong bạn cũng như các phóng viên hiểu đúng hơn và có cái nhìn khách quan về SMĐH. Bởi đây là chương trình hiếm hoi thuần Việt còn sót lại trên truyền hình trong khi hầu hết các chương trình khác đã bị xã hội hóa hết rồi. Ngay cả Bài hát Việt hay Bài hát yêu thích mà tôi tham gia cũng đều xã hội hóa đấy thôi. Thế nên hy vọng mọi người cùng hiểu và cùng chia sẻ với những người thực hiện là chúng tôi đã phải vất vả, khó khăn như thế nào khi thực hiện chương trình. Đừng nên có cái nhìn thiếu thiện cảm và hiểu sai về nỗ lực của mọi người!

Tùng Dương: Nếu không thích xem, có thể chuyển kênh

Cũng đưa ra quan điểm giống như đạo diễn Huyền Thanh, nam ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi SMĐH mùa đầu tiên và hiện đang là thành viên HĐNT của cuộc thi chia sẻ rất nhiều quan điểm thú vị trước những ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ sân chơi dành cho các tài năng ca nhạc này.

- Nguyên nhân vì đâu mà anh nhận lời ngồi ghế Hội đồng nghệ thuật của chương trình SMĐH?

- Cái cốt yếu là vì tình thân và sự gắn bó của tôi với chương trình suốt những năm qua. Tôi thậm chí đã từ chối lời mời làm giám khảo The Voice để tham gia SMĐH vì thấy mình phù hợp với chương trình này hơn.

- Trước những ý kiến nên dẹp bỏ SMĐH hay so sánh nó với các chương trình truyền hình thực tế khác, là một người trong cuộc, anh cảm thấy như thế nào?

- Trước tiên cần nhận định rõ SMĐH là một cuộc thi có lồng ghép tính chất giải trí chứ không phải một gameshow trên truyền hình. Nó có tính thực tế ở đấy nhưng SMĐH có những quy luật riêng. Đây là mùa thứ thứ 5 rồi nên sức hấp dẫn của nó chắc chắn đã giảm sút rồi chứ không như những mùa đầu được nữa. Thế nên khán giả có thể chọn lựa thích hay không thích. Mà nếu không thích, bạn có thể chuyển kênh.

Sứ mệnh của SMĐH rất thiêng liêng vì nó phát hiện ra nhiều tài năng trẻ. Tôi không nhớ rõ tên vì họ thực sự không nổi bật lắm nhưng tôi biết có nhiều người ở vòng loại không đủ tiêu chuẩn để lọt vào vòng chung kết của cuộc thi này nhưng lại rất thành công ở những cuộc thi khác như The Voice hay Vietnam Idol. Tôi nghĩ chuyện dẹp bỏ SMĐH chỉ là suy nghĩ mang tính cá nhân và chủ quan của một nhóm nhỏ khán giả mà thôi. Tôi biết BTC SMĐH vẫn còn nhiều bất cập nhưng không thể phủ nhận tính xã hội mà đòi bỏ nó.

Tùng Dương là một trong những nhân tố xuất sắc nhất mà SMĐH tìm kiếm được trong suốt 5 mùa thi. Hiện tại, anh là giám khảo của chương trình bên cạnh Nguyễn Hải Phong và Huyền Thư.

- Anh có thể lý giải tại sao SMĐH ngày càng chán, càng thiếu hấp dẫn?

- Tôi nghĩ sân chơi này là một cơ hội rất tốt để những người có đam mê ca hát như mình năm nào theo đuổi đam mê của mình. Bởi ở đây, mọi người phải đối mặt với rất nhiều thử thách khó khăn. Nhưng vì ngày nay có quá nhiều cuộc thi nên không tránh khỏi chuyện sức hấp dẫn của chương trình càng giảm sút.

Hơn nữa, SMĐH không mang tính tư nhân như nhiều chương trình khác nên sự đầu tư về tài chính không thể dư dả như những gameshow mua bản quyền từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các chương trình mang format nước ngoài phải tạo scandal, nhiều chiêu trò khác nhau để diễn vì nó mang tính giải trí rất đơn thuần.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là mỗi cuộc thi đều có cái hay riêng và cần tạo dựng cái riêng biệt của mình để có chỗ đứng trong lòng công chúng. Tôi nghĩ SMĐH năm nay cũng đạt được một số thành công nhất định. Nó không bằng những năm cũ nhưng ít nhiều đều tìm được những gương mặt đặc biệt. Hơn nữa, một năm có ngần ấy cuộc thi ca hát mà như chúng ta vẫn nói nhân tài như lá mùa thu thì làm sao xuất hiện những gương mặt lạ lẫm, độc đáo được? Chúng ta có thể có nhiều chương trình hấp dẫn nhưng hấp dẫn không đồng nghĩa với việc có thể tìm ra các tài năng mới.

Nhà báo Ngô Bá Lục: Cuộc thi nào tìm ra nhiều ngôi sao hơn SMĐH?

Vốn là người đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu tiên, không những thế, nhà báo Ngô Bá Lục còn tham gia vào phần đóng góp nội dung, cải tiến cho sân chơi ca hát này, anh cũng chia sẻ những băn khoăn của mình trước chuyện SMĐH bị nhiều khán giả "hắt hủi".

-  Anh nghĩ đâu là thế mạnh cũng như điểm yếu của SMĐH?

- Thế mạnh của SMĐH luôn là chất lượng ca sĩ. Chúng ta hẳn còn nhớ những Tùng Dương, Ngọc Khuê, Phương Anh, Lưu Hương Giang, Hà Anh Tuấn, Ngọc Anh, Phương Linh, Phạm Anh Khoa, Hoàng Hải, Hà Linh, Dương Hoàng Yến, Minh Chuyên, Mỹ Như… các mùa trước và những Lê Việt Anh, Thúy Trang, Huy Quyết… ở mùa SMĐH năm nay. Đây là những ca sĩ được đào tạo và có nhiều yếu tố để bật lên thành ngôi sao như các ca sĩ ở 2 mùa đầu tiên.

Điểm yếu của SMĐH tôi nghĩ cũng chính xuất phát từ quan điểm coi trọng chất lượng chuyên môn nên tính giải trí chưa cao, không sử dụng các chiêu trò gây hiệu ứng truyền thông, vì thế nó khá bình lặng. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu cũng chạy theo các cuộc thi hát “nhập ngoại” trên truyền hình thì có khi còn dở hơn, vì định dạng nước ngoài rất hấp dẫn, mà các cuộc thi đó do các doanh nghiệp thực hiện nên họ có nhiều điều kiện hơn, SMĐH không thể làm như vậy được.

Nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ là người đồng hành mà còn tham gia chấm điểm, chọn thí sinh ở vòng loại của SMĐH.

-  Nhiều khán giả cho rằng các thí sinh của SMĐH ngày càng kém chất lượng, thiếu tài năng hơn hẳn các mùa giải đầu tiên và gần như không hấp dẫn bằng thí sinh của "The Voice" hay "Vietnam Idol"… Anh nghĩ nhận xét này có chính xác?

- Tôi nghĩ 2 mùa bị chê nhiều nhất là 2008 và 2010 thì bản thân tôi lại thấy điều đó cũng không hẳn là đúng. Chúng ta thấy các cuộc thi khác, cuối cùng cũng chỉ có 1 hoặc 2 cái tên đáng nhớ. Ví dụ Vietnam Idol mùa 1 là Phương Vy, mùa 2 là Quốc Thiên, mùa 3 có Uyên Linh – Văn Mai Hương… SMĐH mùa 2008 tôi thấy có Hà Linh quá ổn đấy chứ. Năm 2010 Minh Chuyên và Mỹ Như cũng đâu phải là dở, thậm chí hay là đằng khác. Năm nay thì tôi lại thấy nhiều tiềm năng hơn 2 mùa trước, nó gần như năm 2006 vậy. Đó là có những gương mặt tiêu biểu và nổi bật như Đông Hùng, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Lê Việt Anh, Đoàn Thúy Trang, Huy Quyết, Nguyễn Trần Trung Quân, Lưu Thanh Thanh…

Tôi là người chấm SMĐH vòng loại Bắc Nam và tôi có thể khẳng định là các em cũng không thua kém các cuộc thi khác. Tôi nghĩ mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi The Voice cho phép các thí sinh hát cái gì mà họ hát hay nhất, hợp nhất, vì thế nhiều bạn hát tiếng Anh rất hay như Hương Tràm, Đinh Hương hay Xuân Nghi…trong khi một số em trượt vòng loại SMĐH năm nay khi sang The Voice thì lại lọt qua cả vòng Giấu mặt như Xuân Sơn, Phú Luân… hay như Mai Khánh Linh – Ngọc Luân (top 16 SMĐH 2010) năm nay cũng đều lọt qua vòng Giấu mặt của The Voice… tôi nghĩ hẳn là các em đó hát không dở. Đó là điều bình thường ở các cuộc thi hát, vì vậy chúng ta không nên đánh giá thí sinh cuộc nào hay hơn. Tôi nghĩ quan trọng là định dạng chương trình và những quy chế của các cuộc thi hát khác nhau thì dẫn đến việc các thí sinh sẽ phát huy khả năng của mình sẽ ở các mức độ khác nhau. Tôi ví dụ Mai Khánh Linh, Ngọc Luân nếu thi The Voice mà các bạn ấy không hát tiếng Anh thì chưa chắc đã xuất sắc như vậy.

- Theo anh, có nên dẹp bỏ một cuộc thi không còn hấp dẫn nữa?

- Nếu nó là một cuộc thi chuyên môn thì không nên dẹp bỏ, còn các show truyền hình mang tính giải trí thì tự nó sẽ “biến mất” khi không còn hấp dẫn nữa để ra đời cái mới. Tôi nghĩ SMĐH nếu tiếp tục tồn tại, thì buộc phải thay đổi mạnh mẽ định dạng chương trình, cũng như tìm kiếm một “mạnh thường quân” đủ sức chi cho những đầu tư lớn nhằm vực dậy chương trình.

- Nếu để anh “cầm trịch”, anh sẽ làm như thế nào để hâm nóng cuộc thi có lịch sự gần 10 năm này?

- Điều này nằm ngoài tầm suy nghĩ của tôi (cười), bởi giữa lý thuyết và thực tế nó rất khác nhau. Vì thế, có thể nói rất hay nhưng làm lại rất dở, cho nên, tốt nhất là… im lặng.

Quỳnh Anh

Theo Infonet.vn

Sao Mai điểm hẹn từng là cuộc thi âm nhạc đình đám vào đầu những năm 2000 và để lại cho khán giả nhiều ấn tượng về các giọng ca, hình tượng đẹp đẽ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cuộc thi danh giá "made in Vietnam" đang đứng trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của các chương trình du nhập từ nước ngoài và bớt dần sức hút nơi khán giả.

Chương trình này cần thay đổi và thay đổi như thế nào? Chia sẻ quan điểm của bạn qua email: news@zing.vn. Những ý kiến hay sẽ được chọn đăng.

Quỳnh Anh

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm